HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
(39,60)- 120 năm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Một thời vẻ vang và mong ước dở dang
(Ngày đăng: 11/11/2023   Lượt xem: 58)
Năm 2023, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai tròn 120 tuổi, thuộc tốp trường dạy nghề “lão làng” hình thành sớm nhất ở Nam bộ. Hơn 120 năm ấy, biết bao thành tích của trường đóng góp cho sự hình thành, phát triển xứ Biên Hòa - Đồng Nai. Và cũng nhiều mong ước của công chúng còn đợi chờ.
Di vật Bộ lư đồng của nghệ nhân Đặng Văn Quới
Di vật Bộ lư đồng của nghệ nhân Đặng Văn Quới
Theo hồ sơ của trường, Hội đồng tỉnh Biên Hòa ra Nghị quyết chủ trương thành lập trường năm 1902, tên gọi “École Professionnelle de Bienhoa” (Trường Dạy nghề Biên Hòa). Hiệu trưởng đầu tiên là ông Chesne - Chánh Tham biện tỉnh Biên Hòa. Theo báo cáo của Hiệu trưởng Chesne ngày 12-8-1903, trường đã khai giảng ngày 15-3-1903. Khởi đầu, trường có 4 ban: Ban về nghề đan lát, mây tre; Ban công việc về gỗ; Ban đúc đồng; Ban vẽ.

* Thổi hồn cho gốm Biên Hòa

Từ năm 1964, trường được xác định là trường dạy nghề chuyên nghiệp bậc trung học, mang tên “Trường Kỹ thuật Biên Hòa”, dân gian vẫn gọi là “Trường Bá nghệ Biên Hòa”. Năm 1998, trường được nâng cấp thành “Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai”. Đến nay, trường là cơ sở đào tạo bậc đại học của Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Thành quả của trường không kể xiết. Sản phẩm quan trọng nhất là các thế hệ thầy trò từ “lò đào tạo” của trường đã trưởng thành đóng góp nhiều mặt, ở nhiều lĩnh vực, qua các thời kỳ, tạo nên sản phẩm đặc trưng cùng học hiệu của trường và văn hiệu Biên Hòa - Đồng Nai.

Nhắc đến Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm gốm. Cả nước có nhiều trung tâm gốm nổi danh: Gốm vùng Thăng Long, gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gốm Bàu Trúc và hệ thống gốm của người Chăm, Khmer. Gốm Biên Hòa ấn tượng ở dòng gốm mỹ thuật với men màu đa dạng, kỹ thuật cao. Từ buổi đầu khai mở, xứ Biên Hòa - Đồng Nai đã phát triển gốm thô gia dụng có nguồn gốc từ nhiều vùng miền cả nước. Những địa danh như “rạch lò gốm” ở cù lao Phố hoặc truyện dân gian Chàng Út nàng Sen do Trần Hiếu Thuận sưu tầm đã chứng minh điều đó.

Gốm Biên Hòa theo tàu buôn đến nhiều nơi trong và ngoài nước. Khi Trường Dạy nghề Biên Hòa thành lập, gốm Biên Hòa trở thành “có nghề”, được chăm sóc bởi các bậc thầy và nghệ nhân nên chất lượng được nâng cao, sản phẩm đa dạng, thị trường vươn xa.

Đến năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Robert Balick làm hiệu trưởng và bà Maritte Balick làm phụ tá hiệu trưởng, mở ra bước ngoặt của nhà trường. Ông bà Balick đã nghiên cứu thực tế, phát huy truyền thống, khai thác lợi thế địa phương, ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới tạo sản phẩm mới. Về thành tựu, đã có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu; viết hoài không hết. Luận án tiến sĩ của Trần Đình Quả, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, bảo vệ thành công tại Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam năm 2017 được xem là công trình nghiên cứu bao quát về đặc điểm và thành quả của gốm Biên Hòa trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường.

Sản phẩm gốm Biên Hòa đã được giới thiệu, thu hút quan tâm của thương khách, được nhiều khen thưởng tại các triển lãm, trưng bày quốc gia, quốc tế: Hà Nội (1922), Marseille (1922), Paris (1925) và nhiều nơi, nhiều năm khác. Người Biên Hòa - Đồng Nai còn có thể tìm hiểu sản phẩm gốm Biên Hòa tại Phòng Truyền thống của nhà trường, 8 bức tranh gốm có tuổi “bách tuế” tại Văn vật khố ở Văn miếu Trấn Biên, tranh gốm ở di tích Nhà hội Bình Trước Biên Hòa, biểu tượng cá chép tại di tích Quảng trường Sông Phố; tượng gốm Võ Thị Sáu ở hoa viên Nhà thiếu nhi Đồng Nai, hiện vật gốm còn lưu dụng như bảo vật tại phố cổ Hội An và một số gia đình ở Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu; gần đây là tượng gốm ở di tích Chiến thắng sân bay Biên Hòa, phù điêu gốm ở Bảo tàng Đồng Nai...

* Độc đáo với đồng

Không chỉ có gốm, theo tác giả Nguyễn Minh Anh bài đăng ở Tạp chí Mỹ thuật online, ấn tượng đáng kể còn có sản phẩm đồng. Lúc đầu, Ban đúc đồng của trường không được Thống đốc Nam kỳ đồng ý. Nhưng do thuyết phục của Chánh tham biện Chesne và nhu cầu của thực tế, Ban đúc đồng được đưa vào chương trình giảng dạy ghi rõ là theo phương pháp Bắc Ninh. Do vậy, nghệ nhân Bắc Ninh được mời vào truyền dạy kỹ thuật và kinh nghiệm dân gian.

Ban đúc đồng của trường ra sức nghiên cứu, vừa dạy vừa sáng tạo, nghiên cứu thực tế, ứng dụng kỹ thuật mới, khảo sát thị hiếu, tạo sản phẩm đặc sắc. Chương trình học và hành được phân đoạn trong 3 năm. Bài tốt nghiệp là sản phẩm mang tính mới. Các lớp học trò - giáo viên nối tiếp nhau trưởng thành. Một số học trò đầu tiên trở thành giáo viên trụ cột của trường được lưu danh: Đặng Văn Quới, Bạch Văn Trinh, Đặng Văn Trau, Nguyễn Văn Răn…

Sản phẩm đồng của trường có đặc điểm: Đồng chất lượng tốt, đồng nguyên chất và lớp mạ đồng lên nước bóng đẹp, nhiều màu, đa dạng, giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ cao, nhiều món giống đồ cổ. Các sản phẩm được ghi nhớ: Đầu Lèo (Lào), đầu tượng ba cô gái Bắc - Trung - Nam, đầu 4 sừng, ba ông Phúc - Lộc - Thọ, hình tượng vũ nữ Chăm, rắn Naga, bộ đồng tam sự, ngũ sự bày… Đáng kể là, trường tham gia tạo các tượng đài danh nhân: Tượng đài Hai Bà Trưng (cao 4,2m, 1962) tại đầu đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn; tượng Nguyễn Trung Trực (cao 2,4m, 1968) tại Rạch Giá, Kiên Giang.

Cùng với sản phẩm gốm, sản phẩm đồng đã được trưng bày, giới thiệu, nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm quốc gia, quốc tế.

* Vẫn mong chờ…

Thành tích đã nêu và chưa nêu của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai rất vẻ vang, rất đáng tự hào; nhưng có những điều thuộc về mong ước đã và đang thực hiện vẫn chưa trọn vẹn, lòng dân mong chờ.

Văn bằng của Trường Mỹ nghệ thực hành. Nguồn: Ảnh tư liệu do Nguyễn Minh Anh sưu tầm
Văn bằng của Trường Mỹ nghệ thực hành. Nguồn: Ảnh tư liệu do Nguyễn Minh Anh sưu tầm
Còn nhớ, để tạo dấu ấn kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, vào năm 1998, lãnh đạo tỉnh quyết định kiến nghị Bộ chủ quản nâng cấp trường lên bậc cao đẳng, địa phương cấp đất xây thêm cơ sở mới tại khu quy hoạch Bửu Long (vị trí hiện nay). Lúc đó, trao đổi tranh luận hăng lắm. Đa phần ý kiến ủng hộ các nội dung nâng cấp, xây thêm cơ sở. Nhưng một số ý kiến còn e ngại về vị trí mới, lúc đó còn hoang sơ, cận nghĩa địa, hạ tầng chưa hoàn thiện. Với cơ ngơi hiện nay, ý kiến băn khoăn này đã được giải đáp.

Về sự phát triển của nhà trường, các đại biểu đều nhất trí cao, hướng đến mục tiêu phát triển: Xây dựng bảo tàng hoặc trung tâm triển lãm gốm Biên Hòa gắn với du lịch; quy hoạch phát triển ngành gốm Biên Hòa bản sắc và hiện đại; Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trở thành bộ phận nòng cốt của trung tâm ứng dụng thiết kế mỹ thuật phụng sự quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhà trường liên kết với xã hội tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, tạo môi trường sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ở địa phương và cả nước; sáng tạo nhiều sản phẩm mới truyền thống, bản sắc, hiện đại tham gia vào nhịp cầu hội nhập quốc tế.

Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã thổi hồn cho gốm Biên Hòa. Gốm Biên Hòa tạo giá trị văn hóa mang bản sắc Biên Hòa, có tên trong tự điển gốm thế giới với thuật ngữ màu men “Vert de Bienhoa”.

Những mong ước ấy thiêng liêng và khả thi, có ý nghĩa nâng cao vai trò, vị trí của nhà trường, làm giàu giá trị văn hóa Việt Nam. Những mong ước ấy đã được làm, đang làm; nhưng thời điểm này kiểm lại, như ước mơ chưa trọn.

Khi quyết định xây nhà Văn vật khố ở Văn miếu Trấn Biên, lưu giữ 8 bức tranh gốm, mục tiêu hướng đến còn là nhà trưng bày (hoặc bảo tàng) gốm Biên Hòa, không gian văn hóa gốm, đá, gỗ truyền thống; thỉnh về trưng bày ở văn vật khố bộ lư đồng - tác phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Quới và cặp voi gốm “men đồng trổ” có tuổi cao hơn Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Nhưng mọi cố gắng đều không thành công. Kiến nghị lưu giữ một lò gốm cổ cũng không được.

Gần đây, bà Jane Gaven, một tiến sĩ chuyên ngành ở Australia có đến Đồng Nai hiến kế liên kết nhà trường với xã hội tạo sản phẩm du lịch, tạo mã QR cho từng di sản, kết nối với con gái của ông bà Balick (hiện còn sống ở Pháp) để giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, thành ý bất thành. Hiện nay, hiện vật tác phẩm vang danh của trường vẫn tản mác đây đó, chưa thể tập trung thành hệ thống, nên khó vươn đến nhà trưng bày, triển lãm gắn với quảng bá du lịch. Suy cho cùng, nguyên nhân không chỉ ở phía nhà trường, quan trọng là ở hệ thống chính sách, cơ chế, nguồn lực đầu tư của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương.

Thôi thì cứ mơ và cứ tin, không ai đánh thuế và không thể ngăn trở. Bây giờ, tiếp tục mơ và tin vào dự kiến của TP.Biên Hòa tạo con đường văn hóa ven sông Đồng Nai mang bản sắc Đồng Nai.

                                        Theo: baodongnai.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.520.680
Tổng truy cập: