KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Bảo vệ phố cổ Hà Nội: Cần “lắng nghe một cách thật lòng”
(Ngày đăng: 17/03/2013   Lượt xem: 629)
Vài năm trở lại đây, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan đã bàn bạc, cùng nhau quyết tâm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia này.

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm của TP, bên cạnh hồ Gươm nổi tiếng là khu phố cổ trải rộng trên khoảng 100ha, bao gồm 76 phố, được giới hạn bởi các tuyến phố: Hàng Đậu - Phùng Hưng - Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ - Hàng Thùng - Trần Nhật Duật. Qua gần 10 thế kỷ, khu phố cổ ngày càng phát triển sầm uất, ẩn chứa trong đó là một kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Những ngôi nhà cổ bị ... “băm nát”


Theo thống kê, hiện phố cổ có hơn 1.000 ngôi nhà có giá trị kiến trúc cần được bảo tồn, tôn tạo; 90 di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng; 22 di tích cách mạng. Với dân số khoảng 66.000 người và 15.000 hộ dân đang cư trú, trong đó đa phần là người dân định cư có thời gian hơn 30 năm. Năm 2004, phố cổ Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia cần được bảo vệ, tôn tạo đặc biệt. Thực tế hiện nay cho thấy, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, thậm chí ngang nhiên phá bỏ để xây dựng nhà ống bằng bê tông cốt thép làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan những ngôi nhà cổ vô cùng giá trị này. Những chủ nhân của ngôi nhà cổ nằm trong diện cần được bảo tồn đặc biệt vẫn “thản nhiên” đục đẽo, cơi nới và đập bỏ không chút tiếc nuối. Nguy hiểm hơn, tình trạng phá bỏ nhà cổ để thay thế bằng nhà ống cao tầng đang trở thành một “phong trào” phát triển mạnh mẽ, mạnh ai nấy đập – mạnh ai nấy sửa theo ý của mình.

Xin đơn cử một số tuyến phố cổ đang trong “cơn lốc” phá dỡ đi xây mới như: Đường Thành, Hàng Da, Hàng Nón, Phùng Hưng, Hàng Đậu, Hàng Lược, Hàng Than, Hàng Bồ, Hàng Gà, Hàng Thiếc, Hàng Mã… Ngay tại Đường Thành, những chủ nhân sẵn sàng đập bỏ dãy nhà cổ chung mái ngói, chung tường với nhau bằng cách tháo dỡ ngói, cắt phần khung gỗ do mình đang làm chủ và thay vào đó là ngôi nhà 5 tầng cao ngất. Chưa hết, nhiều người còn “cố” cơi nới bằng được những khoảng không có thể để mở rộng diện tích sử dụng. Họ xây công trình vệ sinh lên đó, đeo ba lô cho những ngôi nhà vốn đang xập xệ nay lại càng xập xệ hơn. Mỗi khi tắm giặt ở tầng trên, nước thấm xuống các nhà ở tầng dưới rất mất vệ sinh và mất mĩ quan đô thị.

Cụ Xuyền, người sống hơn 60 năm trên phố Đường Thành bức xúc: “Thật không thể chịu nổi tình trạng cơi nới, khoan cắt nhà ở đây. Hầu như ngày nào cũng có nhà đập phá, sửa chữa, tiếng ồn, bụi bặm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người – nhất là người già và trẻ nhỏ. Thực sự tôi cũng không hiểu các vị lãnh đạo chính quyền đang ở đâu mà để tình trạng phá dỡ nhà cổ vô tội vạ như vậy? Trong khi đó, khu phố này nhiều nhà cổ đã được xếp vào diện cần được bảo tồn nghiêm ngặt, cấm cơi nới, xây dựng…”. Không chỉ bức xúc về mặt quản lý, cụ Xuyền tỏ vẻ tiếc nuối: “Anh quan sát trên tuyến phố này mà xem, đầu những năm 90 của thế kỷ XX những ngôi nhà cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đến nay phần mặt tiền quay ra Đường Thành được thay thế toàn bộ bằng nhà bê tông kiên cố”.

Mặt khác, dân cư trong phố cổ lại quá đông, diện tích ở bình quân 3m2/người, diện tích đất công cộng, chỗ vui chơi dành cho trẻ em gần như không còn. Nếu chỗ nào còn trống thì bị các bà bán nước chè vỉa hè, hàng rong “thi nhau” lấn chiếm… Nhiều người sống trong phố cổ khi được hỏi  đều than thở: Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với điều kiện sống ngày càng xuống cấp và đã có nhiều người chuyển đi nơi khác, mặc dù họ vẫn giữ nhà ở đây để buôn bán và chờ thời cơ. Còn nhiều gia đình sống sâu trong các ngõ không có điều kiện di chuyển vẫn phải chịu cảnh chật hẹp, tối tắm, ẩm thấp và hôi hám…


Đâu rồi hình ảnh phố cổ Hà Nội?     Ảnh: Minh Quân

Giá trị lịch sử cần được bảo tồn

Vài năm trở lại đây, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan đã bàn bạc, cùng nhau quyết tâm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia này. Và một kế hoạch tổng thể gồm 11 chương trình lớn đã được xây dựng dành cho khu phố cổ, trong đó trọng tâm là bảo tồn giá trị di sản lịch sử văn hóa; phát huy giá trị phố nghề truyền thống; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng; phát triển du lịch; kêu gọi đầu tư; nâng cao điều kiện sống cho người dân. Trong năm 2000, chính quyền TP đã có 2 dự án được khởi động gồm: Châu Âu ASIA REHAB và Hà Nội 2010 - Di sản và đặc trưng văn hóa, đáng chú ý là sự phối hợp trực tiếp giữa Hà Nội và Toulouse (gồm 3 công trình: Đình Đồng Lạc - 38 phố Hàng Đào, nhà ở truyền thống - 87 phố Mã Mây, nhà ở 51 Hàng Bạc) đã được tôn tạo theo mô hình giữa bảo tồn di sản kiến trúc và nâng cao điều kiện ở cho người dân. Và đây được xem như một bước khởi động khả quan trong công cuộc bảo tồn, trùng tu di sản phố cổ Hà Nội. Nhưng tiếc thay, dự án đó tiến hành rất chậm chạp và rất nhỏ so với gần 1.000 ngôi nhà cổ cần được bảo tồn, tôn tạo ở Thủ đô. Nhưng khi triển khai vào công việc cụ thể của việc bảo tồn, thì chúng ta lại không đủ sức, không đủ lực, không đủ cả người để tiến hành cùng một lúc, đồng bộ trên diện rộng. Có không ít ý kiến cho rằng, phải có những kế hoạch, phương án bảo tồn, tôn tạo đồng bộ nhưng trước hết cần tập trung làm từng cụm trên một đoạn phố. Điều quan trọng nữa, sau khi phục dựng xong nhà cần đưa ngay không gian văn hóa, cái hồn truyền thống vào ngôi nhà, từ đồ nội thất đến lối sống, nếp sống văn minh-thanh lịch của người Tràng An.

Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc khi còn sống từng rất xót xa: “Lúc chiến tranh ác liệt nhất những khu phố cổ vẫn còn giữ lại được mà bây giờ tại sao chúng ta lại dễ dàng phá bỏ những ngôi nhà cổ gắn với chiều dài lịch sử dân tộc? Nếu cứ để tình trạng “đua nhau” phá nhà cổ ồ ạt như hiện nay thì chẳng mấy chốc những ngôi nhà cổ chỉ còn nằm trong trí tưởng tượng của người dân Thủ đô. Khi đó, thế hệ sau sẽ không còn được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi. Vì vậy, tôi khẩn mong các cấp chính quyền TP và các ban ngành liên quan cần chung tay, làm quyết liệt những phương án bảo tồn, tôn tạo. Đồng thời, xử lý thật nghiêm tình trạng đập bỏ nhà cổ trái phép của người dân để xây mới, bê tông hóa”. Lời “đau xót” của ông Phúc khi còn sống dường như cũng không được các cơ quan hữu trách “lắng nghe” một cách “thật lòng”! Hiện không ít những ngôi nhà cổ ở Hà Nội vẫn hàng ngày bị phá bỏ để thay vào đó bằng những ngôi nhà bê tông, thậm chí “chẳng giống ai” gây phản cảm cho du khách và những ai yêu mến Hà Nội. Nếu chúng ta không tập trung làm mạnh và dứt khoát phong trào “thi nhau” đập bỏ nhà cổ, cơi nới vô tội vạ thì chỉ một thời gian ngắn nữa những ngôi nhà cổ còn lại ở phố cổ “cơ bản” bị dỡ bỏ xong! Ngoài ra, cần quan tâm tái tạo nếp gia phong của 3 lớp người Kẻ Chợ (thợ thủ công, buôn bán và nho học), duy trì và khơi dậy các lễ hội, trò chơi dân gian, quảng bá dịch vụ du lịch đến du khách trong và ngoài nước… nhằm tạo không gian văn hóa sống động cho khu phố cổ.

Qua trao đổi, Nhà xã hội học - TS.Trịnh Hòa Bình cho rằng: Trong dịp đại lễ, chính quyền TP đã rất quan tâm, dành nhiều kinh phí cho việc đầu tư, tôn tạo các di tích nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trong đó có việc bảo vệ những khu phố cổ ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng cũng như những ngôi nhà cổ… đã chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, nhiều di tích đã và đang được tu bổ, người ta làm mất đi những nét đặc trưng, phong cách cổ của các ngôi nhà. Mà đây là lỗi của các nhà chuyên môn thuộc ngành văn hóa, Ban quản lý phố cổ. Họ làm chưa hết trách nhiệm! Mong rằng, các cấp chính quyền TP và các cơ quan có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn, tôn tạo những di tích lịch sử, khu phố cổ trước khi nó có nguy cơ bị san phẳng. Mặt khác, cần xử lý thích đáng những trường hợp ngang nhiên phá dỡ nhà cổ để xây nhà kiên cố bằng bê tông như đã nêu để giúp người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước còn có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ ở khu phố cổ.
                                                                                               Theo: PL& XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.407
Tổng truy cập: