KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Để nhà cổ làng Cựu không bị hoang phế
(Ngày đăng: 26/02/2013   Lượt xem: 700)
Ý thức được giá trị của những ngôi nhà cổ mà cha ông để lại, nhưng con cháu làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội đang rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn để bảo vệ quần thể kiến trúc đang dần trở nên hoang phế này.
 

Đón chúng tôi từ đầu làng là Trưởng thôn Nguyễn Quang Huy. Dẫn chúng tôi thăm các ngôi biệt thự trong làng, anh Huy kể, xưa kia làng cũng nghèo như bao vùng quê khác Việt Nam . Sau trận hỏa hoạn năm 1921, dân làng phải tỏa đi tam phương tứ hướng tìm kế mưu sinh. Chính từ thời điểm đó, làng Cựu đã xuất hiện những người thợ may tài hoa bậc nhất Hà thành. Nghề may của làng Cựu vươn tới tận Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi sang Pháp. Khi đã có tiền, các thương gia trở về làng xây dựng những ngôi biệt thự theo lối đặc trưng của phương Tây với cột tròn, vòm cuốn, kết hợp với mái cong uốn lượn - đặc điểm nổi bật của kiến trúc phương Đông. Các ngôi biệt thự được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1928 - 1945, được chủ nhân chau chuốt đến từng chi tiết, ngoài ngõ, trong nhà được điểm xuyết bằng hình hoa lá, hạc, phượng, hươu, nai. Đường làng được lát đá xanh rộng rãi. Sau năm 1945, nhiều biến cố lịch sử khiến chủ nhân của nhiều dinh thự bỏ làng đi làm ăn xa mà không hẹn ngày trở về. Làng Cựu trống trải và cái nghề nức tiếng một thời cũng dần vào quên lãng. Tuy vậy, dấu tích của một điền trang thái ấp xưa vẫn còn nguyên vẹn trong từng ngôi biệt thự cổ với vòm cuốn, mái chảy, ngói mũi. Trên nền tường còn thấy rõ từng hoa văn với chữ Nho vuông vức. Những cách trang trí kiến trúc đó đã tạo nên thương hiệu cho từng ngôi nhà, từng chi nhánh cho các tộc họ của làng Cựu. Với người dân làng Cựu, đó là một niềm tự hào lớn.

Theo chân anh Huy, chúng tôi vào thăm nhà cụ Trần Thị Chì, mới được sửa chữa vài năm gần đây. Vừa pha trà mời khách, cụ vừa chậm rãi kể, trước đây làng cũng đông đúc lắm, nay đa phần người làng lên buôn bán ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, rồi định cư ở châu âu... nên làng vắng vẻ, thưa thớt nhiều. Ngay như ngõ nhà cụ, giờ chỉ còn 4 - 5 người ở, nhiều nhà bỏ không, thỉnh thoảng nhờ người làng sang mở cửa, quét dọn cho khỏi mùi ẩm mốc. Khi được hỏi lý do về việc sửa nhà, cụ ngậm ngùi: “Phải sửa lại ngôi nhà xưa của các cụ, chúng tôi cũng tiếc lắm chứ, nhưng hỏng quá rồi thì phải sửa thôi”. Cụ Chì đã bước sang tuổi 90, lại chỉ sống một mình. Con cháu cụ đã dỡ bỏ xương nhà cũ, thay thế cửa bức bàn, lợp lại mái ngói cổ.

Giống như nhà cụ Chì, nhà bà Trương Thị Kim Liên cũng vừa sửa sang một số chi tiết. Ngôi biệt thự khang trang, bề thế 500m2, gồm tòa nhà 3 gian 2 chái, sân vườn, nhà thờ tổ... gần như còn nguyên vẹn. Ngày đế quốc Mỹ ném bom Cầu Giẽ, dầm nhà bị nứt nhưng do chưa ảnh hưởng tới sinh hoạt nên gia đình bà không sửa chữa. Theo bà Liên, ngôi nhà có số phận may mắn hơn nhiều so với hàng chục ngôi nhà cổ trong làng bởi hầu hết biệt thự đều đã xuống cấp; thậm chí nhiều nhà bị dỡ bỏ chỉ để lại khung nhà do lo sợ gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng ai muốn bán bởi đây là nhà của tổ tiên để lại, là nơi đi về của con cháu. “Đã nhiều lần gia đình tôi ngồi bàn bạc trùng tu ngôi nhà nhưng nghĩ đến việc phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn, đành gác lại. Hơn thế, tìm được thợ giỏi tay nghề, am hiểu kiến trúc, văn hóa bây giờ rất khó. Đôi khi, vì miếng cơm manh áo, họ dễ dãi trong quá trình sửa chữa để rồi chẳng bao giờ lấy lại được phần thông điệp các cụ muốn để lại cho con cháu trên mỗi chi tiết kiến trúc của ngôi nhà” - bà Liên tâm sự. Lo lắng của bà Liên không phải không có căn cứ. Điển hình, gần đây do cổng vào nhà bị hư hỏng nặng, bà đã thuê người đến trát lại phần vữa bong tróc, nhưng thợ đã làm mất đi một nửa số từ trên câu liễn đối cổ tiếng Hán tại đây.

Theo trưởng thôn Nguyễn Quang Huy, trong làng, những ngôi nhà đã sửa chữa đôi chút như nhà bà Liên chiếm đến gần 80%. Hiện tại, ước tính cả làng còn khoảng 30 ngôi biệt thự trong tổng số hơn 100 hộ với 600 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề nông nên không có tiền đầu tư chống xuống cấp của các ngôi nhà. Hơn thế, 1/3 biệt thự cổ của làng hiện bị bỏ không, thỉnh thoảng mới có người đến quét dọn, nhưng cũng có nhà mấy hộ cùng sở hữu, bán đi bán lại nhiều lần, mạnh ai nấy làm, cải tạo theo ý riêng, khiến cảnh quan, không gian kiến trúc cổ ít nhiều bị biến dạng. Nhiều nhà, cánh cửa, ngói, dui, mè... đều tôn tạo hoặc thay mới. Những nhà có tiền còn mua được ngói cổ, nhiều nhà phải sử dụng ngói ta, ngói mới hoặc tôn để lợp.

Hỏi về chủ trương của địa phương đối với những ngôi nhà cổ, anh Huy cho biết, giá trị văn hóa cổ rất quý, song bên cạnh đó cũng phải nhìn lại là người dân quê còn nghèo, vì thế không thể áp đặt. Để đầu tư tôn tạo hoặc xây dựng chỉ một ngôi nhà cổ tốn rất nhiều kinh phí, trong khi người dân không có tiền và thiếu kiến thức. Về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm cho hay, năm 2012, Phòng đã triển khai chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ trên địa bàn huyện tại các hội nghị giao ban hàng quý và 6 tháng. Mặc dù chưa có chỉ thị nào mới từ TP Hà Nội cũng như Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhưng huyện vẫn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và gìn giữ nhà cổ. Với một số nhà cổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, huyện vận động nhân dân tự sửa chữa để bằng cách nào đó giữ được nét cổ xưa.

Mong chờ được cải tạo, tu bổ, gìn giữ nhà cổ là tâm nguyện chung của người dân làng Cựu, và họ đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn để những ngôi nhà cổ không bị hoang phế.

Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.324
Tổng truy cập: