HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Việt Nam- con đường di sản: Dấu ấn thương cảng cổ Vân Đồn
(Ngày đăng: 17/07/2013   Lượt xem: 588)
Thành thông lệ, bắt đầu từ ngày 10-6 ÂL hàng năm, Lễ hội Vân Đồn (Quảng Ninh)- một trong những lễ hội đặc sắc nhất của người dân huyện đảo Vân Đồn lại được tổ chức tưng bừng tại xã Quan Lạn. Lễ hội được tổ chức tại đình Quan Lạn-  vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển nằm ở khu trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn.



Lễ hội đình Quan Lạn hàng năm thu hút đông đảo du khách về dự 


Miền đất cổ trên vùng biển Đông Bắc

Vân Đồn là huyện đảo phía đông nam tỉnh Quảng Ninh, có diện tích phân bố rộng  gần 600km2, bao gồm trên 600 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trong vịnh Bái Tử Long, liền kề với di sản-kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hơn 800  năm về trước, Vân Đồn đã là thương cảng quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt…

Theo sử sách, dưới triều Lý, năm 1149 vua Lý Anh Tông đã cho khai mở trang Vân Đồn. Sau khi được thành lập, Vân Đồn đã trở thành thương cảng quốc tế quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt. Trang Vân Đồn chính thức khai mở đón thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La... đến giao thương. Đến thời Trần, chính quyền Thăng Long càng có ý thức mạnh mẽ về vùng biển Đông Bắc trong chiến lược bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế. Với việc đổi Trang thành Trấn vào năm 1349 dưới thời vua Trần Dụ Tông. Vân Đồn đã trở thành một đặc khu kinh tế với một hệ thống các bến cảng, khu định cư, thủ phủ hành chính, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá thu thuế và căn cứ phòng vệ. Vào thời Trần, trên nhiều đảo ở Vân Đồn đã có các khu định cư tương đối trù mật. Vì nhu cầu phát triển và cuộc sống, ở Vân Đồn cũng đã xuất hiện nhiều di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo và các khu khai thác, chế biến hải sản...

Đặc sắc kiến trúc Phật giáo

Đảo Cống Tây và đảo Cống Đông thuộc xã Thắng Lợi được coi là nơi đặt trị sở của "trang Vân Đồn” thời Lý, "trấn Vân Đồn” thời Trần và "huyện Vân Đồn” thời thuộc Minh. Sự xuất hiện bến cảng thuận lợi cho việc trao đổi thông thương buôn bán được tập trung chủ yếu tại khu vực này, với nhiều vụng biển ăn sâu vào đất liền rất kín gió đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu trao đổi hàng hoá, trên đảo sự xuất hiện dấu tích của các nếp nhà cổ cùng các công trình kiến trúc Phật giáo dày đặc với các chùa Lấm, chùa Cát, chùa Trong...đã hình thành một trung tâm văn hoá, hành chính của cư dân hải đảo mang đậm sắc thái tâm linh Phật giáo. 

    Các ngôi chùa cổ trên đảo không chỉ cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của Phật giáo. Cuộc sống của cư dân trên đảo gắn liền với biển cả, tâm thế đó khiến họ luôn phải cầu mong sự che chở của các đấng thần linh và đức Phật. Vào thời điểm lúc bấy giờ Phật giáo không chỉ là "Quốc giáo” của Đại Việt mà còn là thế giới tâm linh có thể tìm gặp sự chia sẻ chung với cư dân các quốc gia khu vực. Với những vết tích vật liệu kiến trúc cổ còn lại và phong cách nghệ thuật trang trí các nhà nghiên cứu khẳng định các ngôi chùa này đều được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XIV. Trước đó, đã có những công trình kiến trúc tôn giáo giản đơn hơn được xây dựng ở vùng thương cảng. Những công trình lớn trên đảo như chùa Lấm, chùa Cát, chùa vụng Cây Quéo, chùa Trong, Bảo Tháp...đã bị huỷ hoại và chỉ còn là phế tích.  

Cùng các công trình kiến trúc tôn giáo, vết tích gốm sứ cổ trong các bến đỗ thuyền cũng cho thấy vai trò kinh tế của thương cảng cổ. Ngoài vết tích gốm sứ cổ xuất lộ dọc theo các vụng biển phía Tây Bắc từ thôn 1 đến thôn 5 xã Thắng Lợi, tại phía Đông Nam của đảo Cống Tây còn nhiều vụng biển chứa rất nhiều hiện vật gốm sứ cổ. Vùng Cống Đông-Cống Tây là "một kho gốm sứ cổ khổng lồ” có giá trị nghiên cứu, bảo tồn hết sức quý báu với cả vùng thương cảng Vân Đồn cổ xưa.
   


Khu du lịch Bãi Dài ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đang được đầu tư


Lễ hội tái hiện trận hải chiến lẫy lừng xưa

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3, để bảo vệ vùng biển Đông Bắc, Vua Trần phong cho Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một tướng lĩnh có nhiều mưu lược chức Phó đô tướng quân có toàn quyền quyết định vấn đề an ninh ở Vân Đồn. 

   Trận hải chiến của Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư đánh chìm 70 thuyền lương của Trương Văn Hổ tại vùng biển Vân Đồn vào ngày 13-2-1288 là vô cùng vĩ đại. Chính vì mất nguồn tiếp tế của Trương Văn Hổ, nên Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã phải vội vã rút quân, để rồi ngày 8-3-1288 rơi vào trận địa cọc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giăng sẵn trên sông Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên ngày nay.     

Để tưởng nhớ và ghi công Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư, nhân dân đã tôn Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư là Thành hoàng làng và thờ tại đình Quan Lạn cùng với vua Lý Anh Tông, người quyết định thành lập thương cảng Vân Đồn. Lễ hội đình Quan Lạn hàng năm diễn ra khá dài, từ ngày 10 đến 20-6 (âm lịch) nhưng phần chính hội được tổ chức vào ngày 18-6 âm lịch. Vào ngày hội chính, tâm điểm của các hoạt động lễ hội mà bất cứ du khách nào khi đến đây cũng không thể bỏ qua, là cuộc đua thuyền giữa 2 đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ. Hai đội lập doanh trại riêng để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua v.v.. tạo ra một không khí vô cùng náo nhiệt ôn lại hào khí Đông A của dân tộc. 

Lễ hội Quan Lạn- Vân Đồn là dịp người dân huyện đảo Vân Đồn và du khách thập phương tụ hội về ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta đã bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng là ngày hội cầu ngư của cư dân vùng biển. 

Đánh thức thương cảng cổ Vân Đồn, giờ đây địa phương xác định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đi đôi với đó là  việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cũng như giá trị địa mạo của Vịnh Bái Tử Long để phục vụ du khách về với vùng đất cổ với những di sản văn hóa gần 1.000 năm tuổi còn để lại trên vùng biển đảo Đông Bắc.
                                                                                               Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.584
Tổng truy cập: