KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Ngàn năm áo mũ - bức tranh trang phục Việt xưa
(Ngày đăng: 28/06/2013   Lượt xem: 682)
Không đi sâu khảo cứu phương thức chế tác vải vóc, thêu thùa, tác phẩm Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức chủ yếu làm rõ kiểu dáng, quy chế của các loại áo mũ từng được sử dụng phổ biến trong cung đình và dân gian Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945).

Sáng 27.6, tại Hà Nội, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm nghiên cứu về trang phục Việt Nam mang tên Ngàn năm áo mũ của tác giả trẻ Trần Quang Đức. Tác phẩm lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam. Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Để làm rõ điều này, Ngàn năm áo mũ đã mô tả chi tiết nhiều dạng trang phục như bộ lễ phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ triều phục, thường phục Lương Quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu…

 
Áo Cổn triều Nguyễn

Trong khi đó, trang phục dân gian Việt Nam thời phong kiến tự chủ nhìn chung khá ổn định về kiểu dáng và hình thức. Trang phục của tầng lớp thường dân phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà. Mãi đến năm 1744 mới có một cuộc cải cách lớn trong trang phục dân gian, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát thực thi các sắc lệnh thay đổi toàn bộ triều nghi phẩm phục trong cung đình cũng như ngoài dân gian ở Đàng Trong, cấm tất cả các kiểu áo quần, yếm váy, khăn mũ thời trước, bắt buộc mặc quần chân áo chít (tức áo năm thân, áo dài). Đến thời vua Minh Mạng thì lối ăn mặc này được áp dụng cho toàn cõi nước Việt, để rồi chiếc áo dài đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.

 

Để dựng nên bức tranh phục trang Việt một cách chân thực, tác giả đã tìm kiếm và xử lý lượng tư liệu lớn, truy nguyên về nguồn, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở diễn dịch những tư liệu đó chính xác. Tác giả cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng, tiến hành khảo sát dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách - người nhiều năm theo đuổi việc phục hồi trang phục cổ đánh giá: Ngàn năm áo mũ có lẽ là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, cho đến nay.                                                                       

                                                                                           Theo: Đại Biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.519.136
Tổng truy cập: