HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Những người “thổi hồn” cho gỗ
(Ngày đăng: 22/06/2019   Lượt xem: 288)
 Từ những gốc cây, thân cây khô cứng, xù xì tưởng chừng như bỏ đi hay chỉ dùng làm củi đốt nhưng qua bàn tay tài hoa, khéo léo cùng với trí tưởng tượng phong phú của những người thợ điêu khắc, những khúc gỗ ấy được thổi hồn, truyền cảm xúc để rồi cũng “biết nói, biết cười”...


Anh Đỗ Xuân Thắng bên các tác phẩm của mình.

Gắn với cưa, đục từ thuở ấu thơ

Sau bao lần lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Vũ Đình Tuấn, một bậc thầy trong nghề điêu khắc gỗ ở xứ Thanh.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào căn nhà ở đường Lê Thánh Tông, TP Thanh Hóa là những bức tượng gỗ lớn, bé đủ kích cỡ được bày trí rất công phu. Mỗi bức tượng chất chứa một tâm hồn thế nhân, đa cảm với những nỗi niềm riêng.

Rót chén trà mời khách, ông Tuấn bảo: “Để cho ra đời được một tác phẩm điêu khắc đẹp, người thợ phải có tư duy sáng tạo, chỉ cần nhìn qua bộ rễ cây hay khúc gỗ nguyên liệu là mình phải hình dung ra hình dáng của sản phẩm. Sau vài nét vẽ thô ngay trên gỗ là người thợ có thể đục đẽo, điêu khắc, người thợ làm đẹp trên từng centimet gỗ. Sản phẩm làm ra là độc nhất, không cái nào giống cái nào vì các gốc, thân cây dùng để chế tác có độ cao, thấp, dày, mỏng khác nhau. Cho nên các sản phẩm này tuy có giá bán khá cao nhưng vẫn được nhiều người yêu thích”.

Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, ông Tuấn đã “say” với nghề. “Cha tôi làm nghề thợ mộc, nên ngày nào cũng vậy cứ một buổi đi học, một buổi lại về xưởng giúp cha. Cha tôi lại là người rất nghiêm khắc, dù chỉ là công việc đánh giấy ráp nhưng ông luôn kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết rất nhỏ, có những hôm ông bắt tôi làm đi làm lại đến khi nào “đạt” thì mới được nghỉ. Nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã giúp tôi trưởng thành hơn, tận tâm hơn với nghề”, ông Tuấn bộc bạch.

Nói rồi, ông Tuấn chỉ cho chúng tôi xem từng đường nét tinh xảo trên mỗi bức tượng. Mỗi bức tượng là một con người, một cuộc đời, một tâm thái... khác nhau. Để có được những thành quả đó, ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường ông đã xin cha dừng việc đèn sách, xách ba lô đến những nơi “đất tổ” của nghề điêu khắc gỗ như: Hải Dương, Bắc Ninh, Huế, Sài Gòn... Cứ nghe ở đâu có các bậc “đàn anh” trong nghề điêu khắc gỗ thì ông lại tìm đến để học hỏi.

Sau bao năm lăn lộn nơi đất khách quê người, có tay nghề cộng với niềm đam mê, khi trở về quê hương sản phẩm của ông nhanh chóng được mọi người biết đến ngày càng nhiều. Ông làm nghề theo kiểu “thích thì làm”, còn ai “thích thì mua” chứ ông không làm theo kiểu thị trường.

Ông Tuấn bảo: “Khi khách hàng mang gỗ đến nhờ chế tác hoặc đặt hàng, mình phải tư vấn nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp, có giá trị mà không mất đi tính tự nhiên của gốc cây, rễ cây. Thường thì khách hàng không hiểu nhiều về chuyên môn nên họ khó có thể chọn dáng hình cụ thể. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ. Mỗi tác phẩm làm ra như chính là đứa con tinh thần của mình vậy. Nhưng những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ hạn chế, số người chơi đồ gỗ không nhiều... nên tôi vừa làm nghề để theo đuổi đam mê, vừa làm nhà cổ nữa”.

Cần một chỗ đứng trên thị trường

Cũng như ông Tuấn, anh Đỗ Xuân Thắng, sinh năm 1987, xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa cũng gắn với nghề cưa đục từ khi còn rất nhỏ. Bởi theo anh Thắng, do không có chỗ chơi, nên một buổi đi học, một buổi lại xuống xưởng của cha chơi nên nghề ngấm vào máu lúc nào không hay. Được mọi người trong gia đình động viên, nên nửa ngày đi học, nửa ngày cậu học trò Đỗ Xuân Thắng lại theo cha học nghề. Việc chạm khắc trên gỗ đối với một thiếu niên là rất khó khăn. Vì ngoài việc tập cho đường đục mềm mại, nhuần nhuyễn còn cần phải có tư duy sáng tạo và óc thực tế cao. Sau đó, anh lại khăn gói đi học, đi làm ở khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc để học nghề cũng như tìm kiếm thị trường.

Sau bao năm lăn lộn, năm 2013 anh trở về quê hương lập nghiệp. Buổi đầu lập nghiệp gian nan, sản phẩm làm ra ế ẩm vì thị trường khó tiêu thụ, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng mỗi khi nhìn những bộ gốc rễ đẹp, phảng phất những hình ảnh tượng phật, con người, con vật, phù điêu... máu nghề lại nổi lên và những sản phẩm nghệ thuật, giàu cảm xúc được sản sinh ra từ ấy.

Với những người “thổi hồn” cho gỗ, cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc - nghề điêu khắc cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn. Khác với quá trình tạo ra chiếc ghế, chiếc bàn hay tủ quần áo theo kiểu dáng rập khuôn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt. Cái khó của việc chế tác gốc cây, thân cây là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động như thật. Hình ảnh trên các sản phẩm điêu khắc thường là những hình ảnh thân thuộc trong tâm thức dân gian người Việt, như tượng Phật, tượng Bát tiên, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú... nên đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, sự sáng tạo.

Xưởng chế tác gỗ của anh Thắng hiện có khá nhiều khối gỗ là những rễ cây lớn được anh mua về để gia công, chế tác. Các tác phẩm bằng gỗ của anh Thắng có giá từ vài triệu đến hơn một trăm triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ và sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm.

Nghề chạm khắc hầu hết các công đoạn đều bằng thủ công. Vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, khi khô không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải có sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động, có “hồn”... “Chẳng hạn như hoa văn trên trang phục của Đức Phật phải khác với người phàm, do đó, chúng tôi phải biết cách phối màu vừa chìm vừa nổi, màu nền nhạt vừa đủ để bật lên được hoa văn. Cái khó trong vẽ trang trí là tác phẩm phải có được cái “hồn”, sắc diện của Phật phải có sự tĩnh tâm, hoan hỉ. Nhìn cùng một bức tượng Phật, người xem phải cảm nhận được cái nghiêm nghị mà bao dung, hiền từ nhưng cứng rắn với cái xấu, cái ác. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ đây là nghề khó theo đuổi nhưng không khó với những ai có niềm đam mê. Bản thân tôi có nghề cũng nhờ đam mê và ham học hỏi. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được truyền nghề lại cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề không bị mai một, thất truyền”, anh Thắng chia sẻ.

Dưới đôi tay chai sần, thô kệch, những hoa văn, đường nét uyển chuyển, sống động trên nền gỗ vô tri, khô cứng lần lượt hiện ra. Những gốc cây, thân gỗ xù xì không sức sống bỗng được “hóa thân” khi “thấm” những giọt mồ hôi của người thợ. Mỗi người thợ khi tạo tác ra một bức tượng, tấm phù điêu hay chiếc lục bình đều gửi gắm cả cái “tâm” của mình trong đó. Càng quý hơn nữa khi những người thợ - người nghệ sĩ ấy chẳng một ai “giấu nghề” cho riêng mình. Tất cả họ đều mong muốn truyền thụ hết tinh hoa cho thế hệ tương lai, để nghề điêu khắc vững vàng tồn tại và ngày càng bay cao, bay xa trên con đường nghệ thuật.

Không chỉ riêng ông Tuấn, anh Thắng mà theo những người “thổi hồn” cho từng thớ gỗ này, thị trường đầu ra hiện đang gặp rất khó khăn. Vì vậy, họ mong muốn Nhà nước có những chính sách phù hợp để những người thợ điêu khắc gỗ được theo đuổi đam mê, làm đẹp cho đời.

                                                                         Theo: baothanhhoa.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.469.089
Tổng truy cập: