Khán
giả dù coi qua một lượt đua bò vẫn muốn coi nữa, bởi chỉ ở vùng Bảy Núi (tỉnh
An Giang) mới có môn chơi độc đáo này.
Đua bò không phải cho từng cặp chạy song song, mà là một
hàng dọc, khi về đích đôi bò chạy sau đạp lên thanh bừa đôi bò chạy trước mới
thắng, bằng không coi như thất trận. Vì thế, khán giả dù coi qua một lượt vẫn
muốn coi nữa, bởi chỉ ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) mới có môn chơi độc đáo
này.
-
-
-
-
-
-
Rộn ràng ngày hội
Ngày hội đua bò Bảy Núi lần thứ 21 diễn ra tại miếng ruộng
chùa Tà Miệt Dưới (xã Lương Phi), theo luân phiên giữa hai huyện Tri Tôn và
Tịnh Biên, mỗi bên tổ chức một lần.
Đây còn là dịp lễ cổ truyền Dolta (cúng tổ tiên, ông bà)
hàng năm của đồng bào Khmer và vụ lúa mùa đặc sản gieo cấy vừa xong. “Vui lắm
ông ơi. Không riêng đồng bào Khmer, mà có cả người Kinh từ khắp nơi đổ về”, ông
Chau Nây, tà cha chùa Tà Miệt Dưới mừng rỡ.

Giây phút quyết liệt nhất
Khi dàn nhạc ngũ âm trỗi lên, tiếng trống bập bùng, loa bông
bí phóng thanh văng vẳng như thúc giục khán giả đến với trường đua nổi tiếng
vùng Bảy Núi, quê hương của chị Sứ (xã Lương Phi, cạnh núi Dài lớn), nguyên mẫu
nhân vật trong tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.
Thông thường, 7 giờ 30 đến 8 giờ mới chính thức khai mạc
ngày hội, nhưng trời vừa hừng sáng thì không khí chợ búa, đường phố nhộn nhịp
lên hẳn. Từ ngã ba chợ Xà Tón đến chợ Cây Me và bên Tà Đét tấp nập những đoàn
người, xe cộ đổ về Tà Miệt.
“Nhà xa, ai cũng muốn đi sớm khỏi phải chen lấn, vừa ngắm
nghía mấy đôi bò đua, vừa kiếm độ một vài lít rượu. Mỗi năm, có dịp đi chơi một
lần, anh em vui vẻ trong ngày gặp gỡ vậy mà”, ông Sáu Thường, cựu chiến binh xã
Lương Phi, bảo. Khuôn viên chùa Tà Miệt Dưới rộng rãi, rợp bóng cây rất thích
hợp cho các hàng quán giải khát, cơm nước, rượu chè… phục vụ khán giả. “Nhậu bình
dân thôi, ếch nướng lèo, mần thử vài xị chơi. Đã lắm!”, ông Chau Thunh, người
cùng xóm, cười hề hề.
Ngoài những gian hàng bán quần áo, mỹ nghệ và đồ trang sức…
giả cầy, gian hàng ca nhạc là sống động nhất bởi có một cái bàn chưng bình bông
đặt giữa khoảng đất trống, rồi nam nữ thanh niên cặp đôi múa lâm-thôn thành
vòng tròn.
“Người nào vô múa đều phải đặt tiền lên bình bông hết. Một
hồi, tiền đó lấy đưa cho ông sãi trong chùa, với hình thức như gây quỹ vậy”,
anh Chau Thanh, người sở tại, tỏ ra am hiểu. Đó là nét văn hóa độc đáo trong
ngày hội của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, khiến khán giả đi coi đua bò đều tò
mò, để mắt ghé ngang, có người móc tờ giấy 5.000đ hoặc 10.000đ tham gia múa cho
vui, còn ai biết tiếng Khmer thì cứ việc hát dì kê, dù kê, dân ca, tân nhạc gì
cũng được, rất thoải mái!

Ngày hội tại trường đua sân chùa Tà Miệt (xã lương Phi,
huyện Tri Tôn)
Nhiều mưu lắm mẹo
Ngày hội đua bò Bảy Núi xuất phát từ chuyện khoe tài nuôi bò
giỏi và chọn bò cày kéo hay. Dân giàu nuôi 2 - 3 đôi cùng lúc, đợi bốc thăm
chia bảng vòng loại lại mượn người này, người kia đứng tên, chứ thật ra chỉ có
một chủ! “Bò bây giờ mắc (đắt) quá, chơi không lại người ta.
Một đôi ưng ý, phải năm chục triệu đồng, mà đem đi lỡ không
vô vòng chung kết, coi như mất tiền lẫn công nuôi cả năm trời”, danh thủ Chau
Chiêu (sóc Chrôi, xã Núi Tô) cho hay. Do vậy, nhiều người có “máu mặt” ở Ô Lâm,
An Tức, Cô Tô… cứ lui dần sau khán đài!
“Đêm trước ngày hội, những tay cao thủ gần như thức trắng,
còn mấy đứa điều khiển bò thì phải ngủ sớm”, lão tướng Hai Tấn (ấp Thalot, xã
An Hảo) nói. Đợi đến nửa đêm, một giờ sáng, là tất cả đều đốt nhang cúng Sơn Thần
rồi mới bắt con chó mực tuyền (nuôi cả năm) cắt cổ lấy tiết thoa lên cây
sà-luôn (cây gậy ngắn, đầu có tra mũi sắt nhọn, dùng để thúc bò) dây vàm, thanh
bừa….
Mọi chuyện xong xuôi, khoảng hai giờ thì đưa bò tới trường
đua. Sao phải làm vậy, chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Hai Tấn bảo, cốt để tránh đông
người dòm ngó, vả lại đối chọi với mấy tay chơi… bùa phép trên sân, làm hoa mắt
“tài xế” bị té dọc đường, còn con bò giật mình nhảy bậy bạ phạm quy.

Thất trận rồi nằm vạ không chịu về!
Tiếng trống trỗi lên liên hồi, tiếng loa từ khán đài phát ra
vang dội, khán giả la lên rần rần: “Thả, thả, thả…”. Người điểu khiển cầm cây
sà-luôn đâm vô mông cho con bò vọt tới, rồi cứ huơ huơ như chọc tức đối phương,
tới chỗ qua cua nó lại căng dây vàm cho bò chạy cà giựt cà giựt, ém đôi bò sau
không dám rướn tới vì chưa tới mức tăng tốc. Đến lúc trọng tài phất cờ hiệu,
thằng điều khiển đâm thật mạnh làm đôi bò đi trước phóng lên cái vù và về đích
một mình, khán giả la ó um sùm: “Nó chơi mánh, nó chơi mánh đó”.
Trọng tài ở đích giơ bảng báo “đôi bò số 13 thắng”. “Ông
thấy chưa. Nó chơi mánh rõ ràng, mà không ai bắt lỗi được”, ông Chau Hên, khán
giả, tức khí. Bởi vậy, nuôi bò đua giỏi là một chuyện, còn người điều khiển
(tài xế) có lanh lẹ hay không lại là chuyện khác. “Hồi nãy, đôi sau vượt lên
thắng đôi trước là do đám tay em nó hù, đôi bò chạy trước giật mình nên tạt
đường đua bị phạm quy”, ông Chau Hên tiếc rẻ. Bậy bạ vô cùng, thiệt là uổng
công chọn đôi tốt, nuôi cả năm trời!
Theo Làng Cười