Trưng bày giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải gồm 190 tấm nà pha, trong đó 101 hiện vật (nà pha) đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1195/QĐSVHTT ngày 14 tháng 10 năm 2024. Các tấm nà pha được sưu tầm trong khoảng thời gian những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng (nhóm Tày Mường) ở miền tây tỉnh Nghệ An. Những tấm nà pha được giới thiệu tại trưng bày này được dệt khoảng 30-90 năm về trước.
Thái là một trong những dân tộc có truyền thống dệt thêu, nuôi tằm lâu đời. Sản phẩm dệt thêu của họ khá phong phú và nà pha (mặt chăn, vỏ chăn) chính là một trong những di sản văn hóa và cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của người Thái, đặc biệt là người Thái ở miền Tây Nghệ An. Từ những năm 70 trở về trước, người Thái đã tự túc được nhu cầu vải mặc và sử dụng trong đời sống thường nhật. Nà pha là một trong những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tự cung, tự cấp, được sử dụng phổ biến và trở thành nét đặc trưng nhóm dân tộc, thể hiện qua giá trị sử dụng.
Nà pha được dùng làm vỏ chăn, của hồi môn cho cô dâu làm quà tặng khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết… Nà pha làm của hồi môn cho cô dâu khi về nhà chồng, số lượng nà pha càng nhiều, càng tinh xảo càng thể hiện vai tro, địa vị, gia cảnh của cô dâu. Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, nà pha thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ trong sản phẩm đồ dệt của người Thái Nghệ An.
Những tấm Nà pha của người Thái được dệt khoảng những năm 1960,1970
Hầu hết các tấm nà pha trong bộ sưu tập có khổ rộng 40cm, được dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông. Các hoa văn trang trí thường được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ, với phong cách chủ yếu là tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính: động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên.
TS Vi Văn An, người Thái Nghệ An, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Để dệt nên những tấm chăn (nà pha), đồng bào dân tộc Thái chủ yếu dùng kĩ thuật quilt (dùng tay bóc, nhặt, cài lên tấm vải dệt). Kĩ thuật này được áp dụng khá phổ biến trên mặt chăn của người Thái. Thông qua bộ sưu tập này, chúng ta có thể thấy được sự tinh xảo của kĩ thuật dêt; sự phong phú của các mô típ hoa văn theo 4 chủ đề: động vật, thực vật, hiện tượng tự nhiên; các đồ vật của đồng bào dân tộc Thái. Các hiện vật này cũng thể hiện giá trị thẩm mỹ với gam màu tinh xảo, bắt mắt, cho thấy thế giới quan, nhân sinh quan của tộc người Thái trắng ở miền Tây Nghệ An.
Những tấm nà pha được sắp đặt trong không gian trưng bày, cho thấy sự tinh xảo của các nghệ nhân xưa
TS Vi Văn An cũng cho biết: Nà pha là tuyệt tác có một không hai của đồng bào dân tộc Thái và khó có thể sưu tầm được nữa. Bởi lẽ, hiện nay người Thái ở Nghệ An vẫn dệt vải nhưng kĩ thuật không còn tinh xảo như các nghệ nhân xưa. Hai năm trước, ông có đi khảo sát và tìm hiểu kĩ thuật nhuộm màu của đồng bào. Sản phẩm của họ được đặt hàng sản xuất nhiều hơn với đa dạng kiểu dáng, tham gia hội chợ quốc tế trong nước và ở nước ngoài. Tuy vậy, không ít sản phẩm bị thay đổi màu sắc, kiểu dáng, chất liệu do nhu cầu đặt hàng.
TS Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định: bộ sưu tập hiện vật Nà pha của người Thái là kết quả nghiên cứu sưu tầm, hết sức đặc sắc và có giá trị trong nhiều năm. Trong 3 tháng trưng bày, ban tổ chức sẽ luân chuyển, thay đổi vị trí các tác phẩm để công chúng được chiêm ngưỡng đầy đủ.
Trưng bày “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của Người Thái Nghệ An” đang diễn ra tại tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến ngày 17/1/2025.