KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Người tạo nên hồn Việt cho mỗi công trình
(Ngày đăng: 25/09/2012   Lượt xem: 711)

(CL)-Giữa dòng đời nhộn nhịp, đua chen, có một người vẫn cần mẫn với từng nét vẽ, những nét vẽ “chở” bao suy tư để tìm trong vốn cổ, biến sức mạnh truyền thống dân tộc thành những giá trị kinh tế phục vụ dân sinh. Đó là Kiến trúc sư Nguyễn Thế Khải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần quy hoạch và kiến trúc Việt Nam.



Tượng đài liệt sĩ huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Từ những trăn trở...

Đứng trước thực trạng môi trường đang bị đe dọa bởi những thảm họa mang tính toàn cầu, trên cương vị là tác giả của nhiều công trình xây dựng mang quy mô lớn, KTS Nguyễn Thế Khải không khỏi trăn trở trước những xu hướng đáng buồn của bộ mặt Việt Nam . Với cái nhìn sâu sắc của một nhà quy hoạch, ông đưa ra nhận xét mà bất cứ ai quan tâm tới quy hoạch Việt Nam cũng phải giật mình. Đó là tình trạng các đô thị Việt Nam đang bị quốc tế hóa với nhiều trào lưu, nhiều xu hướng lẫn lộn, truyền thống và bản sắc văn hóa đang bị mai một; Làng xóm đang bị đô thị hóa một cách cứng nhắc theo kiểu các đô thị lớn; Miền núi đang bị đồng bằng hóa; kiến trúc các dân tộc ít người đang bị Kinh hóa.

Là một người tâm huyết với sự phát triển của đất nước, dưới góc nhìn của một nhà quy hoạch vì sự phát triển bền vững, KTS Nguyễn Thế Khải đã nhiều lần đưa ra trong các cuộc hội thảo vấn đề: Xây rồi mới chia hay chia rồi mới xây? Đây là vấn đề cốt lõi khiến cho quy hoạch không được thực hiện, tình trạng xây dựng lộn xộn, thiếu đồng bộ vẫn từ đây mà ra. Từ bao năm nay, các công trình công cộng như các cơ quan hành chính, chính trị các cấp, các bộ, sở, ban ngành, các công trình văn hóa giáo dục, y tế… vẫn được xây dựng bằng nguồn kinh phí của Nhà nước. Vậy là kinh phí này phải chia ra cho từng cơ quan. Đất đai cũng phải chia, vậy là mạnh ai nấy làm. Đáng lẽ các đô thị đều có một trung tâm đẹp với những nhà công sở cao tầng hợp khối bởi nhiều cơ quan thì nay nhiều đô thị tái lập lại chỉ có các đường phố buồn tẻ, manh mún. Mỗi sở, ban ngành chỉ có vài ba chục người cũng phải xây dựng theo sở thích của các “ông chủ”, gây lãng phí, tốn kém và những “lao tâm khổ tứ” của các kiến trúc sư quy hoạch phải chia ra cho bốn, năm ông chủ: giao thông làm đường; điện lực làm điện; công ty thị chính trồng cây xanh, làm cống thoát nước; bưu điện làm điện thoại; công ty cấp nước làm đường ống cấp nước… Mỗi người được ngành mình cấp kinh phí ở từng thời điểm khác nhau, thế là ngành nào xây dựng xong, ngành khác lại tới đào bới, và cứ thế đường phố lúc nào cũng ngổn ngang, bẩn thỉu. Nhà dân cũng vậy, chia đất cho các “ông chủ” rồi ai muốn làm gì cũng được.
Theo ông, quy hoạch tổng thể nên theo hướng “Xây rồi mới chia”, có như vậy mới mong có được những đô thị đẹp, những đường phố khang trang, bộ mặt kiến trúc nước nhà mới được thay đổi.

… đến những ý tưởng độc đáo

KTS Nguyễn Thế Khải là người đi đầu trong việc đưa ra các ý tưởng khai thác bản sắc văn hóa và truyền thống Việt Nam vào các đồ án quy hoạch xây dựng. Trong nhiều năm vừa nghiên cứu vừa thực hành, ông đã tìm được những nét độc đáo của từng địa phương, tạo được cái hồn cho mỗi đồ án và được nhiều người hưởng ứng.

Không giống như trào lưu đang lên của các KTS ưa chuộng các đồ án kinh tế, KTS Nguyễn Thế Khải mở cho mình một lối đi riêng mặc dù ôn g biết con đường mình đi đầy chông gai, trở ngại. Chẳng dễ dàng gì khi xây dựng một đồ án vừa mang tính hiện đại, vừa thấm đẫm những dấu tích Hồn Việt cổ xưa và trên hết là mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng ông đã làm được điều đó. Một nhà báo đã viết về ông: “… những tích xưa đậm Hồn Việt đã thấm đẫm vào mỗi đồ án quy hoạch của ông, tạo nên những nét mảnh mai nhưng trĩu nặng bao suy tư và khát vọng của một đời người”. Quả thật, để có được một đồ án xây dựng có giá trị, KTS Nguyễn Thế Khải đã phải lặn lội đến những vùng đất xa xôi để tìm ra những điều mà ngay cả trong sử sách có khi cũng chẳng có. Ông ghi chép tất cả những gì được nghe kể lại từ những người già. Ông còn mày mò dịch bia, tìm chữ để hiểu cặn kẽ ý nghĩa của từng chữ, từng từ, hiểu thấu đáo cách dùng chữ của người xưa để rồi từ đó lại trăn trở, lại suy tư rồi cho ra những đồ án để đời. Ông đã từng nói: “Mỗi vùng đất, mỗi cái tên đều có một ý nghĩa riêng, một cái hồn của nó. Mình không hiểu thì làm sao đặt bút mà vẽ được. Sản phẩm của mình làm ra phải đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực, phải tượng trưng cho văn hóa mỗi vùng đất. Có như vậy, người dân mới trọng quy hoạch, mới cảm nhận được và yêu quý, gìn giữ những gì cha ông để lại”.

Ông đưa ra ý tưởng: Đến mỗi vùng đất Việt Nam phải hiểu được lịch sử văn hóa của vùng đó thông qua các công trình quy hoạch kiến trúc xây dựng. Đến Việt Trì phải hiểu được nhà nước Văn Lang của thời đại các vua Hùng. Đến Ninh Bình phải biết được nhà nước Đại Cồ Việt và thời đại Đinh – Tiền Lê. Đến Bắc Ninh phải hiểu được thời Lý. Đến Thái Bình phải hiểu được công cuộc xây dựng nghiệp nhà Trần. Đến Thanh Hóa phải hiểu được triều Hậu Lê và khởi nghĩa Nam Sơn. Đến Bình Định phải biết được cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Đến Nghệ An phải hiểu được hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến Hưng Yên phải hiểu được khởi nghĩa Bãi Sậy và đô thị cổ Phố Hiến.

Với những ý tưởng trên, trong thời gian qua KTS Nguyễn Thế Khải đã thành công trong việc đề xuất và quy hoạch thiết kế các công trình mang tính thời đại như: Khu DTLS Đền Hùng và Công viên Văn Lang (Phú Thọ); Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng tỉnh Thanh Hóa với những nét đặc trưng của vùng Núi Rồng Sông Mã nơi có biết bao kỳ tích sống động trong dân gian; Khu du lịch Núi Quyết Bến Thủy (thành phố Vinh – Nghệ An). Quy hoạch DTLS Kim Liên gắn liền với phát triển du lịch Nam Đàn; Đài tưởng niệm các liệt sĩ huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên; Danh thắng Ngàn Nưa (Thanh Hóa) linh thiêng nơi Bà Triệu rèn quân khởi nghĩa chống giặc Ngô và biết bao tao nhân mặc khách của bao thế hệ đến kiếm tìm những áng văn thơ được khôi phục và lập quy hoạch; Xóm Rền, một di chỉ khảo cổ thuộc huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ sẽ được xây dựng thành bảo tàng tại chỗ với những chi cốt của người xưa cách đây khoảng 3.500 năm với nhiều đồ đá và gốm tinh xảo; Dự án Tây Thiên dưới chân Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mang ý tưởng “Đến với Phật, về với Mẫu”; Quy hoạch du lịch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình, khôi phục và phát triển du lịch sinh thái văn hóa tại các vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thung, Mường Động; Quy hoạch du lịch huyện Hưng Hà Thái Bình sẽ làm vùng đất Sơn Nam Hạ xưa thay đổi bởi đất địa linh nhân kiệt...

Mỗi một quy hoạch, một công trình ông đều hướng đến tính khả thi và phát triển để nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân, tạo được niềm tin cho khách hàng và đối tác.

Trần Anh
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.229
Tổng truy cập: