Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin về sự phát triển và đóng góp của các làng nghề trong phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Sáng 9/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich tổ chức buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024.
Thông tin về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Qua đây, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Thông qua hội thi giúp quảng bá các làng nghề, phố nghề truyền thống trên cả nước, góp phần vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Những tác giả đạt giải hội thi sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân các cấp.
Theo Ban tổ chức, tất cả các tổ chức, cá nhân có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế đều được tham gia dự thi. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được chia thành 5 nhóm: gốm sứ và thủy tinh; dệt, thêu đan, móc; mây, tre, lá tự nhiên; đá, gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai và nhóm khác (sừng, kim khí, hoa, tranh…).
Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi bắt đầu từ ngày 28/10 đến hết ngày 1/11/2024 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ban tổ chức sẽ chấm các tác phẩm và sẽ trao: 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 15 giải khuyến khích.
Nghệ nhân đứng máy tiện gỗ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Về triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến chia sẻ, đây là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam (23/11) nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước con người Việt Nam. Qua đây cũng khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, miền. Đồng thời, động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề truyền thống, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Các hoạt động tại triển lãm góp phần tăng cường giao lưu giữa các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quảng bá về du lịch. Triển lãm cũng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc về nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc được kết tinh và tiếp nối qua nhiều thế hệ, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Dự kiến, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22-26/11/2024 tại tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, không gian Sắc màu “Di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống” của 25 tỉnh, thành phố diễn ra tại Phố đi bộ đường Hồ Tùng Mậu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây cũng giới thiệu sản phẩm đạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu Di sản”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng thông tin thêm, Việt Nam có 5.400 làng nghề; trong đó có trên 2.200 làng nghề được công nhận là làng nghề. Có khoảng 3 triệu lao động nông thôn làm việc ở các làng nghề. Các làng nghề không chỉ chứa đựng giá trị kinh tế mà còn nhiều giá trị văn hóa, tâm linh…
Mặc dù các sản phẩm làng nghề của Việt Nam rất tinh tế, các nghệ nhân có tay nghề cao, song vẫn còn yếu về thiết kế. Do đó, những năm gần đây, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các hội đồng thủ công thế giới, châu Âu… và đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Milan, Italia giới thiệu sản phẩm và giao lưu giữa các nghệ nhân, song số lượng sản phẩm được tham gia còn hạn chế. Đặc biệt, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Hà Nội đã có sự hợp tác với Đại học Lund (Thụy Điển) để đưa nghệ nhân sang để giao lưu, cập nhật về thiết kế. Cùng với đó là sự hợp tác về xây dựng hình mẫu về làng nghề và du lịch sinh thái tại Bát Tràng và Đường Lâm, ông Lê Đức Thịnh thông tin.