HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tôi chọn mình, không lựa chọn số đông
(Ngày đăng: 06/10/2019   Lượt xem: 360)

Họa sĩ Đỗ Hiệp (sinh năm 1984 tại Hưng Yên) là một gương mặt trẻ của mỹ thuật đương đại Việt Nam, với nhiều đóng góp qua các tác phẩm cùng thái độ làm việc chăm chỉ và chuyên nghiệp. Triển lãm cá nhân tiếp theo của anh với tên “13” cùng 13 bức tranh khổ lớn và bộ 13 tượng nhỏ (diễn ra từ 27/9 đến hết 4/10) đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Anh tâm sự với PV Đại Đoàn Kết…

Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tôi chọn mình, không lựa chọn số đông

Họa sĩ Đỗ Hiệp

"Triển lãm 13 là sự ấp ủ về tư duy trong 3 năm liên tiếp, quá trình thử nghiệm, tìm tòi của tôi trong việc kết hợp ý tưởng của mình với chất liệu. Triển lãm có 13 tranh khổ lớn và một bộ tượng 13 tác phẩm nhỏ sau quá trình lựa chọn, chắt lọc nhiều phác thảo. 

Số 13 là con số mà tôi yêu thích, có lẽ bắt nguồn từ ngày sinh của mình, và tôi thấy may mắn mỗi khi thấy số đó. Cái tên “13” là ẩn ý về không gian và thời gian cũng như cảm xúc của chính mình khi được làm điều mình yêu. Nó không nằm trong quy luật giờ, phút, tháng, năm, giáp… của vạn vật. Nó tượng trưng cho sự thăng hoa, cảm xúc hạnh phúc, sự thảnh thơi, yên ả, cảm giác như “tiên” mỗi lần tôi làm việc ở xưởng vẽ. Bộ tranh này tôi dùng hình ảnh “Tiên” trong điêu khắc đình làng Bắc bộ kết hợp với bản thân”.

PV: Quá trình vẽ các tác phẩm này của anh đã diễn ra như thế nào?

Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tôi bắt đầu chọn phác thảo và vẽ bức đầu tiên từ cuối năm 2017, bắt đầu với những khổ cỡ lớn, có sẵn từ xưởng, vừa vẽ vừa tiếp tục làm thêm phác thảo và nghiên cứu tiếp về chất liệu, đi lại về làng nghề gỗ và chạm khảm liên tục để làm việc. Đến khoảng tháng Năm năm nay thì hoàn thành cơ bản, bắt đầu chuyển sang giai đoạn làm khung mất 3 tháng cùng sự giúp đỡ của một nghệ nhân làng nghề đến ở cùng. Với tôi, khung tranh không chỉ là cái áo khoác bên ngoài, mà nó là phần không thể thay thế, nó sinh ra để cho một và chỉ một tranh mà thôi.

Giữa năm 2018 thì tôi nhận lời mời tham dự một tháng cư trú và triển lãm ở Thái Lan. Tôi vẽ được 5 tác phẩm và để lại đó 2 bức, còn lại 3 bức tôi chuyển về Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa chúng.

Vì sao anh thường lấy cảm hứng từ chính việc tìm kiếm bản thể của mình là đề tài?

- Được làm việc, được trải nghiệm với niềm hạnh phúc của mình, đó là ước mơ của không biết bao nhiêu người, thế nên tôi đã nghiễm nhiên có điều tuyệt diệu đó rồi thì cứ làm việc thôi. Làm để sẻ chia, để kể, để “nhật ký” lại hành trình của cuộc sống. Sự chuyên nghiệp và chăm chỉ thì không có khái niệm cụ thể trong tôi, nó chỉ là cảm giác “đói ăn, khát uống, buồn đi chơi”. Nhưng quả thật, tôi luôn thèm làm việc. Với tôi, nghệ thuật chính là đời sống mà. Có người thích mượn phong cảnh để chia sẻ sự lưu luyến, cô đơn; kẻ thích dùng chân dung để tìm về bản thể. Tôi thì thích dùng chính mình để kể về mình và về người, như một sự phản chiếu lại hiện thực (cười). Không gì bằng lấy chính thân xác mình, chính cảm xúc thật của mình để làm chỗ náu cho tâm hồn mình…

Chính vì thế, cách sống ngày thường của anh là luôn tìm cho mình niềm vui, từ muôn màu cuộc sống ra sao?

- Mọi người thường thấy tôi luôn cợt nhả, vui cười, đùa trong mọi không gian (tất nhiên là có những nơi, lúc biết dừng), đó là tính cách thôi. Thích niềm vui, sự yên bình, tôi thường ngồi ngắm cây cối lúc mưa, nghe nhạc, và làm việc. Có những lúc trời mưa bão cây đổ, tôi vẫn đi sang xưởng để có cảm giác ấy. Tôi cũng thích nói dăm ba câu chuyện phiếm với bạn bè, và thường ít nói về nghệ thuật, mà là về đời sống, về trải nghiệm, những món đồ hay, lạ và tôi cũng thích đồng nát, những thứ mà khiến mình có cảm hứng, khiến mình có thể làm gì với nó.

Con đường đến với với mỹ thuật của anh bắt đầu ra sao?

- Có lẽ bắt đầu từ bố tôi. Ông cũng là họa sĩ. Một ngày hè lớp 3, tôi bị gọi dậy để đến Cung Thiếu nhi Hà Nội, và thế là tới bây giờ tôi vẫn chưa học xong “lớp học” vui vẻ này. Nó cứ thế tiếp diễn liên tiếp tới cấp 2, cấp 3, rồi đại học, sau đại học, trường đời...

Khi anh ra trường, cũng là thời kỳ nhiều loại hình thể nghiệm của mỹ thuật xuất hiện tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ về thời kỳ đó?

- Ngay trong thời gian học đã thấy kỳ thú rồi. Tôi có thói quen lang thang các triển lãm và không gian văn hóa. Cứ nơi nào có sự kiện là tới. Khi thì trình diễn, sắp đặt, khi thì âm thanh, lúc lại tranh, tượng. Thời gian đó có rất nhiều không gian nghệ thuật, gallery mới mở ra rất sôi động.

Việc tìm kiếm phong cách riêng của anh diễn ra như thế nào?

- Đúng là, với mỗi người nghệ sĩ, tìm ra con đường riêng quả là một vấn đề nan giải, nhất là trong thế giới mạng như ngày nay, bất kỳ thứ gì bạn làm ra, cũng đều thấy có người làm trước đó rồi. Tôi bắt đầu mày mò vẽ từ khi học cấp 3, đến đại học thì tập trung vào hơn. Khi đó tôi không nghĩ nhiều về việc tìm đường lối gì cả, bởi lúc đó, trải nghiệm với tôi vẫn là quá ít, chưa đủ để nhận thức sâu một vấn đề. Thời gian qua đi, tôi thử nhiều hơn, có gì dùng nấy, toan bé toan to, màu ít màu nhiều đều không quan trọng. Rồi tôi vẽ trừu tượng nhiều hơn. Bức trừu tượng đầu tiên tôi vẽ vào một buổi trưa, khi vừa nấu cơm vừa vẽ. Bốn mươi phút sau, bố tôi và bạn bố về, hai người ngồi ngắm tranh và khen. Bức đó tôi mang đi triển lãm sinh viên ở trường và được họa sĩ Lê Anh Quân của Young Gallery mời về làm một triển lãm nhóm bốn sinh viên. Đó là nơi mà các họa sĩ trẻ thời đó như Hà Mạnh Thắng, Lưu Vũ Long, Vượng Thạo sinh hoạt. Từ đó, tôi được mở mang rất nhiều, mạnh dạn hơn. Về sau, tôi tập trung thể nghiệm hơn, mỗi bức tranh dần có hình hài rõ ràng hơn. Nhưng tôi vẫn không rõ phong cách của mình gọi là gì, bởi tới hôm nay, tôi vẫn cứ làm điều mình thích, dù có người gọi là POP, là biểu hiện, là trừu tượng…

Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tôi chọn mình, không lựa chọn số đông - 1

Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tôi chọn mình, không lựa chọn số đông - 2

Một số tác phẩm trong triển lãm “13”.

Dù có những khi hội họa Việt Nam chậm lại vì liên quan đến sự suy giảm kinh tế, thì anh vẫn sống trong nó, và không đi kiếm nghề khác để sống như rất nhiều họa sĩ cùng thế hệ?

- Đến thời điểm khủng hoảng thì tôi cũng như bao họa sĩ khác, cầm cự được một thời gian, thì rồi cũng phải đi vẽ tranh tường, làm công trình nghệ thuật để có thêm thu nhập. Năm 2013 tôi đi dạy thêm ở một trường tư về thiết kế, và nó làm tôi cân bằng lại cuộc sống hơn, những khoảng trống về thời gian được lấp đầy, tôi chắt chiu thời gian hơn và cởi mở hơn.

Hiện anh đang theo đuổi thể loại, chất liệu như thế nào?

- Những năm gần đây, tôi thích sự mộc mạc và dí dỏm qua những điêu khắc đình làng. Tôi thấy yêu chúng lắm, ngắm suốt, có lẽ do một phần vì hay dẫn học sinh đi bảo tàng. Chúng vui, ngộ, hài hước, đời mà vẫn rất tiên, trái ngược với đời sống ngày nay. Điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều, và đặt những vấn đề cho chính bản thân mình. Thế nên bảy năm nay tôi bắt đầu yêu mình nhiều, không biết đã quá đà chưa. Cũ /mới, sáng/ tối, lầm lì/ bóng bẩy... của những chất liệu từ làng nghề có ma lực lớn, như bỏ bùa mình.

Nhìn ngắm những bức tranh ở đây, thấy rõ ràng anh vẽ mang sắc thái độc đáo, nhưng không phải dành cho số đông công chúng?

- Tôi cũng không xác định nghệ thuật dành cho số đông, cũng không nghĩ rằng nó sẽ hợp với số ít. Bởi tranh là mình. Một thân sao mà chiều được nhiều người chứ. Thế nên thay vì chạy theo cái gì đó, tôi cứ chạy theo chính mình thôi.

Khi đưa tranh ra thị trường, anh đã gặp những vấn đề gì?

- Có chị khách đến xưởng xem tranh, bảo “vẽ nhiều mà cứ chất ở nhà thôi à?”. Những cái chị thích nhất thì chị không mua, chị chọn những bức tranh khác. Tôi không có thói quen vẽ xong là mang đi gửi hay giới thiệu với ai. Bởi cũng có tâm lý rằng mang đi thì không biết nó sẽ có được đối xử tốt không, thế nên cứ để ở xưởng để ngắm thôi. Lâu lâu lại có ai giới thiệu, ai thích thì đến xem và lựa. Cũng có thể do tôi chưa biết cách “làm hàng” nữa (cười).

Là đại diện của Việt Nam khi tham gia nhiều chương trình lưu trú cũng như triển lãm quốc tế, anh nhận ra điều gì khi so sánh giữa tác phẩm của anh với các họa sĩ đến từ các quốc gia khác?

- Mỗi lần tham gia chương trình giao lưu hay làm việc ở nước ngoài, tôi được mở mang rất nhiều, bởi gặp nhiều tay “cự phách”. Sung sướng nhất là được chia sẻ, giao lưu khi đặt tranh bên tác phẩm của họ để biết rằng: Mình cần làm việc nhiều nữa, cần cực đoan nữa trong nghệ thuật của chính mình. Nhưng khi càng cực đoan trong nghệ thuật thì khán giả lại khắt khe hơn. Tôi lựa chọn mình, chứ không lựa chọn số đông.

Cảm ơn anh và chúc triển lãm “13” của anh thành công!

Triển lãm cá nhân:

13, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội (2019)

Tiên, Đông Phong art gallery, 3 Lý Đạo Thành, Hà Nội (2017)

Cơn mê dài, Nguyenart Gallery, 40 Hàng Mành, Hà Nội (2008)

Giải thưởng: Giải B Saigon Biennale; Giải Festival Mỹ thuật trẻ Toàn quốc; Giải A Mỹ thuật Hà Nội - Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam…

Đã tham gia triển lãm và cư trú sáng tác nghệ thuật tại Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…
                                                                    Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
72.466.137
Tổng truy cập: