KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
(75)- DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CHÙA CẢNH PHƯỚC
(Ngày đăng: 09/05/2020   Lượt xem: 306)
 
   
Cổng Chùa Cảnh Phước
Cổng Chùa Cảnh Phước

1. Quá trình hình thành chùa Cảnh Phước

Cùng với quá trình hình thành làng Cao Đôi xã, những công trình kiến trúc của cộng đồng xuất hiện như: Đình, chùa, đền, miếu... ra đời đáp ứng những nhu cầu tâm linh của dân làng. Tùy theo điều kiện sống mà mỗi làng có những phong tục, tập quán, lễ nghi tín ngưỡng riêng để thờ tự, tôn vinh các vị có công khai phá đất đai, dẹp giặc giữ làng, giữ nước. Điều đặc biệt chùa Cảnh Phước là nơi thờ Phật nhưng có chức năng như Đình làng, khác với những ngôi làng khác trong vùng tại đình làng Cao Đôi xã chỉ là nơi thờ vọng các vị tiền hiền, nhưng chùa Cảnh Phước lại được bố trí một gian long trọng để thờ 5 vị tiền hiền và lưu giữ hòm bộ với 5 Sắc phong những người có công khai phá vùng đất Cao Đôi (Cầu Hai). Đến năm 1982, do yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội Chính quyền địa phương đã cho hạ giải đình làng Cao Đôi xã để quy hoạch khu Văn hóa xã Lộc Trì, một số hiện vật được chuyển chùa Cảnh Phước để lưu giữ thờ cúng.

Chùa làng Cảnh Phước ra đời đã kéo theo những không gian thiêng, nơi tập hợp bà con nhân dân những lúc cần thiết. Chính vì vậy chùa làng Cảnh Phước là bộ mặt văn hoá của cả làng, là chốn thiêng đoàn tụ, trung tâm sinh hoạt văn hoá từ xưa đến nay, với tâm nguyện “cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”.

Năm 1941 (Bảo Đại năm thứ 14), chùa Cảnh Phước được nhà Vua ban bức Đại tự sơn son thếp vàng đề chữ Hán “Sắc tứ Cảnh Phước Tự” treo ở gian giữa chùa, Sắc tứ vua ban có nghĩa được Triều đình công nhận, xếp vào diện được quan tâm đặc ân của nhà nước Phong kiến Triều Nguyễn.

Theo ông Võ Huế, Trưởng ban trị sự chùa Cảnh Phước cho biết: Từ khi thành lập đến nay, chùa Cảnh Phước không có vị sư nào trụ trì mà chùa hình thành và phát triển do dân làng tự đứng ra lo liệu tổ chức và quản lý, người được phân công quản lý và xây dựng do dân làng bầu ra, còn gọi là Ban trị sự chùa: Ban trị sự là những người có chức sắc trong làng nắm giữ, được truyền từ đời này đến đời khác. Do đặc điểm này mà chùa Cảnh Phước còn gọi là “chùa làng”, chùa do dân làng lập ra, mọi thờ tự và tín ngưỡng do Ban trị sự chùa đảm nhận chứ không có vị sư trụ trì như những ngôi chùa thuộc hệ thống giáo hội Phật giáo. Ở “Đại hùng bảo điện” chánh điện chùa Cảnh Phước thờ Phật Thích ca và hai vị Hộ Pháp, tiếp đến là Ngọc Hoàng thượng đế và Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai án thờ hai bên thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương, các vị khai khẩn, khai canh của làng. Ngoài ra, còn có các án thờ Đạt Ma Sư Tổ, án thờ những vị không nơi nương tựa được bà con từ phương xa hoặc địa phương khác gửi gắm vào chùa để thờ khi qua đời.

Một nét đặc trưng riêng nữa đó là am thờ Thiên Y A Na, theo truyền thuyết kể rằng: Vào thời nhà Trần, trong lúc đưa quân đi đánh Chiêm Thành, vua đi ngang qua đầm Hà Trung (đầm Cầu Hai ngày nay) thì đoàn quân gặp bão, nhà vua khấn thần Thiên Y A Na để xin sóng yên biển lặng; quả nhiên không lâu sau trời quang mây tạnh, nhà vua tiếp tục hành quân. Sau khi thắng trận trở về, vua nhớ đến sự giúp đỡ của Thần nên lệnh cho quân lính dựng am tại khuôn viên chùa Cảnh Phước để thờ cho đến ngày nay.

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam và đi lên với nó là sự ra đời các ngôi Chùa. Do triết lý của đạo Phật gần gủi với đời sống tín ngưỡng thì tổ tiên của cư dân Việt theo Phật giáo và được đón nhận một cách tự nhiên, ngày càng gắn bó với đời sống tâm linh. Chùa là nơi thờ Phật nhưng không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo đến làm lễ mà còn là trung tâm sinh hoạt của làng, xã qua nhiều đời, góp phần giữ vững nét đẹp truyền thống văn hóa, xã hội, nơi giáo dục góp phần hình thành những công dân tốt, phục vụ dân tộc và đạo pháp. “Đất Vua, chùa làng” còn là thiết chế văn hóa làng xã của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, mà chùa Cảnh Phước là một minh chứng cho dòng chảy lịch sử đó.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 – 1975), nhiều Phật tử Phú Lộc đã tham gia các đoàn thể, các tổ chức cứu quốc. Bên cạnh lực lượng Thiếu niên tiền phong, Thanh niên tiền phong, Phụ lão cứu quốc thì ở Cao Đôi xã nói riêng và Phú Lộc nói chung đã có tổ chức Phật giáo cứu quốc, Tăng già cứu quốc, Thanh niên Phật tử cứu quốc… góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Từ khi khởi lập đến nay, qua thời gian và điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế, chùa Cảnh Phước đã bị hư hỏng nhiều. Được sự quan tâm của chính quyền, bà con dân làng cùng các đạo hữu quyên góp kinh phí, Ban trị sự của chùa đã trùng tu xây dựng chùa ngày một khang trang, bề thế hơn. Qua 4 đợt trùng tu vào các năm: Khải Định (1924), Tân Tỵ (1941) được vua Bảo Đại ban tiền sửa chữa trùng tu và ban tặng bức Hoành phi “Sắc tứ Cảnh Phước Tự”; và gần đây vào các năm 2011, 2012 chùa được tu sửa, xây dựng tiền đường, bình phong, cổng và hệ thống la thành bao quanh... Qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống ban đầu.

2. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Vào các ngày sóc, vọng (rằm, mồng một Âm lịch hàng tháng), Tết cổ truyền… nhân dân trong làng thường lui tới hương khói lễ Phật, thập nhị tôn phái, các vị có công với làng, với nước; nhất là vào dịp rằm tháng 4, rằm tháng 7. Hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng là ngày húy kỵ của ngài Võ Công Hảo, đây được xem là ngày kỵ lớn của làng để tưởng nhớ người đã khai khẩn và vun đắp làng Cao Đôi xã được phát triển như ngày nay.

Đặc biệt, cứ 3 năm một lần vào ngày 16/6 Âm lịch (tam niên đáo lệ) được xem ngày lễ lớn của làng, bà con đi làm ăn xa lại trở về tề tựu cùng nhau làm lễ cầu an, tế cô hồn (làng có một gian thờ những cô hồn, những người không nơi nương tựa, đặt ở sau hậu điện) cùng nhau ôn lại những truyền thống tốt đẹp, chung tay gìn giữ, bảo tồn thuần phong mỹ tục, xây dựng chùa ngày một khang trang hơn.

Ở Am thờ Thiên Y A Na, lễ cúng Bà vào ngày Vía Mẫu hàng năm tại chùa, lễ rước Bà diễn ra vào lúc 0h (giờ Tý) của ngày Âm lịch trong tháng lễ hội là tháng 3. Con cháu trong làng cùng đến chung vui, thụ hưởng lộc Bà bằng hoa quả, lễ cúng Bà luôn thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Đây là sinh hoạt văn hóa thể hiện tính nhân văn, sự hòa hợp thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, được bảo tồn kế thừa qua tiến trình lịch sử dân tộc.

3. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Cao Đôi xã là một trong những làng xuất hiện sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện nay làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Việt “đất vua, chùa làng” trên vùng đất mới; đền, chùa, miếu, nhà thờ họ... gắn liền với những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa đặc sắc của một làng quê thuần Việt. Ngoài thờ Phật, chùa Cảnh Phước còn đảm đương vai trò như một ngôi đình làng, chùa hiện lưu giữ hòm bộ, 5 Sắc phong và 5 bài vị thờ những người có công khai phá lập làng. Ngoài ra, ngôi chùa còn bảo lưu nét thờ tự đặc biệt, kết hợp được thờ Phật, thờ tổ tiên những người có công và yếu tố bản địa đó là thờ Thần Thiên Y A Na; sự hòa quyện này tạo nên nét văn hóa riêng biệt, độc đáo hơn so với các ngôi chùa khác. Chùa Cảnh Phước là một ngôi chùa đã tồn tại khá lâu, đây là ngôi chùa thuần túy được bà con nhân dân trong làng dựng lên, chùa mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Chùa không những là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đời sống tâm linh của dân làng, mà còn là hình ảnh gợi nhớ về quê cha, đất tổ đối với những người con xa hương, là nơi lưu giữ những giá trị đạo đức, hướng con người tới một cuộc sống thánh thiện,“từ bi, hỉ xả” của nhà Phật. Ngôi chùa có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của dân làng xứ Cầu Hai, nơi bà con nhân dân đặt  niềm tin vào lẽ sống, là một tổng thể văn hóa của một làng quê Việt.

Một số hình ảnh bên trong và bên ngoài Chùa Cảnh Phước 

Mặc dù quy mô không lớn nhưng chùa Cảnh Phước lại có giá trị về mặt kiến trúc và mỹ thuật, mang phong cách triều Nguyễn, với những nét kiến trúc độc đáo; đó là một ngôi nhà rường vuông với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ, các môtip, đề tài trang trí ở phần mái, bờ nóc, bờ quyết; các đầu cù, vì kèo, xuyên... được trang trí, chạm trỗ tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và tinh tế của những nghệ nhân xưa. Tuy trải qua thời gian tồn tại khá dài và qua 04 đợt trùng tu, sửa chữa, nhưng nhìn chung chùa vẫn giữ được những yếu tố mang phong cách kiến trúc chùa Huế, với hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống mang dấu ấn và đặc trưng của nhà rường. Kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc truyền thống dân gian. Đây là nguồn tư liệu quý cho việc nghiên cứu kiến trúc đặc trưng, cũng như kiến trúc gỗ dân gian truyền thống hiện nay còn rất ít ở Cao Đôi xã nói riêng và xứ Huế nói chung.

Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc, chùa Cảnh Phước còn lưu giữ những hiện vật vô cùng quý giá, đó là các bộ tượng thờ tự mang phong cách của cư dân miền Bắc như bộ tượng thờ Ngọc Hoàng thượng đế và hai vị Hộ pháp được làm bằng gỗ; bộ tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương được làm bằng gỗ. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ những tư liệu văn bản Hán – Nôm quý như: 05 sắc phong, Bức hoành phi được vua ban, văn chuông, văn bia, câu đối…Đây là những cứ liệu lịch sử quý giá minh chứng cho sự ra đời, tồn tại của ngôi chùa, những hiện vật này đã tồn tại qua bao thời gian là cơ sở phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất, cư dân, con người xứ Cầu Hai, Phú Lộc xưa. 
                                                    Theo: 
thuathienhue.gov.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

32
Đang xem:
72.470.809
Tổng truy cập: