Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách sẽ được tổ chức trong Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” 2024 với chủ đề “Sa Pa - Thổ cẩm miền sương mây,” diễn ra từ ngày 08-10/11/2024.
Festival góp phần triển khai, thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" và dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2024” của tỉnh Lào Cai.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các đơn vị, địa phương, các diễn viên (nghệ nhân), các hợp tác xã thổ cẩm, doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn, khai thác, phát triển thổ cẩm dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch.
Đây là sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh Lào Cai, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển các sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu du khách.
Festival “Thổ cẩm Lào Cai-Sắc màu văn hóa” sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, như tổ chức không gian văn hóa, thổ cẩm tỉnh Lào Cai bao gồm tổ chức trình diễn, giới thiệu văn hóa và thổ cẩm truyền thống các dân tộc H'Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó tỉnh Lào Cai gắn với xúc tiến quảng bá về du lịch, tổ chức trình diễn về thổ cẩm và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm; Tổ chức trưng bày, sắp đặt nghệ thuật giới thiệu văn hóa và thổ cẩm ứng dụng trong đời sống
Chương trình nghệ thuật Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” là câu chuyện xuyên suốt về thổ cẩm, kết tinh của sự khéo léo, bàn tay, trí tuệ của người phụ nữ dân tộc, nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, nơi dệt nỗi nhớ thương.
Chương trình gắn với giới thiệu, trình diễn trang phục ứng dụng của các nhà thiết kế về thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Giáy và Tày, qua đó tạo nên sự kết nối, lan tỏa các sản phẩm văn hóa, du lịch, nét đẹp đời sống con người Sa Pa, Lào Cai. Qua đây khẳng định thế mạnh đa văn hóa, giàu bản sắc, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người trong tỉnh Lào Cai, nhằm thu hút đầu tư và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tạo nên những sản phẩm kinh tế văn hóa du lịch độc đáo.
Cùng với 25 dân tộc anh em chung sống, xây dựng và phát triển vùng đất giàu bản sắc văn hóa, mỗi dân tộc tại Lào Cai đều có những sáng tạo riêng về trang phục thổ cẩm của mình. Nhưng dù với màu sắc nào, hoa văn nào thì trang phục thổ cẩm của mỗi tộc người lại toát lên một vẻ đẹp riêng, rất độc đáo và hấp dẫn.
Mỗi tấm vải được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc; gắn liền với những câu chuyện, về đời sống, về văn hóa, về tình yêu, điển tích, thần thoại.
Festival là điểm nhấn tạo ấn tượng mạnh mẽ để quảng bá thu hút du khách đến tham quan và giới thiệu sắc màu thổ cẩm của Lào Cai, kích cầu du lịch sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3.
Năm 2024, ngành Du lịch Lào Cai phấn đấu đạt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3, theo thống kê của ngành Du lịch, trong tháng 9/2024, các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh hầu như không phát sinh doanh thu. Thống kê sơ bộ ban đầu, tổng thiệt hại trực tiếp do bão đối với ngành Du lịch Lào Cai là khoảng 15 tỷ đồng.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ban ngành khẩn trương khơi thông các tuyến giao thông vận tải huyết mạch, khôi phục hoạt động du lịch, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá các hoạt động du lịch tại địa phương từ nay đến cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
Theo cơ quan quản lý du lịch tại địa phương và các doanh nghiệp lữ hành cho biết, hiện nay các tuyến đường đã được khai thông, hoạt động giao thông đã trở lại bình thường. Tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đến ga Lào Cai đã khôi phục trở lại từ cuối tháng 9.
Các tuyến đường bộ trọng điểm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa và kết nối thị xã Sa Pa tới điểm du lịch trên các trục đường Quốc lộ 4D, tỉnh lộ 152 và 155... đã được sửa chữa, nâng cấp trở lại bình thường.
Các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đã và đang đặt tour trở lại nhiều hơn, đặc biệt từ trung tuần tháng 10 đến cuối năm 2024 và các ngày lễ tết như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch.
Từ nay đến cuối năm, Lào Cai sẽ tổ chức một số sự kiện du lịch nổi bật để thu hút khách du lịch như Festival sông Hồng, Lễ hội thổ cẩm, Lễ hội mùa Thu Bát Xát, Giải đua xe đạp “Một đường đua, hai quốc gia”, Giải marathon vượt núi; xúc tiến du lịch với Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tại Sa Pa cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện, sản phẩm thu hút du khách như tour du lịch “Cung đường di sản văn hóa Dao”; “Di sản văn hóa Giáy”; đưa vào khai thác Không gian văn các dân tộc Sa Pa; đưa vào khai thác Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa; tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Đông Sa Pa...
Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức đón các đoàn Famtrip gồm các hãng lữ hành, cơ quan truyền thông, báo chí đến khảo sát, đánh giá chất lượng điểm đến và quảng bá hình ảnh thu hút khách du lịch trở lại Sa Pa, Lào Cai nhiều hơn vào dịp cuối năm./.