Dự lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Văn hoá và Thể thao…
Theo thống kê, tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh hiện có 77 làng nghề được công nhận. Nhiều làng nghề đã tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường như các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, chế biến cói, gốm sành sứ, sản xuất bún bánh, trồng đào phai... Đây cũng là các làng nghề mang tính thế mạnh và đặc trưng của tỉnh.
Chuyên đề gồm hai nội dung chính: Trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật là công cụ chế tác và sản phẩm của 5 làng nghề tiêu biểu ở Ninh Bình (Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn, nghề gốm cổ Bồ Bát, làng nghề gốm Gia Thuỷ); chương trình trải nghiệm nghề cói Kim Sơn (các nghệ nhân giới thiệu về các công cụ và nguyên liệu của nghề cói Kim Sơn và trình diễn các công đoạn dệt chiếu, đan giỏ, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm cói; khách tham quan trải nghiệm làm cói theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân và cán bộ Bảo tàng; chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân và các sản phẩm).
Nghệ nhân làm cói hướng dẫn các em học sinh Trường tiểu học Thanh Bình trải nghiệm nghề làm cói Kim Sơn.
Sau hoạt động trải nghiệm, khách du lịch có thể tham gia một số trò chơi dân gian được Bảo tàng Ninh Bình bố trí tại không gian trưng bày ngoài trời.
Thông qua việc trưng bày chuyên đề và hoạt động trải nghiệm nghề cói Kim Sơn nhằm tạo điều kiện cho các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, gắn với phát triển du lịch và phát huy thế mạnh của các địa phương. Đồng thời là hoạt động thiết thực của Bảo tàng tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm bảo tồn, khuyến khích nghề thủ công phát triển, đặc biệt ngày 17/4/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về việc bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.