HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
(29)- Họa kim sa - hình hài mới cho những giá trị truyền thống
(Ngày đăng: 28/12/2023   Lượt xem: 25)

Được phục dựng và cải tiến từ nghệ thuật pháp lam Huế, Họa kim sa mang đến sự kết hợp độc đáo của kỹ thuật hiện đại và nét văn hóa truyền thống. Những hoa văn, họa tiết, hình ảnh đậm nét văn hóa Việt giờ đây được tiếp biến trong dòng chảy hiện đại, tạo ra hình hài mới cho những giá trị xưa cũ.

“Tận thấy” sản phẩm mới lạ

Sau những buổi workshop, talkshow rải rác trong năm 2023 để giới thiệu về nghệ thuật Họa kim sa, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2023, nhóm Họa Gấm tổ chức liền hai triển lãm “Họa linh sắc Việt” tại Hà Nội. Cả hai triển lãm số lượng tranh trưng bày không nhiều nhưng đều thu hút nhiều khách tới tham quan.

Tại triển lãm, công chúng được “tận thấy” một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, mới lạ. Những bức tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng được chuyển thể trên tinh thần tôn trọng nguyên gốc từ bố cục đến màu sắc nhưng hoàn thiện bởi kỹ thuật Họa kim sa, khiến tranh trở nên “nổi bật” cả về hình khối, sắc độ.
hoa kim sa  hinh hai moi cho nhung gia tri truyen thong hinh 1

Nguyễn Hoàng Anh giới thiệu những bức tranh được thực hiện bằng kỹ thuật Họa kim sa.

Giới thiệu những bức tranh này, Founder của Họa Gấm - cô gái trẻ 9X Nguyễn Hoàng Anh cho biết, những tác phẩm tại triển lãm đều tái hiện lại tranh dân gian truyền thống như: tranh “Gà Đại Cát” của dòng tranh Kim Hoàng, tranh Văn Thù Bồ tát, tranh ông Hoàng Đôi, Cô Chín... của dòng tranh Hàng Trống và được thực hiện rất công phu, tỷ mỉ.

“Bức “Tứ Phủ Công đồng” này được làm ra bởi 20 người với hơn 6.000 giờ lao động. Còn bức tranh Đại Thế Chí Bồ tát thì dựa trên đường nét tranh cổ do nghệ nhân Lê Đình Nghiên phục dựng” - Hoàng Anh cho biết.

Nhận xét về bức tranh “Ngũ Hổ thần tướng” do các bạn trẻ thế hệ 9X thực hiện bằng kỹ thuật mới, nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Ðình Nghiên hào hứng cho rằng, bức tranh rất đẹp, trung thành với tranh gốc cổ xưa các cụ làm. Ông thấy vui và vững tâm không còn lo nghệ thuật truyền thống bị mai một vì ngày càng có nhiều các bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, biết khai thác các yếu tố, văn hóa và chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật.

Chia sẻ thêm về hai cuộc triển lãm, Nguyễn Hoàng Anh cho hay, “Họa linh sắc Việt” có ý nghĩa cụ thể là “vẽ tâm linh và bản sắc người Việt”. Bởi tín ngưỡng tâm linh Việt Nam là một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của đất nước. Nhóm Họa Gấm mong muốn qua đây sẽ giới thiệu tới công chúng những nét đẹp truyền thống của lịch sử, văn hóa Việt Nam mà nhóm đã thể hiện trên nền chất liệu mới.

“Họa linh sắc Việt” ra đời với tôn chỉ bảo tồn “màu sắc” của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân một góc nhìn mới về nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam” - Hoàng Anh bộc bạch.

Từ pháp lam đến Họa kim sa

Họa kim sa là kỹ thuật làm tranh trên nền kim loại và lên màu bằng cát thạch anh. Đây vốn là kỹ thuật từ nước ngoài du nhập vào Huế từ gần hai thế kỷ trước nhưng dần bị thất truyền. Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong thời gian học khoa thiết kế đồ họa của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cô đã mê mẩn bởi sự tinh xảo, cầu kỳ của những công trình lăng tẩm trang trí bằng nghệ thuật pháp lam ở Huế. Khi ra trường, cô bắt đầu nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật pháp lam này.
hoa kim sa  hinh hai moi cho nhung gia tri truyen thong hinh 2

Khách tham quan triển lãm “Họa linh sắc Việt” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tháng 11/2023.

Theo Hoàng Anh, pháp lam hiểu đơn giản là kỹ thuật tráng men trên cốt kim loại, rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Do cách thức chế tác đặc biệt nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu sức va đập, sự ăn mòn của môi trường, khí hậu... Kỹ thuật pháp lam thời Nguyễn được các nghệ nhân ở Huế tiếp thu trực tiếp từ vùng Quảng Đông - Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sản xuất đồ pháp lam. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản... đều có pháp lam nhưng có những tên gọi khác nhau.

Về mặt mỹ thuật, pháp lam Huế không chỉ có các vật liệu dùng trong kiến trúc mà còn có gia dụng, đồ tế tự và các vật phẩm mỹ thuật. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có tạo dáng đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú và sinh động, trong đó nhiều vật phẩm được coi là những cổ vật quý giá.

“Kỹ nghệ chế tác pháp lam xuất hiện thời nhà Nguyễn và chỉ tồn tại trong khoảng 60 năm, sau đó thu hẹp dần và gần như thất truyền. Họa kim sa đã kế thừa, cải tiến kỹ thuật pháp lam Huế để làm ra những sản phẩm mới, có tính ứng dụng của thời hiện đại. Họa có nghĩa là vẽ, kim có nghĩa là kim loại, sa là màu cát. Họa kim sa nghĩa là vẽ bằng chất liệu kim loại và màu cát” - Hoàng Anh cho biết.

Bỏ ra hơn hai năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến khi đã bắt đầu làm chủ được kỹ thuật, Hoàng Anh tìm những bạn trẻ cùng yêu thích nghệ thuật truyền thống này để thành lập nhóm Họa Gấm, đó là vào cuối năm 2020.

Lan toả giá trị Việt

Theo Hoàng Anh, so với kỹ thuật gốc của châu Âu gồm 7 bước chính và 108 bước phụ, Họa kim sa đã được đơn giản hóa rất nhiều, chỉ còn 3 bước là scan hình, đi dây đồng và lên màu cát. Song, cải tiến quan trọng nhất để có thể đưa môn nghệ thuật này phổ biến rộng rãi và tiếp cận được với nhiều người, chính là thay thế bước gia nhiệt ở khoảng 600°C bằng tráng men với keo mềm epoxy. Việc không phải gia nhiệt không làm mất đi vẻ đẹp của các sản phẩm làm theo kỹ thuật cũ mà còn giúp các bước thực hiện trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.

Tuy giản lược đi rất nhiều, nhưng ở trong từng công đoạn, người làm Họa kim sa vẫn cần có sự khéo léo và tỉ mỉ. Đặc biệt là trong công đoạn đi dây đồng, vì dây rất mảnh, việc định hình dạng chính xác nhưng luôn giữ được sự mềm mại trong từng đường nét là khá khó khăn. Công đoạn tạo hình cát màu trên sản phẩm cũng cần sự khéo léo bởi nếu cát rơi ra ngoài phần cần tô màu, có thể phải bỏ cả sản phẩm để làm lại từ đầu.

Gần đây, nhóm Họa Gấm đã đưa Họa kim sa ứng dụng trong các sản phẩm trang trí, lưu niệm trên các chất liệu gỗ, nhựa như ốp điện thoại, lót cốc, bưu thiếp, lịch, túi... Nhóm còn tổ chức các tọa đàm, workshop ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ tiếp cận, thực hành và trải nghiệm làm ra sản phẩm.

Ngoài những sản phẩm mang tính ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, nhóm bạn trẻ Hoạ Gấm còn thử nghiệm kết hợp Hoạ kim sa với các dòng nghệ thuật dân gian. Những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Làng Sình ở Huế... đã được thể hiện trên chất liệu mới rất tinh tế mà vẫn giữ được hồn cốt của tác phẩm gốc.

Những hoa văn, họa tiết, hình ảnh mang đậm văn hóa truyền thống như em bé ôm gà, lợn ráy, gà đàn, lý ngư vọng nguyệt… hằng ngày đồng hành cùng các bạn trẻ trên túi xách, ốp điện thoại, quạt giấy, để văn hóa truyền thống được tiếp biến trong dòng chảy hiện đại, để mỗi bạn trẻ như một đại sứ văn hóa, góp phần lan tỏa, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam.

“Toàn bộ đội ngũ làm tranh của Họa Gấm đều đang là sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Tôi đưa Họa kim sa đến với các bạn trẻ, các bạn hãy coi đó là một cây bút, một công cụ và sự sáng tạo là của các bạn. Họa kim sa có được sáng tạo, có phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống hay không, sự sáng tạo đó được đưa lên tầm cao nào, là do chính các bạn trẻ quyết định” - Hoàng Anh chia sẻ.
                                   Theo:  congluan.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.492.784
Tổng truy cập: