KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Đình làng Tây Đằng: Kiến trúc cổ có một không hai
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 782)
Không chỉ có kiến trúc độc đáo mà đình làng Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) còn lưu giữ lại nhiều di vật đặc sắc. Với nét đẹp riêng có một không hai đó, đình làng Tây Đằng đã góp phần gìn giữ nét đẹp vốn cổ văn hóa truyền thống đồng thời tạo sức hấp dẫn du khách đến với khu di tích này.

Lễ hội truyền thống đình làng Tây Đằng

Tương truyền về di tích


Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, đình Tây Đằng đang mang một kiến trúc cổ có một không hai. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Tây Đằng thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh – Vị đệ nhất phúc thần của người Nam xưa.

Theo sử sách ghi lại, thần Tản Viên có tên là Nguyễn Tuấn, con của ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen, ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây (nay là huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Thần sinh vào thời vua Hùng thứ XVIII.

Tục truyền, thân phụ của thần là Nguyễn Cao Hành, khi ấy 70 tuổi, thân mẫu là Đinh Thị Đen, đã 50 tuổi, nhưng vẫn chưa có con. Ông bà vốn nhà tu nhân tích đức, làm nhiều điều thiện. Một hôm bà vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn, bà bỗng thấy rồng sa xuống giếng lấy nước. Sau khi rồng bay đi, bà thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng như lọc. Bà liền xuống tắm. Về nhà bà liền thụ thai. Qua 14 tháng trở dạ, bà sinh ra một đứa con trai khôi ngô, vạm vỡ, vóc dáng cao lớn khác thường. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha mất. Một năm sau, hai mẹ con đem nhau lên núi Tản Viên cư ngụ. Vài năm sau, thân mẫu của thần qua đời khi tuổi mới ngoài sáu mươi. Lúc này Thần được bà Ma Thị ở vùng này nhận làm con nuôi và hàng ngày đi kiếm củi.

Một hôm thần vào rừng cả ngày mới ngả được cây gỗ to, rắp tâm hôm sau phát cành chặt củi. Đến hôm sau lạ thay, cây lại xanh tươi như cũ. Thần lại hết sức ngã cây và nấp lại để xem sự thể. Nhờ đó thần gặp được Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên Tướng. Thần được Thiên Tướng trao cho linh trượng đầu sinh đầu tử, pháp lực vô biên và thần chú để cứu giúp sinh linh. Một lần thần cứu sống một con rắn đen bị kẻ chăn trâu đánh chết, nhờ đó đã được Long Vương tạ ơn quyển sách ước. Từ đó thần ước gì được nấy và diệu pháp càng cao. Thần đi khắp nơi cứu thế được nhiều người, diệt trừ thú dữ nên được thần linh và nhân dân khắp nơi kính phục gọi là Thần sư…

Cuối triều Hùng, Thục Vương mang quân xâm lược. Sơn Thánh đã chỉ huy quân dân cả nước đánh tan quân Thục, đẹm lại thái bình cho đất nước. Thắng trận trở về, Hùng Duệ Vương muốn truyền ngôi báu, nhưng Tản Viên hết lòng từ chối. Biết vận nhà Hùng đã hết, Tản Viên Thần đã khuyên Vua cha nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Sau đó, Duệ Vương đã cùng Thánh Tản và Ngọc Hoa bay về trời, vượt khỏi vòng sinh hóa. Cảm động đức của Thần, Thục An Dương Vương đã xây đền thờ Quốc tổ trên núi Nghĩa Linh và cho phép những vùng xung quanh chân núi Tản Viên được lập đình, miếu thờ tự mãi mãi Tản Viên Sơn Thánh.


Đình Tây Đằng có kiến trúc khá  độc đáo


Kiến trúc có một không hai

Theo các cụ cao niên, đình Tây Đằng thờ núi Tản Viên làm thành hoàng làng nên thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo dạng đình. Theo đó, đình là một di tích kiến trúc nghệ thuật quý hiếm của cả nước. Đình cũng là một di tích tiêu biểu vào bậc nhất của trung tâm đình làng nổi danh toàn quốc: “Chùa Bắc, đình Đoài”, nằm ở một khu đất đẹp giữa trung tâm làng Tây Đằng.

Đình Tây Đằng hiện còn giữ được các hạng mục : cổng vào, hồ bán nguyệt, cổng nghi môn, tả hữa mạc và tòa đại đình. Các hạng mục công trình này hòa quyện vào nhau trong một quy mô tổng thể. Phía trước đại đình, cách một khoảng sân rộng, bên ngoài cổng nghi môn là một hồ nước thả sen. Ở hai phía bên của hồ nước là hai lối vào đình. Hai lối vào được giới hạn bởi hai cột trụ biểu có tiết diện hình vuông. Đầu cột trụ ô lồng đèn vuông vức. Hai lối đi dẫn vào một khoảng sân hẹp phía trước cổng ghi môn.
Hai bên lối đi chính là 2 cột trụ biểu lớn cao. Trên đỉnh hai cột đắp đôi lân bằng vôi vữa chầu nhau với tư cách kiểm tra tinh thần du khách hành hương, vãng cảnh. Trên thân các cột trụ biểu đắp nổi các đôi câu đối ca ngợi phong cảnh khu di tích, ca ngợi đức Thánh Tản Viên.

Ông Phùng Quang Bằng, (81 tuổi), một cao niên trong ban hành lễ đình làng Tây Đằng cho biết: Kết cấu Đình là 3 gian, 2 dĩ, dàn hàng ngang bề thế, với bộ mái xòe rộng ra bốn phía và kéo dài xuống thấp, được xây dựng vào năm Canh Thân triều vua Nguyễn Tự Đức ( năm 1860).

Theo quan sát của phóng viên, gian giữa đại đình được làm cung cấm để thờ thành hoàng làng. Các gian bên để trống tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã. Cung cấm được làm ngay trong nửa sau gian giữa đại đình bằng hệ thống ván sàn cao 1m90 so với mặt nền. Hai mặt bên của cung cấm được bưng kín đố lụa, mặt trước mở 6 cánh cửa bức bàn. Khoảng sàn phía trước cung cấm được tạo bởi 2 cột nhỏ có xà ngang nối với hai cột cái đưa ra phía trước 1m20. Mặt nền hiện nay được lát gạch, đình còn đầy đủ hệ thống sàn gỗ theo kiểu long thuyền. Gian giữa để nền thấp là nơi bài trí các đồ thờ tự và là nơi hành lệ. Đặc biệt, nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc đình được thể hiện trên toàn bộ khung nhà. Đó là những bức chạm khắc của các con vật thiêng liêng như: Long, ly, quy, phượng và các cảnh sinh hoạt của con người, các cây hoa lá…. Bên cạnh đó, trên các tấm ván nong lá để giữa bộ vì nóc là cảnh người cưỡi rồng, người đánh hổ…. Các đầu kìm, đầu dư chạm lộng các con rồng, cá chép hóa rồng hay cưỡi tiên rồng… các trụ, đấu chạm cảnh võ sĩ, đấu vật, xiếc, hoa cúc, hoa sen cách điệu. Đặc biệt, là hàng tiên nữ trang trí dọc theo các xà đại quanh đình và các cảnh trang trí trên hàng ván bưng hết sức độc đáo.






Phát huy truyền thống lễ hội

Đình Tây Đằng trước đây đầy ắp các di vật quý giá, thể hiện tấm lòng thành kính của người dân nơi đây với Đức Thánh Tản Viên. Tuy nhiên, trải qua thời gian tồn tại, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều đồ thờ tự, tinh xảo cũng bị phá hủy, mai một. “Bây giờ Đình Tây Đằng chúng tôi còn gìn giữ nhiều di vật quý giá, đó là một sập thờ bằng gỗ sơn son; Một hương án hình hộp chữ nhật với các ô chạm lộng theo các đề tài hổ phù, tứ linh, hoa lá, sơn son thép vàng có niên đại tạo tác ở thế kỷ XVII; Một đô hạc gỗ thế kỷ XVII; Hai bức cửa võng gỗ chạm lộng, chạm bong, sơn son, thếp vàng; Một bức đại tự “Hiển Vu Tây Thổ”; 3 kiểu bát cống kiểu mui luyện uốn công, khóm kiểu chữ nhật; 3 cỗ long ngai thờ Tam vị Đức Thánh Tản, có cấu trúc tương tự như nhau…”- Các cụ cao niên cho biết.



Các cụ cao niên cho biết thêm, hiện nay di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng luôn được sự quan tâm bảo vệ giữ gìn của toàn thể nhân dân và chính quyền các cấp. “Với kiến trúc độc đáo của đình làng nên Bộ văn hóa đã có quyết định công nhận di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia năm 1964. Và chúng tôi cũng đang chuẩn bị đón nhận quyết định bằng di tích văn hóa quốc gia đặc biệt”- Ông Nguyễn Thế Thiêm, Chủ tịch mặt trận tổ quốc thị trấn Tây Đằng cho hay.

Hàng năm để gìn giữ bản sắc, nét văn hóa của làng, người dân tổ chức lễ hội truyền thống trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ ngày mồng 10/1. Ngoài ra, cứ 5 năm một lần chúng tôi mở hội rất lớn. “Trong những ngày lễ hội, chúng tôi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như hát hò, đá bóng, đấu vật, chơi cờ…. Và cứ đến mùa lễ hội người dân lại háo hức và rất vui mừng tham gia hội đình”- Cán bộ văn hóa thị trấn Tây Đằng cho hay.
                                                                                            Theo: giadinhvn.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.536
Tổng truy cập: