KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Kiến trúc cổ của Việt Nam giống Trung Hoa ư?
(Ngày đăng: 29/05/2014   Lượt xem: 460)
Nhiều người cho rằng kiến trúc cổ của Việt Nam mình chẳng khác mấy kiến trúc cổ của Tàu. Tôi thời trẻ từng sống ở Bắc Kinh 7 năm và sau này ở Việt Nam có nhiều lần trở lại Huế. Tôi tự trả lời ngay: Nói bậy! Không, kiến trúc cổ của cha ông chúng ta khác xa kiến trúc cổ Trung Hoa!
Hãy nhìn vào Thiên An Môn mà xem, một khối đặc khổng lồ án ngữ ngay trước  ta, khiến ta cảm giác có một sự ngăn cách lớn lao mà ta không thể nào bước qua được. 
Còn cửa Ngọ Môn ở Huế thì chỉ như một ngôi nhà lớn có tầng lầu thoáng mát, như đang chào đón chúng ta bước vào. Vào trong nội điện ư, kiến trúc cũng bố cục theo thuật phong thủy, theo thuyết âm dương ngũ hành của người phương Đông. Cũng chính Bắc, chính Nam, chính Đông, chính Tây, cũng bệ rồng bậc đá, cũng Hoàng thành rồi Cấm cung và cũng những cái vạc rất lớn.
Nhưng hãy vào cố cung của Bắc Kinh mà xem, toàn những ngôi nhà đồ sộ, toàn những dãy nhà tầng tầng lớp lớp mái ngói chen sát vào nhau và những cái sân rộng mênh mông lát đá khô cứng, chỉ một vài bóng cây lơ thơ và dường như con người dù có hàng ngàn người đi nữa vẫn cứ thật là nhỏ bé trong cái thế giới mênh mông này.

Đúng rồi, các vua chúa Trung Quốc coi mình là đấng thiên tử, trên là trời và dưới chỉ có họ mà thôi, cho nên họ phải tạo ra cái sự bề thế uy nghi như vậy. Họ quan niệm cung điện của họ phải là như một bản sao của thiên cung. Mà ở trên thiên cung thì con người và cây cối nếu có cũng chỉ là những sinh vật li ti mà thôi.

Còn ở cung điện Huế thì khác hẳn. Cung điện dù bên trong có dát vàng dát ngọc thì bên ngoài cũng chỉ như là những ngôi nhà rất bình dị, chen vai thích cánh cùng với những con người và cỏ cây hoa lá. 
Những ngôi nhà với đường ngang nét dọc rất gọn gàng giản dị, những hàng cột hiên cũng chẳng to dày gì như bên Trung Quốc, thậm chí còn thấy rất thanh mảnh nhẹ nhàng. Tôi lại càng suy nghĩ hơn khi thấy những đuôi mái chỉ có những mô típ trang trí nhô cao chứ không phải cong vút lên như những mái đình mái chùa ngoài miền Bắc. Và tôi hiểu đây là một sự sáng tạo rất thông minh của những người làm kiến trúc thời ấy. Mái tuy giản đơn thế nhưng vẫn có hiệu quả là để cho ta thấy dường như những đuôi mái vẫn đang bay vút lên, nhẹ nhàng thanh thản.

Phía sau cung điện Bắc Kinh có vườn Thượng Uyển, quả thật là rất đẹp, rất tinh tế và cũng rất triết lý nữa. Người Trung Hoa có cái thâm sâu bí hiểm của họ ít dân tộc nào sánh kịp. Đúng là chốn của các đế vương và con cháu dòng tộc của họ thưởng ngoạn, người ngoài đố ai có thể bén mảng đến đây. 
Năm 1946, có một hồi gia đình tôi sống trên lăng Tự Đức. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nó chẳng khác gì sống trong những ngôi nhà bình thường. Và điều tuyệt vời hơn nữa là những ngôi nhà ấy như gắn giữa rừng thông, giữa hồ nước. Thiên nhiên với kiến trúc và con người và cả vua chúa nữa đã hòa quyện bên nhau một cách rất tự nhiên. 
Còn phía sau cung điện Huế là hồ Tịnh Tâm với hoa sen nở đầy, ngát mùi hương quyến rũ đối với cả người dân rất bình thường. Bởi vì nó đâu có nằm trong phạm vi của hoàng thành. Vua đến đây, dân cũng có thể đến đây - tịnh tâm. Cái khoảng cách giữa hoàng cung với thế giới bên ngoài dường như cũng không xa xôi gì mấy.
Hồi nhỏ tôi sống ở Huế, thỉnh thoảng cha tôi - nhà thơ Lưu Trọng Lư nói với tôi: Cha ra hồ Tịnh Tâm. Sau này khi là một kiến trúc sư rồi tôi mới nhận ra cái khác của Việt Nam, cái hồ Tịnh tâm của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử còn dành cho những nhà thơ ra đấy để lấy cảm hứng làm thơ nữa. Cái khác đó chính là tính nhân văn.

Tôi nhớ có một lần nhà văn Hoài Thanh ngồi nói chuyện với cha tôi ở Văn Miếu, Hà Nội, tôi chỉ nghe thoáng qua một câu của ông Hoài Thanh: "Lư ạ, tính nhân văn của Việt Nam mình cao hơn thiên hạ một cái đầu". Một câu nói rất đỗi tự hào Việt Nam.

                 Vua Tự Đức coi lăng tẩm cũng chỉ là nơi mình tiếp tục sống khi đã chết mà thôi.

Tính nhân văn, chất thơ của kiến trúc còn được thể hiện rất rõ nét qua các lăng vua ở Huế. Vua Tự Đức tự làm cái lăng cho mình, nó rất khác với lăng tẩm bên Trung Quốc là chốn vĩnh cửu của một hoàng đế. Bởi Tự Đức coi lăng tẩm cũng chỉ là nơi mình tiếp tục sống sau khi đã chết mà thôi. 
Vì thế nơi đây có nhà nghỉ ngơi, nhà đọc sách, chỗ câu cá, chỗ vịnh thơ và cả chỗ xem hát tuồng nữa.... Giữa sự sống và cái chết dường như không có khoảng cách gì xa xôi lắm. Cho nên khi vào lăng Tự Đức ta thấy như vào một nơi rất bình yên, rất thanh thản của những con người đang sống.

Năm 1946 có một hồi gia đình tôi sống trên lăng Tự Đức. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nó chẳng khác gì sống trong những ngôi nhà bình thường. Và điều tuyệt vời hơn nữa là những ngôi nhà ấy như gắn giữa rừng thông, giữa hồ nước. Thiên nhiên với kiến trúc và con người và cả vua chúa nữa đã hòa quyện bên nhau một cách rất tự nhiên. Điều đó ta không hề nhìn thấy nơi lăng Nhà Minh ở Bắc Kinh, nhưng ta lại thấy ở điện Hòn Chén, ở chùa Tây phương, chùa Thầy, chùa Trăm gian, chùa Vô Vi… của làng quê miền Bắc. Kiến trúc như treo lơ lửng giữa thiên nhiên.

Sử sách ghi lại sau khi lên ngôi được 7 năm thì vua Minh Mạng đã bỏ công đi tìm địa điểm xây dựng lăng cho mình. Lăng nằm ở chỗ hợp nguồn của sông Hương, một vị trí kết hợp thật tuyệt vời giữa kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên.
Tuy lăng Minh Mạng cũng chẳng phải đồ sộ gì cho lắm (so với những lăng tẩm bên Trung Quốc), nhưng vẫn tạo ra được sự hoành tráng và có sự hài hòa gắn bó với khung cảnh thiên nhiên. Con người - kiến trúc - thiên nhiên là một thể thống nhất. Tôi cho đó là một triết lý rất Việt Nam.

                                      Lăng Khải Định được bài trí giống lăng nhà Minh.

Tôi không thích lăng Khải Định, chẳng phải vì không ưa ông vua này mà vì lăng của ông xây trên một ngọn đồi dốc ngược và trơ trụi. Hai hàng quan lính hai bên cũng gần giống như hai hàng voi ngựa... ở lăng nhà Minh. Nhiều người ca ngợi kiểu trang trí này, coi đó như là một sự hòa trộn khéo léo giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây. 
Ta thấy những đình chùa ở miền Bắc đâu có sơn son thiếp vàng gì nhiều mà chỉ là những tượng điêu khắc thô mộc giản dị, nhưng rất tinh tế. Tính cách Việt Nam là thế, đâu có sự pha trộn đủ màu đủ sắc, đủ kiểu đường nét, đủ thứ vật liệu khác nhau.
Phu Văn lâu nơi thi sĩ Ưng Bình Thúc Dạ Thị viết nên câu ca Huế tuyệt diệu: “Phu Văn lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm / Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong / Thuyền ai thấp thoáng bên sông / Đưa câu mái đẩy trạnh lòng nước non” chỉ là một chỗ vọng cảnh, nhỏ nhắn xinh xắn và ta thấy nó như một chiếc nhẫn đeo trên ngón tay dòng sông Hương.
Nói đến Phu Văn lâu tôi lại nghĩ đến Khuê Văn Các ở Quốc tử giám, đến Chùa Một cột cũng rất nhỏ nhắn, rất giản dị và đẹp tuyệt vời từ đường nét cho đến tỉ lệ hình khối.
Có người nghĩ rằng chỉ vì ta không thể làm được cái gì to lớn nên chỉ có thể làm nho nhỏ thế thôi. Đúng là kỹ thuật của ta không phát triển bằng họ và cũng vì ta nghèo hơn họ. Nhưng ta biết từ trong cái “thế” đó tìm ra sự hoàn hảo nhất.
Cái “thế” của kiến trúc cổ Việt Nam không chỉ từ bản thân công trình kiến trúc đa phần thanh thoát mà trước hết từ sự hài hòa của trời đất, của thiên nhiên. Tạo nên vẻ đẹp và sự khác biệt so với cái gọi là đồ sộ, cầu kỳ, khoa trương của phần nhiều kiến trúc các bậc vua chúa Trung Hoa. 

                                                                                              Theo: Một thế giới
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.287
Tổng truy cập: