KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Kiến trúc những ngôi chùa cổ trong lòng Hà Nội
(Ngày đăng: 20/05/2014   Lượt xem: 1431)

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội.

Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa cổ trên đất nước Việt Nam, kiến trúc chùa Trấn Quốc gồm nhiều lớp, có nhà bái đường, nhiều tượng Phật được sơn son thếp vàng. Chùa được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc”, tiền đường nhìn về phía tây. Gác chuông chùa là một nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục chính. Phía sau tiền đường là nhà Tam bảo. 

Chùa Trấn Quốc (Ảnh: Nguyen Minh Son)

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Trấn Quốc còn có bảo tháp Lục độ đài sen được xây dựng trong 5 năm. Bảo tháp gồm 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 mét vuông. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Tổng số tượng của tháp có 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quý (còn được gọi là Cửu phẩm liên hoa). Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề. 

Chùa Một Cột

Cùng với Khuê Văn Các, Chùa Một Cột là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Chùa có kết cấu hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Trụ đá gồm hai khối gắn liền với nhau, đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Lối đi lên chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch. Phần trên thân trụ gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ. Đây chính là nét kiến trúc vô cùng độc đáo của Chùa Một Cột.

Chùa Một Cột (Ảnh: Tuan Phan)

Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất.

Chùa Một Cột xây ở giữa hồ nước thả sen, mỗi cạnh hồ 20m, có tường thấp bao xung quanh. Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào, chùa mang đậm tính triết lí nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ.

Ngày 10/11/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỉ lục châu Á đã xác nhận Chùa Một Cột là "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.

Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Chùa thờ Phật và thờ vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không.

Chùa có quy mô kiến trúc lớn, tam quan kiểu 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông. 

Chùa Quán Sứ (Ảnh: KeithDM)

Qua tam quan đến một sân rộng lát gạch. Giữa sân xây tòa chính điện cao, hình vuông, có hành lang bao quanh. Hai bên và đằng sau là là dãy nhà dung làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Chùa Quán Sứ hiện nay là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Láng - Chiêu Thiền Tự

Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý.

Chùa Láng xây dựng trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. 

Chùa Láng (Ảnh: Nguyen Manh Thuy)

Đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn, tính ra vừa đủ 100 gian. Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa. Qua cổng là một sân gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan. Từ đây có con đường lát gạch dẫn đến cổng thứ ba. Qua cổng này ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh...

Chùa Cầu Đông – Đông Hoa Môn tự

Chùa có tên là “Đông Hoa Môn tự”. Hiện nay chùa nằm tại số 38 B phố Hàng Đường phường Hàng Đào, trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Chùa Cầu Đông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII). Trải qua nhiều lần tu sửa, chùa hiện giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ. Tam quan xây lầu cao làm gác chuông. Chùa chính hình chữ đinh, các mảng chạm hổ phù, rồng vờn mây, hoa lá mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.

Chùa có 60 pho tượng cổ, tiêu biểu nhất là các tượng Tuyết Sơn, Di Lạc và bộ Tam Thế là cổ vật rất quí. Chùa còn bốn tấm bia có các niên đại 1624, 1639, 1711, 1816. Bia 1624 có tên là Đông Môn tự ký (bài ký về chùa Đông Môn) do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp dựng.

Chùa Cầu Đông (Ảnh: Jorg Dickmann)

Ngoài ra, trong chùa còn cổ vật là quả chuông đồng đúc thời Tây Sơn năm 1800, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8.

Trong chùa bên trái hậu cung có thờ hai pho tượng Trần Thủ Độ và bà vợ. Như vậy, đây là nơi độc nhất ở Hà Nội có thờ vị khai quốc nhà Trần.

Chùa Ngũ Xã – Thần Quang Tự

Chùa Ngũ Xã có tên là Thần Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ XVIII thời hậu Lê (1428-1788). Ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ quốc sư Nguyễn Minh Không, tục truyền là tổ nghề đúc đồng. 

Chùa Ngũ Xã (Ảnh: Internet)

Kiến trúc của chùa có Tam quan, chùa chính gồm 5 gian và điện thờ. Giữa điện có pho tượng Phật A Di Đà cao 3,95m. Tượng có tư thế ngồi bằng với những hình khối đơn giản mà hài hòa , tượng được đúc liền một khối. Riêng phần tượng ngồi cao cao 3,95m, hai đầu gối cách nhau 3,60m, chu vi tượng 11,60m. Pho tượng nặng 10 tấn. Bệ của pho tượng ngồi là một tòa sen có 96 cánh, đúc hết 1600kg đồng. Đây là một pho tượng có giá trị mỹ thuật cao của nghề thủ công đúc đồng Ngũ xã .

Chùa Ngũ Xã là một trong số ba ngôi chùa ở Hà Nội được xây dựng lại trong thập kỷ 40 và 50 bằng vật liệu mới nhưng vẫn giữ phong cách chùa cổ điển Việt Nam (hai ngôi chùa kia là chùa Quán Sứ xây dựng lại vào năm 1942 và chùa Hưng Ký xây năm 1933).

Chùa Hòe Nhai – Hồng Phúc Tự

Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự, nay ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý, trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899 và 1952.

Phía trước là nhà chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. 

Chùa Hòe Nhai (Ảnh: Internet)

Trong chùa có 36 pho tượng, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca mới ra đời) và đặc sắc nhất là tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống.

Chùa Hòe Nhai là “chốn tổ” của phái Tào Động, một trong hai phái lớn của Thiền Tông ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1962, Thành Hội Phật giáo Hà Nội đã dựng tại đây tháp ấn Quang để kỷ niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tu tại chùa ấn Quang Sài Gòn đã tự thiêu ngày 11-6-1963, để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam.

Chùa Kim Liên

Chùa Kim Liên nay thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ.

Chùa có từ thế kỷ XVII nhưng diện mạo chùa như hiện nay là do lần trùng tu vào năm 1792 với bố cục theo kiểu chữ "tam", gồm ba nếp, mỗi nếp có hai tầng mái. Các đầu đao cong vút, mềm mại. 

Chùa Kim Liên (Ảnh: Dzung Viet Le)

Trong chùa có một pho tượng quý khiến giới sử học hết sức quan tâm đó là pho tượng có hình dạng như một người trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay cầm hốt, đầu lại đội mũ dành cho vua quan.

Ngoài pho tượng này, ở gian giữa chùa có bức hoành phi "Hoàng uẩn” (có nghĩa là: Đạo lý sâu sắc và rộng rãi) làm vào năm 1870. Còn hoành phi "Liên hoa hải hội" (có nghĩa là: Cảnh sum vầy vui đẹp nước Phật) thì mới được làm năm 1930.

Trong cuốn “Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995” do Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương xuất bản đã đánh giá chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.

Chùa Liên Phái

Ở giữa phố Bạch Mai nội thành Hà Nội, có một cái ngõ tên là ngõ Chùa Liên Phái. Đó chính là lối dẫn vào ngôi chùa Liên Phái cổ kính. Hai bên cổng là hai hồ rộng, ngay ở cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng hình lục lăng. Tiếp đến là nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa.

Qua sân rộng là nhà bái đường, sau đó là hậu cung. Một khoảnh sân trồng hoa ngăn cách hậu cung với nhà tổ. Trong chùa có 15 pho tượng. Điều khiến cho chùa Liên Phái được coi như một di tích lịch sử giá trị chính là khu vườn tháp phía sau chùa.

Chùa Liên Phái (Ảnh: Internet)

Tại đó, trên một gò đất cao có 9 ngôi tháp xây thành 3 hàng: hàng thứ nhất có hai ngôi, hàng giữa có năm ngôi và hàng sau hai ngôi. Hàng giữa chóan phần cao nhất có ngôi tháp Cứu Sinh bằng đá là nơi táng hài cốt vị sư tổ thứ nhất, đồng thời là người sáng lập ra chùa Liên Phái - Phò mã Trịnh Thập.

Ngôi chùa đã trên 250 năm tuổi. Đây là ngôi tháp cổ có lai lịch rõ ràng nhất, hiện ở khu vực nội thành Hà Nội.

Theo: Kiến trúc
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.499.452
Tổng truy cập: