Trong
lúc các ngành tiểu thủ công nghiệp ở Thừa Thiên- Huế đang gặp nhiều khó
khăn thì chợ nón Huế truyền thống “độc nhất vô nhị” tại làng Dạ Lê
vẫn duy trì, thu hút rất đông bà con ở các làng nón nổi tiếng của Huế đến
đây giao thương. Từ sớm tinh mơ, chợ nón đã nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Kiểm tra nón trước khi bày bán tại chợ Dạ Lê
Tôi
tìm về Chợ nón Dạ Lê, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) từ lúc
trời còn tờ mờ sáng nhưng không khí chợ đã khá sôi động. Bên chiếc cầu bê tông
nhỏ bắt qua dòng sông Như Ý các chị, các mẹ đã đến tự lúc nào. Vòng trong vòng
ngoài chợ toàn nón, tiếng nói cười lao xao.
Đóng tại chợ nón này đã hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Thí quá quen với công việc
bán mua này. Bà kể, từ khi mới 14 tuổi đã theo chân mẹ đến đây. ”Tui chằm
nón chằm nón bài thơ ni từ lúc 15 tuổi cho đến chừ 70 tuổi rồi vẫn
còn chằm. Nghề này không làm giàu được, nhưng nếu chịu khó cuộc sống cũng không
đến nỗi chật vật”.
Ngày trước chợ nón nằm ở tả ngạn sông Như Ý, thuộc xã Phú Mỹ huyện Phú Vang.
Dần dần chợ đã dời hẳn sang bờ bên kia thuộc xã Thủy Vân thị xã Hương Thủy.
Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón
nhiều, họ thuê xe đò chở lên Huế. Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách
căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Thậm chí,
họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng
nón.
-
-
-
-
-
-
Bà Nguyễn Thị Cườm, làng nón Tây Hồ kể: Nghề này đòi hỏi tính cần cù, nhẫn
nại, rất phù hợp với tính cách của người phụ nữ Huế. Tuy công việc khá vất vả
nhưng có được đồng ra đồng vào, lại góp phần gìn giữ được nét đẹp truyền thống
của chiếc nón bài thơ xứ Huế.
Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ sở dĩ được nhiều du khách ưa chuộng bởi vì
nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để
có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón Huế phải qua nhiều
công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá,
cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón. Mỗi người một việc rất chuyên
nghiệp. Làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn,
hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ. Vành nón được
làm bằng thân cây lồ ô, cây mung có rất nhiều ở Huế. Mỗi chiếc nón từ 15 – 16
vành, mà xưa nay nhiều người vẫn ví như “16 vành trăng”.
Theo lời kể của người làm nón lâu năm, thời gian trước người dân làm nón muốn
mua vật dụng làm nón đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng
mất hai giờ cả đi lẫn về. Thế nhưng, bây giờ tại chợ nón Dạ Lê đã có đầy đủ các
loại kim chỉ, lá nón, soài, dầu nón, quai nón. Người làm nón chẳng phải đi đâu
xa. Bán xong nón, người thợ lại mua vật liệu về chằm.
Từ chợ Dạ Lê, chiếc nón bài thơ xứ Huế đi khắp mọi miền đất nước, ra cả nước
ngoài. Tuy nhiên để chợ nón được duy trì thường xuyên bà con tiểu thương và
những người làm nón lâu năm kiến nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện để bà
con vay vốn ưu đãi, mở rộng gian hàng. Anh Lê Đình Y một trong những người buôn
bán nón lâu năm ở chợ Dạ Lê tâm sự: Nghề làm nón bài thơ đòi
hỏi sự tỉ mỉ, nhưng thu nhập ít ỏi, vì vậy mà rất nhiều thanh niên ở thôn quê
không mặn mà giữ nghề. Nguyện vọng của bà con làm nón chúng tôi là sớm được
Hiệp hội nón Huế cho vay thêm vốn để mở rộng gian hàng.
Dẫu bây giờ, trên đường phố Huế, nón lá không còn rợp bóng như ngày xưa, nhưng
nón Huế vẫn là một nét văn hóa, một nét duyên không thể thiếu trong đời sống
văn hóa Huế.
Trang Hạ Báo Đại Đoàn Kết