KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Các loại hình di tích kiến trúc truyền thống qua các thời kỳ
(Ngày đăng: 21/05/2014   Lượt xem: 575)

Kiến trúc cổ truyền của dân tộc Việt, với nét đẹp quyến rũ và chiều sâu lịch sử luôn luôn khiến cho khách thập phương có những cảm xúc đặc biệt. Ở đó, ta bỗng như được khơi dậy từ cõi sâu tâm trí những xúc cảm về nguồn cội, sự lay động của tâm linh và lòng tôn kính đối với những thế hệ đi trước của dân tộc mình.


Trong lĩnh vực kiến trúc cổ truyền Việt có thể có nhiều loại hình khác nhau, về dấu vết xưa nhất, chúng ta chỉ tìm được một số thành quách như thành Cổ Loa (Hà Nội), thành Hoa Lư (Ninh Bình),…Tuy nhiên kiến trúc này đã có chuyên đề nghiên cứu riêng nên chúng tôi tạm bỏ qua dạng kiến trúc thành lũy. Như vậy dạng kiến trúc thực sự được quan tâm nhất, lại là những công trình từ thời Lý về sau.

Vào thời Lý đã có nhiều loại hình kiến trúc khác nhau như: chùa, văn miếu, một số đền, đình, cung điện to nhỏ…, nhưng rõ ràng dấu vết kiến trúc quán, đình…đều chưa tìm được một chút gì thuộc nghệ thuật đương thời để chúng ta có thể tiếp cận cụ thể. Văn Miếu- Quốc Tử Giám hay cung điện ở Thăng Long và một phần cung điện ở Hoa Lư đều chưa có cơ sở để xác định rõ ràng. Vì thế, những công trình khởi dựng chưa quá xa, những kiến trúc càng ít tuổi càng có điều kiện tồn tại. Đặc biệt ở thời này vẫn chưa thấy sử dụng chữ “tự” cho các chùa, mà mới chỉ gọi là đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Tạm thời hiện nay mới chỉ có đại danh lam là có thể xác nhận.

Dạng Đại danh lam: Tạm có thể xếp các chùa của triều đình bao gồm của vua, hoàng hậu và có thể của cả đại quan vào loại này. Những chùa của vua ở địa phương phần nhiều thường kiêm tư cách hành cung, chủ yếu ở trên đồi, mà nay mới chỉ xác nhận được cụ thể đó là các chùa: Phật Tích (Bắc Ninh), Long Đọi (Hà Nam), Chương Sơn (Nam Định)... Như vậy hiện nay chỉ có một loại hình kiến trúc là chùa của thời Lý là còn để lại dấu vết, nhưng việc nghiên cứu về chúng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

 Bệ tượng đá thời Lý, chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh).

Vào thời Trần, dấu vết các loại hình di tích đã tìm được nhiều hơn. Thời này hầu như không còn dạng chùa kiêm hành cung nữa. Tuy nhiên vẫn có những ngôi chùa của triều đình như chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Khoảng cuối thế kỷ 14, người đương thời đã để lại cho chúng ta rất nhiều chùa của làng mà một điểm tập trung là những ngôi chùa nằm ven sông Đáy với những nhang án đá hình hộp có đài sen, ghi niên đại cụ thể, đó là những chứng cứ không thể chối cãi. Ngoài loại hình chùa, hệ thống lăng mộ ở Yên Sinh (Quảng Ninh), Thâm Động (Thái Bình) còn để lại cho chúng ta những mặt bằng kiến trúc khá rõ rệt và gần đây ngành khảo cổ học đã tìm được một ngôi đền gạch hoa của kiến trúc, kể cả hệ thống dẫn nước liên quan mà trong đó một điển hình là ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương). Như vậy ở thời Trần đã để lại tới nay dấu vết của chùa, lăng mộ, đền. Các loại hình thái khác hầu như chưa tìm được dấu vết. Hiện tượng về cung điện của thời Trần cũng mang tình trạng như thời Lý.

 Cổng đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương).

Vào thời Hồ, điển hình chỉ có thể xác nhận được ngôi thành đá khá lớn ở Vĩnh Lộc – Thanh Hóa (1400 – 1407).

 Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc- Thanh Hóa).

Thời Lê Sơ – thế kỷ 15, chỉ có một số chùa liên quan được xác nhận qua bia ký như chùa Kim Liên (Hà Nội), Chùa Thầy, Chùa Cao,…(Hà Tây). Còn lại, ta chỉ xác nhận được chủ yếu qua nghệ thuật, chứ không có những niên đại cụ thể ghi trên hiện vật. Ở thời Lê Sơ lăng mộ của vua và hoàng hậu cũng đã được xác nhận một cách rõ nét. Lần đầu tiên đã tìm được một cách cụ thể nền của cung điện như điện Kính Thiên (Hà Nội), đặc biệt là điện Lam Kinh (Thanh Hóa) với một nền rộng lớn còn khá đầy đủ dấu vết của các hạng mục kiến trúc. Đặc biệt nếu ở thời Lý, Trần là chế độ quân chủ chuyên chế Phật giáo thì thời Lê Sơ là mốc chính để chuyển sang chế độ quân chủ chuyên chế Nho giáo. Sự quản lý của triều đình chặt chẽ hơn, trực tiếp hơn với nông thôn. Và, một biểu hiện về uy lực của chính quyền trung ương đối với xã thôn là sự xuất hiện một tòa nhà lớn mang tính chất trụ sở chính quyền – nơi ban bố chính lệnh của triều đình, có thể coi đó là một hình thức manh nha của ngôi đình làng Việt.

Tam quan Chùa Kim Liên (Tây Hồ, Hà Nội).

Vào thế kỷ 16, những loại hình kiến trúc của thời gian trước vẫn được tồn tại, đặc biệt là chùa làng. Ở thời kỳ này ngoài chùa, đền,…ta còn xác nhận được sự ổn định của đình làng dưới tư cách là một thực thể văn hóa của làng xã, như đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng (Hà Tây), đình Thổ Hà, đình Lỗ Hạnh (đều ở Bắc Giang). Ngoài những kiến trúc đó chúng ta còn gặp những di tích bán cung đình như ở An Trai – Nhân Trai (Hải Phòng) và đặc biệt hiện tượng gắn với thương mại đã nảy sinh một số chùa Quan Âm. Lịch sử cho thấy những cầu ngói cũng được hình thành. Tuy nhiên chùa Quan Âm chỉ còn tượng, nhưng cầu ngói thì không còn dấu vết nào. Mặt khác dấu di tích quán Đạo Lão với kiến trúc lớn cũng đã nảy sinh, có bia ký ghi lại rõ ràng về các sự kiện này.

 Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội).

Vào thế kỷ 17, những loại hình kiến trúc như của thời Mạc đều còn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, nền kinh tế tư nhân cũng có điều kiện phát triển, đã đóng góp vào di sản văn hóa của dân tộc những lăng mộ quận công có niên đại sớm và khá lớn như lăng mộ quận Đăng, lăng Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), lăng Vũ Hồng Lượng (Ân Thi, Hưng Yên), lăng họ Tài (Hoài Đức, Hà Tây)… Sự phát triển kinh tế tư nhân ngày càng mạnh cũng góp phần phát triển một số hình thức kiến trúc tín ngưỡng ở nông thôn. Người ta chú ý quan tâm đến dòng họ, khiến cho khoảng nửa cuối thế kỷ này nhiều nhà thờ họ ra đời như ở Hà Tây, Bắc Ninh. Đặc biệt ở thế kỷ 17 này, nhiều ngôi chùa kiểu trăm gian được hình thành và đình làng cũng đạt đến giá trị cao của nghệ thuật.

Các tượng đá lăng Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Sang thế kỷ 18, là giai đoạn phát triển cao hơn một bước của kinh tế tư nhân, cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều lăng mộ quận công. Ở thời kỳ này ngoài những ngôi đền thông thường người ta đã bắt đầu tìm thấy những kiến trúc và dấu vết của những ngôi Đền- Điện thờ Mẫu như đền Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ). Tất nhiên những điện thờ Mẫu và thần linh dân dã luôn được người đời quan tâm nên luôn được tu sửa, làm mới để gây công quả, vì vậy khó có thể tìm được điện Mẫu đầy đủ có niên đại từ thế kye 18 trở về trước.

Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Ở thế kỷ 19, triều đình cũng sắc cho các tỉnh dựng Văn miếu và các địa phương dựng đình. Vì vậy hai loại này như được phục hồi, đồng thời mọi kiến trúc khác cũng được duy trì, nhất là những Đền - Điện dân gian. Song, vượt qua giai đoạn đầu thời Nguyễn, khoảng từ đời Tự Đức trở đi vai trò chủ nhân của những tín ngưỡng đã có phần thay đổi, khiến rất hiếm có những công trình to lớn với sự gia công kỹ càng, mà chủ yếu là bào trơn, đóng bén, “ăn chắc mặc bền”. Nghệ thuật chạm khắc trang trí như bị rơi vào thế khủng hoảng dẫn đến nét thoáng tàn phai.

Nhìn chung về bước đi của các loại hình kiến trúc, người ta có thể cảm giác như số lượng thần linh liên quan đến các di tích có vẻ như ngày một nhiều, từ chỗ ít thần đi đến chỗ đa thần. Tuy nhiên, dù ờ thời nào đi chăng nữa thì các công trình kiến trúc truyền thống của chúng ta đều hướng về sự linh thiêng, là nơi ghi dấu biết bao giá trị văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, trùng tu và bảo tồn các công trình kiến trúc truyền thống đó cũng góp phần giữ gìn và làm đẹp thêm nền văn hóa vốn đã tồn tại từ bao đời nay.

                                                                                                                      Theo: Bảo tàng lịch sử

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.500.442
Tổng truy cập: