KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Phố cổ Hà Nội: Dáng xưa đã mất nhưng hồn phố vẫn còn
(Ngày đăng: 18/11/2016   Lượt xem: 1165)

Trong tháng 11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã phối hợp với Ban Quản lý phố cổ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội – khó khăn và giải pháp”. Song, như nhiều cuộc tranh luận khác trước đó, cái đích cuối cùng là tìm giải pháp làm sao quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội trong thời đại mới vẫn luôn là bài toán khó.
Theo thống kê, khu phố cổ Hà Nội hiện là nơi có mật độ dân cư cao nhất Thành phố. Mật độ dân số tĩnh là 800 - 1.200 người/ha, diện tích sử dụng đất trên đầu người trung bình là 4 - 6m², thậm chí có phường chỉ đạt 2m²/người, đó là chưa tính đến mật độ cư trú của một lượng dân cư lao động, buôn bán, hàng rong, khách du lịch… Trên thực tế, còn quá nhiều khó khan, mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ.

Ths. Trần Thị Thúy Lan - Phó Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho rằng, dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động từ các nơi khác cũng đổ về để kiếm sống, thậm chí chỉ đơn giản bằng các nghề phục vụ, lao động phổ thông… Trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán đã có nhiều thay đổi. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập…

Phố cổ Hà Nội: Dáng xưa đã mất nhưng hồn phố vẫn còn - ảnh 1
Phố cổ Hà Nội giờ đã đổi khác, nhưng vẫn luôn là điểm du lịch hấp dẫn với khách quốc tế 

Đi một vòng qua 36 phố phường sẽ thấy một điều thay đổi rõ rệt, ấy là tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Người ta rủ nhau mở shop thời trang, kinh doanh dịch vụ du lịch, bán vé mábayay cho khách nước ngoài… Phong tục tập quán dưới tác động của cơ chế thị trường đã có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng dần bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế thị trường.

TS.KTS Ngô Doãn Đức - Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa quan điểm, thực tế, phố cổ Hà Nội đang ngày một nhiều thêm công trình thương mại xây cất mới có quy mô và hình thức kiến trúc làm hỏng không gian (như một số khách sạn mới xây ở phố Gia Ngư, Hàng Bè, Hàng Gai gần đây). Trong khu vực bảo tồn cấp 1 thì mật độ quá cao, đang dần ken cứng theo xu thế đặc dần, rất thiếu những khoảng nhả, khoảng rỗng cần thiết. Không gian dành cho các hoạt động văn hóa cả ngoài trời và trong nhà vừa thiếu vừa nhỏ hẹp. Những địa điểm dành cho hoạt động văn hóa bị lấn chiếm; cơ sở hạ tầng nhếch nhác, tạm bợ; giao thông đi bộ và cơ giới đang lộn xộn, chắp vá nên bất cập cho mọi hoạt động trong khu phố cổ.

Bóng dáng những làng nghề truyền thống, kiến trúc truyền thống dần bị mất đi, thay vào đó là các công trình kiến trúc mới, nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép với hình thức và quy mô không phù hợp với kiến trúc của khu phố cổ. Khu phố cổ Hà Nội hiện còn 121 di tích lịch sử - văn hóa gồm 51 đình, 25 đền miếu, việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ Hà Nội chưa bao giờ là công việc dễ dàng.

Tạo lập những giá trị hợp với cuộc sống hiện đại

Nhiều năm qua, để khắc phục những bất cập giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị khu phố cổ, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc phố cổ Hà Nội, trong đó có việc huy động vốn tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Để phố cổ “sống dậy”, trong 1-2 năm gần đây, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã ý thức tổ chức nhiều lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm như lễ hội ngày kim hoàn, Lễ hội trung thu phố cổ;…Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm, trưng bày giới thiệu về văn hóa phi vật thể, giới thiệu âm nhạc truyền thống như: Ca trù, hát xẩm, hát trống quân, hát văn… Đó là từng bước đưa giá trị phi vật thể vào cuộc sống hiện đại, để người dân Thủ đô hiểu hơn, yêu hơn khu phố cổ, từ đó chung tay giữ gìn một không gian văn hóa giàu bản sắc giữa lòng Hà Nội.

Nhưng thế chưa đủ. Theo TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, bảo tồn văn hóa truyền thống của Khu phố cổ cần tập trung vào 4 giá trị, đó là: nghề thủ công – phố nghề, nhà di sản tổ nghề; sinh hoạt tín ngưỡng - lễ hội truyền thống; giá trị ẩm thực và cuối cùng là nếp sống thanh lịch, văn minh. Nó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo chính quyền mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đang sinh sống trong khu phố cổ. Nhà nước, thành phố, quận Hoàn Kiếm cần có chính sách cụ thể, thiết thực đối với nhân dân khu phố cổ, tạo điều kiện để người  - dân - tự - nguyện cùng chính quyền tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội một cách nhiệt tình, trách nhiệm và nhiều sáng kiến.

KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định, dù kiến trúc phố cổ đã có sự thay đổi, nhưng hồn phố vẫn còn, phải khai thác và vun đắp những giá trị văn hóa mới trong cuộc sống đương đại. Hà Nội cần thực sự quyết tâm không nhân nhượng với những vi phạm, nhất là chiều cao của các ngôi nhà mặt phố; không cho xây dựng những công trình quy mô lớn. Trên các con phố kinh doanh, nên hạn chế những mặt hàng thông thường, ưu tiên và thu hút những mặt hàng dân gian, đồ cổ, ký họa chân dung, các món ăn dân giã…

Hà Nội cần một nghiên cứu nghiêm túc về chợ dân sinh, liên quan với chợ cóc, hàng rong, hàng vỉa hè; chọn lọc và hoàn thiện những tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ. Song song với việc làm quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng cần chỉnh trang các tuyến phố một cách đồng bộ hơn về kiến trúc, màu sắc, vật liệu xây dựng cho đến biển quảng cáo, biển số nhà..., từ đó lựa chọn một số nhóm nhà tiêu biểu tái tạo hình ảnh “mái ngói thâm nâu” để khách du lịch hình dung rõ hơn về nét đẹp truyền thống của phố cổ.

                                                                                  Theo: ngaynay.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.469.741
Tổng truy cập: