HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
(50-59)-Triển lãm làng nghề thủ công: Kể chuyện truyền thống và nghệ thuật đương đại
(Ngày đăng: 02/02/2024   Lượt xem: 77)

Mỗi làng nghề thủ công truyền thống đều mang trong mình những giá trị riêng, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam qua từng thời kỳ. Nhưng trong vòng xoáy của nhịp sống thời 4.0, liệu giá trị của nghề thủ công còn đủ sức để giữ nghệ nhân bền bỉ với công việc?

Khách tham quan tìm hiểu các công đoạn và sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam tại triển lãm
 
Khách tham quan tìm hiểu các công đoạn và sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam tại triển lãm

Chuyện kể từ triển lãm

Bối cảnh hội nhập và những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi, nhiều làng nghề đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, như thiếu nguyên liệu, lao động, cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập... dẫn đến nguy cơ mai một, thất truyền. Trước thực trạng này, Bảo tàng TPHCM thực hiện trưng bày với chủ đề Nghề thủ công truyền thống kết hợp các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Xèo Chu (diễn ra từ nay đến hết ngày 29-2) với mục tiêu góp phần giữ gìn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề thông qua cách tiếp cận mới mẻ, đầy chất nhân văn và phù hợp với cách trưng bày đương đại.

Trưng bày giới thiệu đến công chúng một bức tranh nhiều màu sắc về các nghề thủ công truyền thống như: nghề khảm trai, thêu, lụa, sơn mài, nghề làm tranh Đông Hồ… cùng góc nhìn và sự tiếp nối của thế hệ trẻ. Dừng lại thật lâu trước trưng bày về tranh Đông Hồ và nghề khảm trai, chị Đỗ Thị Hương Tú (34 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 1), chia sẻ: “Tôi nghe qua tranh Đông Hồ rất nổi tiếng nhưng có xem tận mắt như thế này mới hiểu hết các quy trình làm thủ công như thế nào, và vì sao tác phẩm lại có giá trị nghệ thuật cao cũng như giá trị thị trường phải thật xứng tầm, vì công đoạn nhỏ nhất cũng phải làm thật tỉ mỉ, cầu kỳ”.

Qua những tác phẩm trưng bày trong triển lãm, họa sĩ Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007) đã khắc họa tinh tế tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là hoa lê - loài hoa trắng tinh khôi, tượng trưng cho sự thanh khiết, bình yên và ấm áp trong cuộc sống. “Hoa lê xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam, đó là nguồn cảm hứng để em thực hiện các tác phẩm của mình”, Xèo Chu bày tỏ.

Ông PHẠM SANH CHÂU, nguyên Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về UNESCO

Việt Nam đã làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn. Các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như giấy dó, tranh Đông Hồ, lụa, nghề thêu truyền thống..., sẽ là những món quà tuyệt vời dành tặng cho bạn bè quốc tế, cũng là một cách thức để chúng ta quảng bá di sản Việt Nam ra thế giới.

Sắp đặt nghệ thuật cho di sản Việt Nam

Điểm nhấn của triển lãm là hai khu vực: khu làng nghề truyền thống (tại sảnh chính Bảo tàng TPHCM) và khu triển lãm tranh đương đại Xèo Chu tại khu Nhà trưng bày triển lãm thành phố (phía cổng 92 đường Lê Thánh Tôn, quận 1).

Với nội dung tranh đương đại, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa hiện đại kết hợp với các chất liệu của làng nghề truyền thống qua bộ sưu tập những sản phẩm trang trí mang đậm bản sắc di sản văn hóa được sáng tạo phiên bản giới hạn hoặc độc bản. Các tác phẩm nghệ thuật này sẽ giúp khách tham quan có những góc nhìn mới đối với việc sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và hình thức tiếp cận di sản văn hóa gần nhất với giới trẻ và du khách.

Trưng bày trong triển lãm lần này, còn có bộ sưu tập tem vẽ tay xưa của chị Nguyễn Thị Thu Sương (mẹ của họa sĩ Xèo Chu). Chị Thu Sương chia sẻ: “Trong hơn 20 năm làm công việc liên quan đến phòng tranh, hội họa và sưu tập, tôi luôn trăn trở làm sao để thể hiện được những sản phẩm mà ngay khi du khách đặt chân tới, họ có thể thấy được một di sản văn hóa Việt Nam đầy bản sắc dân tộc”. Trăn trở của chị Thu Sương cũng là nỗi niềm chung của nhiều nghệ nhân tại các làng nghề thủ công truyền thống, bởi sản phẩm làng nghề của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là sản phẩm vừa cao cấp vừa mang đầy đủ chất truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tần, người thuộc thế hệ thứ 21 trong một gia đình chuyên làm tranh Đông Hồ, bày tỏ: “Tranh dân gian Đông Hồ có đặc thù là không làm theo bất kỳ quy tắc nào cả, nên mỗi tác phẩm làm ra có thể nói là độc bản, ít nhiều đều có sự khác biệt và đặc trưng riêng rất khó sao chép. Tuy nhiên, cũng vì thế mà khi cần số lượng lớn, chất lượng đảm bảo như nhau lại là một trăn trở lớn của các nghệ nhân”.

Sự kết tinh của trí tuệ, bàn tay khéo léo và tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ cha ông đã để lại những làng nghề thủ công truyền thống làm dày thêm nền tảng di sản của dân tộc... Câu chuyện bảo tồn và tiếp nối những giá trị tốt đẹp này, cần nhiều hơn những cuộc triển lãm, kết nối và giải pháp liên ngành cụ thể để giá trị trăm năm hòa cùng dòng chảy đương đại, làm nền tảng để khai thác văn hóa cội nguồn trong sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật hôm nay.

                                               Theo:  sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.474.386
Tổng truy cập: