HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
(50-59)QĐ-Tượng đài và linh hồn đô thị
(Ngày đăng: 08/11/2021   Lượt xem: 528)

Trong rất nhiều yếu tố để hình thành một thành phố, để nhớ về thành phố, tôi thường nghĩ về những tượng điêu khắc ngoài trời, những tượng đài trong thành phố…

Ông Phan Thanh Bình.

Thành phố là nơi con người tụ về cùng sinh sống, phát triển kinh tế, công nghiệp, góp phần tạo ra lịch sử, văn hóa. Con người sống trong thành phố, gắn bó với thành phố, phả hồn người vào thành phố; đổi lại thành phố sẽ truyền cái nhịp sống, cái cảnh quan, cái hơi thở của thành phố vào lại con người. Theo thời gian, thành phố cũng có quá khứ, hiện tại và tương lai, có giá trị vật chất và cả tinh thần. Có cái hồn của thành phố. 

Nhờ thế thành phố hình thành, lớn lên. Để trưởng thành đầy đủ, thành phố cần có quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, có công viên, có cây xanh, có công trình nghệ thuật, tôn giáo, văn hóa và có cả tượng đài... Cuộc sống người dân thành phố, ngoài thời gian cùng công việc, bên gia đình, là những khoảnh khắc sống cùng thành phố, thả mình vào không gian thành phố, ghi vào nỗi nhớ bầu trời, mùi hương, con đường, ghế đá, công viên, những góc nhỏ thân quen, gắn bó, thương yêu... Tất cả sẽ góp vào tình yêu thành phố, dần hình thành con người đô thị và sẽ làm cho người thành phố nhớ mãi nơi mình đã đến, đã sống và đã yêu. Mãi mãi, như trong tâm hồn ta luôn có một góc bình yên thuở nào, làng quê, cây đa, bến nước, dòng sông… Ở đây là thành phố với những gì của nó. 

Trong rất nhiều yếu tố để hình thành một thành phố, để nhớ về thành phố, tôi thường nghĩ về những tượng điêu khắc ngoài trời, những tượng đài trong thành phố. Đó là những điểm nhấn, nét chấm phá nghệ thuật của thành phố, những gì góp phần tạo nên cảnh quan, góp phần hình thành nhận thức thẩm mỹ, gợi những tình cảm đẹp, hoàn chỉnh tâm hồn, văn hóa người đô thị. Những suy nghĩ này càng cồn lên khi gần đây có những thông tin về việc TP.HCM  chủ trương tôn tạo công viên Trần Hưng Đạo - bến Bạch Đằng (công viên Trần Hưng Đạo khác với đền thờ Đức Thánh Trần, địa chỉ tâm linh mà người dân vẫn đến viếng lễ ở đường Võ Thị Sáu).  

Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương tại ngã sáu Phù Đổng. Ảnh: TL

TP.HCM là một trong những thành phố lớn nhất nước. Những công trình xây dựng, những tòa nhà cao tầng, những dãy phố lớn, hiện đại…  đến những xóm nhỏ bình dân, những con hẻm sâu thấm đậm tình người lưu dân, những công viên, những cây xanh nhiều tỷ đồng được đem từ nơi xa đến… thành phố đều có cả. Nhưng hình như thành phố này lại không có nhiều công trình nghệ thuật, những tượng điêu khắc ngoài trời, những tượng đài đúng tầm. Những nơi chốn bình yên để làm dịu đi những ngày dài bận bịu cùng công việc, để buổi chiều cuối tuần ta lại đến ngắm những bức tượng nghệ thuật trong không gian của thành phố và nghĩ về những gì của ngày hôm qua, hôm nay, ngày mai… 

Trong các công trình văn hóa dân tộc, với những tượng đài của các nhân vật lịch sử, thì việc đặt lư đồng dưới chân tượng đài một cách phù hợp, luôn có một ý nghĩa và nét đẹp truyền thống đặc biệt, tác động vào tâm tư, tình cảm người đến tham quan... 

Hình như TP.HCM đang thiếu không gian văn hóa giữa lòng thành phố. 

Trước năm 1975, ngoài một số tượng đơn lẻ được đặt trong các khuôn viên khép kín (thường là các nơi thờ tự, trường học…), Sài Gòn có một số tượng điêu khắc ngoài trời tại một số vị trí đẹp, chủ yếu là các giao lộ, các vòng xoay như: tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, tượng Trần Nguyên Hãn ở vòng xoay chợ Bến Thành, tượng Phù Đổng Thiên Vương tại ngã sáu cùng tên, tượng Phan Đình Phùng ở vòng xoay Bưu điện Chợ Lớn… Tuy nhiên các tượng này không nhiều, vật liệu không bền vững (xi măng, cốt thép…) và thật sự tính nghệ thuật cũng chưa được chăm chút đúng mực.

Sau 1975, tuy có thảo luận, trao đổi ở nhiều cấp quản lý và các nhà chuyên môn, tượng điêu khắc ngoài trời tại TP.HCM được chú ý hơn, được quan tâm hơn về tính nghệ thuật, đầu tư tốt hơn về vật liệu, nhưng vẫn không nhiều. Đặc biệt các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, hiện đại, trong không gian cộng đồng, vẫn còn rất thiếu đối với thành phố hơn 10 triệu dân này. 

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh. Ảnh: Hải Long

Trong bộn bề công việc của thành phố sau dịch, việc tôn tạo khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo - bến Bạch Đằng lại là một việc đáng quan tâm, thành phố cần có những địa điểm để người dân đến nghỉ ngơi, tìm thấy bình yên giữa lòng thành phố, sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh và những lo toan hàng ngày.

Việc tôn tạo lần này không chỉ vì công trình xuống cấp theo thời gian, mà vòng xoay Tôn Đức Thắng - Hai Bà Trưng trong tổng thể bến Bạch Đằng là một nơi sinh hoạt văn hóa, một điểm nhấn ngay trung tâm thành phố có ý nghĩa nhiều mặt: văn hóa, giáo dục truyền thống, lịch sử, cảnh quan bên bờ sông Sài Gòn. 

Công viên tượng Trần Hưng Đạo và bến Bạch Đằng là một cảnh quan đẹp, đắt và có nhiều ý nghĩa với người dân Sài Gòn - TP.HCM cần được xây dựng đúng tầm. Theo thông tin của truyền thông thì đề án tôn tạo đang được xem xét ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng. 

Tượng đài Phan Đình Phùng tại vòng xoay Bưu điện Chợ Lớn. Ảnh: TL

Là một người dân thành phố, tôi có một vài ý kiến cụ thể: 

Việc bảo trì, tôn tạo cần được tiến hành một cách cẩn trọng, chu đáo, với một chi phí phù hợp. Từ việc quy hoạch, lên đề án, xin ý kiến người dân, phê duyệt đến quá trình chọn nhà thầu thi công, giám sát và nghiệm thu công trình phải công khai, minh bạch. Phải đảm bảo đây là một công trình văn hóa trọng điểm của thành phố gắn với tượng điêu khắc một nhân vật lịch sử mà nhân dân vô cùng kính trọng, được xây dựng tại một địa điểm đẹp, nhắc nhớ về những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, phù hợp với tư duy, tình cảm của người dân và cảnh quan của thành phố.

Công viên, tượng đài và các trang trí, vật thể khác phải được tôn tạo, thiết kế một cách hợp lý, hài hòa và đậm nét truyền thống dân tộc Việt Nam. Không lòe loẹt, màu sắc mà đậm nét văn hóa, nghệ thuật, hiện đại, bền vững và gần gũi (công viên được xây dựng trên vòng xoay, cách ly bởi những con đường rất đông xe). 

Tượng đài An Dương Vương tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Ảnh: TL

Trong các công trình văn hóa dân tộc, với những tượng đài của các nhân vật lịch sử, thì việc đặt lư đồng dưới chân tượng đài một cách phù hợp, luôn có một ý nghĩa và nét đẹp truyền thống đặc biệt, tác động vào tâm tư, tình cảm người đến tham quan. Như cây đa, giếng nước, sân đình vẫn tồn tại với nỗi nhớ quê hương, với tình tự dân tộc trong mỗi chúng ta.  

Công viên Trần Hưng Đạo - bến Bạch Đằng là một trong những nơi mà người dân có thể đến vui chơi, một nơi nhắc nhớ, nghĩ suy về lịch sử cha ông ta một cách sâu lắng, bình yên, một quảng trường văn hóa có tính lịch sử của TP.HCM.

Mong rằng mai này, các công viên, tượng điêu khắc ngoài trời… sẽ được quan tâm, tôn tạo và thành phố sẽ đẹp hơn với những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm. Người dân sẽ có nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử để đến nghỉ ngơi, vui chơi những ngày cuối tuần. 

Phan Thanh Bình - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
                                   Theo:  nguoidothi.net.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.472.732
Tổng truy cập: