Nếu trên
thế giới nổi tiếng với lễ hội Carnaval, lễ hội diễu hành đường phố và hóa trang
hấp dẫn người xem, thì giữa chốn thâm sơn cùng cốc của núi rừng xứ Mường Bi,
huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cũng có một lễ hội mang tên: Carnaval mang đậm sắc
màu riêng của đồng bào dân tộc vùng cao.
Nhiều tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của các thôn xóm
mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc xứ Mường.
Carnaval của núi rừng
Khi nói về
đồng bào dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình, người ta thường ví von: "Nhất Bi,
nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Nói như vậy để thấy rằng, Mường Bi thuộc
địa phận huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình ngày nay là xứ sở xa xôi nhất, cái nôi cổ
nhất, nơi vẫn còn lưu giữ được những giá trị và bản sắc đậm nét nhất của người
Mường ở Hòa Bình.
-
-
-
-
-
-
-
Trong những
ngày cuối tháng 10, chúng tôi được theo chân đoàn công tác của tổ chức
Helvetas, một tổ chức phi Chính phủ có nguồn vốn từ Thụy Sỹ, tham gia dự án
Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển
nông thôn (viết tắt là PS - ARD) tại địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đây
là một chuyến đi với rất nhiều ấn tượng khó phai.
Sau một
chuyến hành trình dài, đoàn công tác nghỉ chân tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc,
tỉnh Hòa Bình và lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến một lễ hội, vô
cùng độc, lạ mang tên: Carnaval.
Carnaval (tiếng
Anh) có nghĩa là một chiếc xe, chuyến tàu chở ca sỹ, vũ công, diễn viên hài,
diễn viên xiếc, các nghệ sỹ..., đi hết nơi này đến nơi khác để biểu diễn, triển
lãm. Trong tiếng Việt, có thể gọi là đoàn biểu diễn lưu động, đoàn nghệ thuật
lưu động, gánh xiếc lưu động v.v…
Về nguồn
gốc của lễ hội Carnaval giữa núi rừng xứ Mường Bi, theo tìm hiểu của PV, bắt
nguồn từ dự án Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp
và phát triển nông thôn do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ từ năm 2008. Lễ hội
Carnaval được triển khai với mục đích hết sức tốt đẹp, nhằm giảm bất bình đẳng
giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình ra quyết định tại địa
phương như: Lập kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, phân bổ ngân sách xã, góp
phần cải thiện sinh kế của người dân bao gồm cả nam và nữ thuộc các xã huyện
Tân Lạc, Hòa Bình. Đặc biệt đối với nhóm dân tộc Mường ở Hòa Bình, những người
sống ở vùng cao hẻo lánh, quan niệm xã hội về vai trò giới tính, bình đẳng
giới, phân công lao động, lãnh đạo và quyền quyết định vẫn còn vấp phải những
định kiến về giá trị truyền thống và khuôn mẫu giới. Ngoài ra, chính quyền địa
phương vẫn còn nặng theo cấu trúc xã hội địa phương, đang là rào cản lớn đối
với sự hòa nhập, tham gia của phụ nữ.
Rõ ràng,
việc thay đổi quan niệm và ứng xử xã hội sẽ là một quá trình lâu dài và phức
tạp, nhưng vấn đề cốt lõi là phải vận động thay đổi quan niệm từ những cá nhân,
các tổ chức và cả cộng đồng. Lễ hội Carnaval tại xứ Mường Bi thực sự đã truyền
tải được những thông điệp mang ý nghĩa lớn lao đó. Tuy về tính chuyên nghiệp và
quy mô vẫn còn rất hạn chế, nhưng lễ hội phần nào đã truyền tải được những
thông điệp tốt đẹp và giàu giá trị nhân văn.
Người mang Carnaval về xứ Mường
Người đã
có công trong việc mang lễ hội Carnaval vô cùng độc đáo này về với xứ Mường xa
xôi, hẻo lánh này là cô Đặng Thị Kem, điều phối viên của tổ chức Helvetas,
trong dự án PS-ARD tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Chia sẻ với PV, cô Kem cho
biết: "Trước đây, khi còn công tác tại phòng Nông nghiệp huyện Tân Lạc,
tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều dự án của nước ngoài đầu tư trên địa bàn
huyện trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Một trong số những dự
án đó chính là dự án PS-ARD…".
Ý tưởng về
lễ hội Carnaval đến với vùng đất này, theo cô Kem, cũng rất tình cờ. Ban đầu,
cô Kem chỉ xin tiền tài trợ từ dự án cho các hoạt động của phụ nữ trong toàn
huyện Tân Lạc, nhằm tạo ra một nguồn vốn để chị em phụ nữ có thể vay vốn phát
triển kinh tế. Mục đích lớn nhất trong quá trình dự án PS-ARD được triển khai ở
huyện Tân Lạc là nhằm nâng cao nhận thức về giới, đảm bảo quyền và sự tham gia
của phụ nữ trong các tiến trình phân cấp, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn
lên xóa đói giảm nghèo.
Ban đầu,
công tác tuyên truyền cũng chỉ dừng lại ở việc đọc và tham khảo các tài liệu
liên quan, tham gia các cuộc họp thường niên tổ chức tại các cấp huyện, xã. Tuy
nhiên, hiệu quả của những hình thức mang tính truyền thống này không cao. Sau
rất nhiều cuộc hội thảo bàn về cách tuyên truyền các thông điệp mà dự án PS-ARD
muốn gửi tới các bà con dân tộc vùng cao, thì ý tưởng tổ chức một lễ hội
Carnaval bắt đầu được triển khai.
Chỉ trong
một thời gian ngắn, với sự hăng say, nhiệt huyết trong công việc, cô Kem đã
phối hợp cùng một số thành viên trong tổ chức Helvetas lên xong kế hoạch cho lễ
hội sẽ tổ chức giữa núi rừng xứ Mường Bi. Sau khi phổ biến kế hoạch chương
trình tới đại diện và bà con trên tất cả 24 xã của huyện Tân Lạc, họ đã nhận
được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình. Tổ chức Helvetas đã đứng ra tổ chức cho lãnh
đạo của các xã trong huyện Tân Lạc một chuyến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm
lễ hội Carnaval mà tổ chức đã từng triển khai ở tỉnh Cao Bằng.
Sau chuyến
thăm quan, học hỏi kinh nghiệm đó là những khóa học ngắn ngày được mở ra để
trang bị kiến thức cho chị em phụ nữ trên toàn huyện và rồi một hội nghị xây
dựng kế hoạch và làm điểm chương trình Carnaval tại 6 xã điểm trên toàn huyện
cũng được hình thành. Bước đầu, kết quả thu lại nằm ngoài sự mong đợi. Lễ hội
không những thu hút được sự tham gia đông đảo của hầu hết người dân, đủ mọi
tầng lớp, lứa tuổi mà còn truyền tải được tất cả những thông điệp mà dự án
PS-ARD muốn chuyển tới bà con thông qua hình thức sân khấu hóa, gần gũi, dễ
hiểu.
Chị Bùi
Thị Ngọc, hội phó Hội phụ nữ xã Ngọc Mỹ cho biết: Chương trình đã thu hút được
sự tham gia của nhiều bà con trong toàn xã. Nhiều đội văn nghệ đã tập luyện cả
tháng trời. Tới dự Carnaval lần này, có đội múa của thôn Cóc, cách đây cả 12
km, mặc dù đường xá xa xôi, lại rất xấu, bà con vẫn đi bộ xuống UBND xã từ sáng
sớm để kịp giờ biểu diễn tiết mục của thôn xóm mình.
Chị Bùi
Thị Ân, thôn Biện, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc chia sẻ: "Tôi thấy các tiết
mục hôm nay rất hấp dẫn. Đặc biệt là vở kịch chuyện gia đình nhà ông Tú. Qua
chương trình này, tôi cũng như rất nhiều bà con khác đã hiểu hơn về chương
trình nông thôn mới đang triển khai trên địa bàn xã. Trong thời gian sắp tới
tôi cũng như mọi người đều rất mong muốn có nhiều chương trình như thế này hơn
nữa để bà con được giao lưu nhiều hơn…".
Một xã khác
là xã Mỹ Hòa cũng đã tổ chức thành công lễ hội Carnavan trong năm 2012. Ông Bùi
Mạnh Chềnh, phó bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa cho biết: "Lễ hội Carnaval năm
2012 được tổ chức trên địa bàn xã đã diễn ra trong không khí vui tươi, phấn
khởi của bà con. Lễ hội với tổng cộng hơn 28 tiết mục văn nghệ của nhiều thôn
xóm trong xã, đều được tự biên, tự diễn. Vì vậy, những thông điệp về các nội
dung như: Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng chương trình nông thôn mới… đã
được truyền tải một cách dễ hiểu và hết sức gần gũi với nhân dân. Việc tuyên
truyền các chính sách thông qua hình thức sân khấu hóa như lễ hội Carnaval đã
đạt được hiệu quả rất lớn, giải quyết được những vấn đề khó khăn thông qua
truyền tải bằng văn bản, giấy tờ.
Với những
giá trị tốt đẹp như vậy, hy vọng trong thời gian tới lễ hội Carnaval sẽ còn
được phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng trên toàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa
Bình, góp phần mang tới cho bà con giữa núi rừng một sân khấu để giao lưu văn
hóa một cách bổ ích.
Thực sự có
dịp được tận mắt chứng kiến một lễ hội Carnaval của núi rừng xứ Mường Bi, Hòa
Bình, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết cái độc và lạ của nó. Lễ hội
Carnaval của đồng bào dân tộc Mường không chỉ thu hút, hấp dẫn du khách ở quy
mô đồ sộ, ở kinh phí khổng lồ…, mà nó cuốn hút, mời gọi lòng người ở sự mộc
mạc, giản dị, chân chất, mang đậm sắc màu văn hóa của miền sơn cước xa xôi, hẻo
lánh. Đêm hội Carnaval tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc tối 20/10 thực sự là một
đêm diễn của sắc màu, của những giá trị văn hóa đẹp đẽ, tinh túy nhất mà từng
thôn xóm trên địa bàn xã mang đến với lễ hội.
BN Nguồn: Người đưa tin