Ba họa sĩ cho biết, mục đích trưng bày các tác phẩm nhằm nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, thông qua các chất liệu và hình ảnh hoa sen; truyền tải thông điệp về sự chữa lành bằng ngôn ngữ nghệ thuật đến cộng đồng; tạo nên một không gian mở cho sáng tạo và trải nghiệm nghệ thuật.
Dòng chảy của Hoàng Hương Giang tràn đầy xúc cảm qua những bức tranh sen tươi mới sắc xuân. Tranh của cô như thấm đượm sự bay bổng, nên thơ trong các ý niệm về cuộc đời. (Tác phẩm "Cánh chim thiên điểu về trời").
Dòng chảy là cuộc gặp gỡ hữu tình đầy duyên phận của ba người đàn bà, ba nghệ sĩ, ba thế hệ và ba khuôn hình, dẫu không giống nhau nhưng có chung một niềm đồng cảm.
Dòng chảy là một mạch nước ngầm trong suốt đầy khắc khoải và yêu thương. Trên chất liệu truyền thống, các tác phẩm là dấu ấn của một hành trình mà mỗi nữ nghệ sĩ đã tìm kiếm những giá trị đậm sắc văn hóa Việt.
Với sự tài tình của một nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa Phật giáo, ngắm tranh của Trang Thanh Hiền, chúng ta như thấy được câu hỏi mở về cuộc đời mình bên trong. (Tác phẩm "Mẹ cội nguồn").
Tranh của Đinh Thị Kim Liên là những khoảnh khắc về một hành trình dài mà dòng chảy cuộc đời sẽ giúp lưu lại trong sâu thẳm. Họa sĩ nhấn những sự biểu cảm ấy thật ấn tượng trên gương mặt người đời. (Tác phẩm "Múa bóng").
Ngoài trưng bày, các họa sĩ sẽ tổ chức chương trình trải nghiệm: Sắp đặt những cánh sen nghệ thuật do các bạn nhỏ của hai CLB Mỹ thuật G-art studio và Cùng bé sáng tạo thực hiện; Workshop tạo hình sen trên gốm và chia sẻ về hình ảnh hoa sen trong văn hóa Việt; Workshop trải nghiệm vẽ giấy dó cùng các nghệ sĩ và trò chuyện về sự tự chữa lành thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Triển lãm Dòng chảy sẽ khai mạc ngày 2/11, kéo dài đến 10/11/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một số tác phẩm trưng bày:
Tác phẩm "Lũ trẻ ném Pao" của Đinh Thị Kim Liên.
Tác phẩm "Ánh xạ" của Trang Thanh Hiền.
Tác phẩm "Sen trắng 1" của Trang Thanh Hiền.