HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ GỐM SỨ BÁT TRÀNG - THÔNG CÁO BÁO CHÍ
(Ngày đăng: 09/03/2017   Lượt xem: 1140)

Hội làng Bát Tràng ( Ảnh minh họa)



THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Làng gốm Bát Tràng được lập ra sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành quách, cung điện, công sở, kho tàng, các công trình tâm linh… của kinh đô Thăng Long. Thế hệ tiền nhân lập làng là cư dân vùng Ninh Trường thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay.
Trải qua nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Người làng Bát Tràng sản xuất nhưng không chỉ là những sản phẩm gốm mà còn thổi vào đó sự đam mê, sức sáng tạo, tạo ra một nét văn hóa riêng của làng nghề - đó là hồn gốm Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế với những sản phẩm thủ công tinh xảo phục vụ đời sống, trưng bày, tín ngưỡng… Nhiều sản phẩm có mặt tại các bảo tàng danh tiếng ở Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề khá đặc biệt, chỉ có đất thổ cư, không có đất nông nghiệp, thậm chí trước năm 1954 khi chưa thành xã Bát Tràng, làng còn không có nghĩa trang. Năm 1958, để phục vụ xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, dù đất chật, người đông song người làng Bát Tràng vẫn không ngần ngại hiến ½ diện tích đất của thôn với 200 ngôi nhà cổ, các lò nung gốm, các cơ sở sản xuất của cha ông để lại từ hàng trăm năm trước. Nhưng
không vì thế mà các lò gốm nguội lửa. Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, các Hợp tác xã và cơ sở sản xuất gốm vẫn ngày đêm cho ra những sản phẩm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (trước năm 1975) và trên cả nước (từ năm 1975 trở về sau).

Ngày 20/2/1959, khi làng mới vừa khánh thành, người dân Bát Tràng đang tất bật chuẩn bị đón Xuân thì vinh dự được đón Bác Hồ về thăm hỏi, động viên. Bác căn dặn: "Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Nhớ lời Bác dạy, người dân Bát Tràng tập trung sản xuất, kinh doanh, làm nên xí nghiệp công tư hợp doanh và sau này là xí nghiệp sứ Bát Tràng. Mỗi đơn hàng xuất xưởng, xuất khẩu là một việc làm của người Bát Tràng tri ân Bác.

Cùng với việc phát triển nghề gốm, việc học hành cũng được người làng Bát Tràng coi trọng. Trong các khoa thi thời phong kiến, Bát Tràng có 364 người đỗ đạt, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1586), 8 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ngày nay, làng Bát Tràng có nhiều người có bằng đại học, nhiều người được phong các học hàm, học vị: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ...

Việc học hành của người làng Bát Tràng ngày nay không chỉ nhằm thi cử đỗ đạt học hàm, học vị cao như thời trước, mà còn để phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh của các lò gốm với những sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật, công nghệ áp dụng trong sản xuất, trong đời sống thực tiễn. Chính vì thế, các sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được cải tiến mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng, trưng bày, tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế. Năm 2016, tổng doanh số của làng Bát Tràng đạt con số gần 1.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng trong thời gian qua luôn dao động từ 10 đến 14% mỗi năm.

Là một làng gốm với 600-700 lò nung song Bát Tràng không bị ô nhiễm môi trường. Bởi từ những năm 2001-2002, với sự hỗ trợ và hợp tác của dự án PECSME do UNDP/GEF tài trợ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, các chủ lò gốm Bát Tràng đã mạnh dạn chuyển từ lò nung bằng than sang lò nung bằng ga. Bát Tràng từ một làng nghề mù mịt khói bụi, nay trở thành một làng gốm xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, thu hút khách du lịch. Con số bình quân mỗi ngày có 500-800 khách đến du lịch làng Bát Tràng (trong đó khoảng 100-150 khách quốc tế) minh chứng cho điều đó.

Hiện Bát Tràng là làng nghề có số nghệ nhân vào hang đông nhất nước: 75 người, trong đó có Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân làng nghề Việt Nam, nghệ nhân Hà Nội.
Ngoài ra, còn có một đội ngũ thợ lành  nghề tổ chức sản xuất; nhiều thợ cả giỏi trong các công đoạn sản xuất. Điều đáng mừng là đội ngũ này được trẻ hóa mạnh mẽ, được học hành bài bản  trên các giảng đường trường đại học và thực tiễn tại các lò gốm để phát triển nghề truyền thống cha ông.

Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và dâng lễ lên các vị Thành hoàng làng cầu xin ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Đình Bát Tràng thờ sáu vị thần đã có công giúp dân đánh giặc giữ nước bao: gồm Bạch Mã Đại Vương, Tràng Thuận Nghi Dung, Phan Đại tướng, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương và Hồ Quốc Thần Đại Vương. Theo phong tục truyền thống, lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị từ miếu Bát Tràng ra đình Bát Tràng được thực hiện rất trang trọng.

Hội làng Bát Tràng có nhiều trò diễn, độc đáo nhất là trò chơi cờ người và hát thờ. Theo lệ, trước hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình.

Công việc chuẩn bị cho hát thờ cũng công phu không kém. Làng tổ chức 3 chầu thi và 4 chầu cầm để chọn bài và người vào hát thờ, sau đó mời các đội đàn hát ở các làng xung quanh đến tập để kén giọng. Đội nào vượt lên nhất qua “4 chầu cầm” sẽ được hát thờ trong lễ hội năm đó. Hội làng năm Giáp Thân diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng hai âm lịch. Cùng với nghi lễ rước nước, tế lễ và các trò chơi dân gian, làng nghề sẽ trưng bày những sản phẩm gốm đặc sắc nhất của mình tại “Chợ gốm Bát Tràng” nằm ở vị trí trung tâm của làng.

Năm 2017, được sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng tổ chức trong 3 ngày 11, 12, 13 tháng 3 năm 2017 (tức ngày 14,15,16 tháng 2 năm Đinh Dậu), tại Đình làng Bát Tràng.

Lễ hội t
rưng bày khoảng 150 sản phẩm TCMN tinh hoa của nghệ nhân, thợ giỏi. Đặc biệt là có sự giao lưu, phối hợp của 15 làng nghề truyền thống, tạo thành một quần thể chợ quê, làng cổ như Lụa Vạn Phúc, Dệt Phùng Xá, Hương Xà Kiều, Rèn Đa Sỹ, Miến Cự Đà, Thêu ren An Dương Hải Phòng, Khảm trai Chuôn Ngọ… Đặc biệt có chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ của Câu lạc bộ Văn nghệ Làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc, Giang Cao, Kim Lan với Bát Tràng.

Chương trình được chỉ đạo, bảo trợ:  

- Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Bát Tràng

- Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

- Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội

- Hội gốm sứ Bát Tràng

- Ban Đại diện Làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng

Chương trình Ngày hội hoạt động theo phương thức xã hội hoá, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, vận động tài trợ của nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp ủng hộ. Ban Tổ chức rất mong được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, Hà Nội ủng hộ, quảng bá, chuyển tải tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trân trọng.

Chi tiết liên hệ:  Thường trực BTC:

                           Hiệp hội Làng nghề Việt nam, số 14, Ngõ 2, Hoa Lư, hai Bà Trưng, Hà Nội.

                           Điện thoại: (84-4) 3974 5347. Email: nganhnghett@gmail.com

                           Ông Hà Văn Lâm0903407128


      Hà Nội, ngày 9 tháng 03 năm 2017

             BAN TỔ CHỨC

CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ GỐM SỨ BÁT TRÀNG

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.469.088
Tổng truy cập: