HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Độc đáo chợ phiên Pà Cò
(Ngày đăng: 26/10/2012   Lượt xem: 928)

Chẳng hẹn mà thành, những phiên chợ chủ nhật Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) tự bao giờ đã trở thành điểm đến của biết bao lượt khách phương xa mong muốn hòa mình trong sắc chợ độc đáo, quyến rũ giữa núi rừng đại ngàn.

Lẩn khuất trong màn sương mờ ảo đang bủa vây núi rừng, chốc chốc trên con đường nhựa lại xuất hiện bóng dáng bà con dân tộc. Người này thong thả bước đi kéo theo một chú bò, người khác thì vác trên lưng gùi hàng nặng trĩu…Thi thoảng, tiếng những chiếc xe máy chất hàng trĩu nặng chở phía sau, những người phụ nữ Mông đỏ, Mông xanh xúng xính váy áo lại khuấy động cả không gian yên ắng buổi sớm. Bà con ai nấy đều cố gắng rảo bước cho kịp phiên chợ Pà Cò.

cho phen.jpg

Rực rỡ sắc màu phiên chợ Pà Cò.

Chợ của người dân tộc thường họp rất sớm và cũng nhanh tan, nên muốn hòa vào không khí và tìm hiểu văn hóa, tập quán sinh hoạt của bà con thì khách du lịch phải thức dậy sớm để mục sở thị. - - - - - - -

Mới hơn 6 giờ sáng, bà con từ các thôn, bản Hang Kia, Loong Luông, Pà Cò đã tụ tập về chợ đông như trẩy hội. Nhìn đâu cũng thấy người là người chen chân bên các gian hàng phong phú ngay từ ngoài cổng chợ.

Chợ bày bán đủ các mặt hàng đa dạng các sản phẩm từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm… Các gian hàng chỉ tuềnh toàng cái bàn gỗ, ít dây hay thanh gỗ dài vắt ngang vắt dọc treo sản phẩm, thậm chí là mảnh vải ni lông trải giữa nền gạch nhưng khách mua cứ vẫn kéo tới nườm nượp, chật cứng vòng trong vòng ngoài. Tiếng người trả giá pha lẫn trong tiếng cười nói ồn ào khiến không gian chợ bừng lên sức sống.

Có lẽ nơi đẹp nhất chính là khu vực bán hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Các bà, các chị xúm xít lựa chọn, ướm thử lên người xoay xoay vài vòng rồi mới quay ra trả giá. Du khách sẽ không thể cưỡng lại sắc tím lung linh của những xấp vải dệt văn hoa nổi bật mà chen qua đám đông để được sờ tận tay vào sản phẩm. Đi qua “rừng” tím, khách sẽ lạc vào “rừng” thổ cẩm xanh, đỏ với những đường thêu tinh túy, nổi bật. Những người phụ nữ Mông vừa vui vẻ chào mời khách trong khi đôi bàn tay khéo léo xuyên từng đường kim mũi chỉ lên tấm vải màu.

Theo chân các cô thiếu nữ Mông đang độ xuân mới thấy sự ham làm đẹp của phụ nữ dân tộc nào cũng giống nhau. Không chỉ dừng chân bên những gian hàng thổ cẩm, các cô còn thích thú ngắm nghía những chiếc cặp tóc trang trí hạt đá lung linh hay thử tý son môi trong quầy hàng cặp tóc đóng kính sáng choang. Cô nào cô nấy cứ háo hức ngắm nghía rồi thủ thỉ, rúc rích cười bẽn lẽn khi ưng ý một sản phẩm nào đó…

Rời khỏi khu trung tâm là những góc nhỏ cho các gian hàng bán dao, kéo, cày cuốc, đồ nhựa, đồ nhôm cho đến trăm thứ nông sản tự trồng được như gạo, ngô, khoai, mía, rau xanh…Thậm chí, nếu may mắn khách du lịch có thể mua được những đồng tiền cổ của dân tộc Mông ngay trong lòng chợ. Nói là chợ phiên vùng cao nhưng trong đám đông người buôn bán là dân bản địa thì vẫn có người Kinh, họ đã gắn bó lâu dài với chợ và có thể giao tiếp bằng tiếng Mông. Chỉ cần một vài giao tiếp thông thường, bạn đã có thể mua được một vài sản phẩm nho nhỏ như túi, móc đeo chìa khóa, ví… được làm từ thổ cẩm để làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè.

Chợ phiên vùng cao khác lạ so với chợ miền xuôi. Bà con đến chợ có khi chỉ để đem bán một con lợn cắp nách, một con bò hay thậm chí là một con gà. Bán xong rồi tiền chưa kịp vào túi thì có anh chồng đã mơ màng bên làn khói của điếu thuốc lào nhưng cũng lắm anh say túy lúy trong một góc quán nào đó ở chợ. Chợ vùng cao mà không có rượu thì không còn đúng nghĩa là chợ nữa nên luôn có một khu vực bày bán đủ loại rượu sắn, rượu ngô cốt được bà con nấu mang đến buôn bán. Và rồi trên đường trở về nhà, bạn sẽ không khỏi bất ngờ với hình ảnh, anh chồng nằm ngủ lăn lốc trên đường trong khi người vợ che ô cho chồng kiên nhẫn ngồi chờ chồng tỉnh cơn say.

Nếu muốn biết người Mông nghe nhạc thế nào hãy đến góc nhỏ phía cuối chợ. Quầy bán hàng điện tử vui tươi trong tiếng nhạc. Gian hàng có một chiếc ti vi, một đầu đĩa phục vụ “thượng đế” thủ nhạc. Trên mặt bàn nhỏ bày bán đủ loại băng cát sét, đĩa… tiếng Mông rồi cả những chiếc điện thoại di động bắt mắt. Đông nhất là đám thanh niên và bọn trẻ con đang vui vẻ nhún nhẩy nghe tiếng nhạc phát ra từ cái loa nhỏ của chiếc ti vi và khám phá thế giới mới từ chiếc điện thoại. Sự thật hầu như tất cả bà con đến chợ dù là tiểu thương hay người đi chợ đều có một chiếc điện thoại di động. Cũng sẽ là bất ngờ nho nhỏ cho bạn nếu “trót” tưởng tượng công nghệ chưa phủ sóng nhiều ở những phiên chợ vùng cao như thế này!

Chợ Pà Cò không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà cũng là địa điểm gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa. Các cô gái Mông xinh tươi khoác lên mình những bộ áo váy đẹp nhất, lung linh nhất trông thật dịu dàng, xinh đẹp tay trong tay với các chàng trai len lỏi qua các gian hàng. Khuôn mặt họ đều bừng lên niềm hạnh phúc. Và dường như càng tỏa sáng hơn trong nụ cười tươi tắn.

Bây giờ giao thông đi lại ngày một thuận lợi nên hàng hóa ở chợ theo đó càng lúc càng phong phú. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc cũng được cải thiện. Nhưng điều đáng quý nhất chính là chợ Pà Cò vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt cộng đồng và văn hóa chợ truyền thống vùng cao. Vậy nên, phiên chợ Pà Cò đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước muốn tìm hiểu sự độc đáo, truyền thống của ngôi chợ vùng cao quyến rũ của núi rừng Tây Bắc.

Theo LV

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.462.843
Tổng truy cập: