KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Nhà người Mông ở Hà Nội
(Ngày đăng: 17/07/2013   Lượt xem: 635)
Nhà người Mông là một trong 10 ngôi nhà của các dân tộc thiểu số Việt Nam dựng tại khu ngoài trời, Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam. Được dựng từ năm 1999, vừa qua, chính những người Mông ở xã Púng Luông, Mù Cang Chải, Yên Bái được mời về Bảo tàng để sửa chữa ngôi nhà của họ.

Ảnh: Duy Thông

Độc đáo nhà người Mông

Cũng như người Kinh, người Mông quan niệm, làm nhà là một việc hệ trọng trong đời, họ cẩn thận từ việc chọn ngày vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc cho hợp với tuổi của gia chủ. Tìm được cây gỗ, họ thắp 3 nén hương, tiếp đó cắm 3 tờ giấy bản vào gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà... Nhà người Mông ở Púng Luông thường là 3 gian được dựng trên nền đất, cột và khung nhà bằng gỗ, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Hai gian trái đặt cối xay ngô, giã gạo... Nhà hầu như không có cửa sổ, chỉ có 1 cửa chính và 1 cửa phụ dành cho phụ nữ. Điểm độc đáo của nhà người Mông là luôn có ngôi nhà phụ (thấp hơn) bên cạnh nhà chính dùng để dẫn nước, nơi sinh hoạt của người phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra còn có lò rèn, kèm theo chuồng ngựa phía trước nhà. Nhìn bên ngoài, mái nhà của người Mông rất thấp, không dốc như nhà rông của người Bana hay nhà trình tường của người Hà Nhì.

Do điều kiện sống khắc nghiệt, người Mông tại Púng Luông phải cư trú, lao động và sản xuất chủ yếu  trên  những  vùng  núi  có  độ  cao  trên  dưới 1.000m, những ngôi nhà mái thấp tránh gió sẽ là nơi cư trú lý tưởng cho những người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhà người Mông hiện nay đang có những biến đổi. Theo anh Lù A Chu, người bản Đề Chờ Chua, xã Púng Luông, cả bản có 70 hộ nhưng chỉ có 22 ngôi nhà kiểu truyền thống được giữ lại từ xưa, mặc dù đây được coi là “tài sản của cha ông để lại nhằm nhắc nhở thế hệ chúng tôi và con cháu sau này về nét văn hóa cư trú độc đáo của người Mông”.

Nhà người Mông được xây dựng mới đây có đôi chút khác biệt so với truyền thống, do gỗ pơmu ngày càng khan hiếm. Khung nhà vẫn giữ nguyên, mái chủ yếu lợp fibroximang, vẫn dùng cột gỗ, nhưng là cột vuông, kiểu cột chồng. Trong nhà không thể thiếu những vật dụng cũng đơn giản, thuần phác như bếp lò, bếp kiềng, cối giã gạo, thùng chứa nước, dao đi rừng... Tuy nhiên, bản làng giờ đã có điện nên các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ hơn, nếp sinh hoạt trong gia đình người Mông cũng giống người Kinh.

Nhà người Mông tại Hà Nội

Nhằm lưu giữ kiến trúc truyền thống của người Mông, Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam đã dựng nhà người Mông trong khuôn viên Bảo tàng tại Hà Nội. Theo Ts Vi Văn An, cán bộ nghiên cứu - sưu tầm của Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam, năm 1999, khi đi thực tế các tỉnh phía Bắc, Bảo tàng đã mua lại ngôi nhà được làm toàn bộ bằng gỗ pơmu của gia đình anh Thào Pháng Khày từ bản Đề Chờ Chua, đưa về dựng tại Bảo tàng và giữ lại toàn bộ những vật dụng kèm theo như: chiếc khèn, con dao đi rừng, cái lò rèn... Quá trình để dựng ngôi nhà truyền thống của người Mông tại Hà Nội khá phức tạp, do chính người Mông đo đạc về kích thước, ví dụ nếu là nhà 3 gian thì cần 4 xà, sau đó phải đào hố, yểm bùa, chôn cột... Chỉ tính riêng phần gỗ dùng lợp mái, sử dụng tới 600 - 700 tấm pơmu xẻ mỏng cho toàn bộ phần mái nhà chính, nhà lò rèn, nhà đúc lưỡi cày. Bảo tàng phải đặt trước với người làng ở Púng Luông để có các tấm gỗ loại này. Đến năm 2010, những người Mông đã lặn lội từ Mù Cang Chải xuống Hà Nội chỉ để nhìn lại ngôi nhà khi xưa cùng con dao vẫn còn nguyên vẹn họ mới chịu ra về.

Từ đó đến nay, ngôi nhà mới chỉ sửa chữa nhỏ vào năm 2005 và từ giữa tháng 6 đến nay, 7 người Mông ở xã Púng Luông lại được mời về Bảo tàng để sửa chữa ngôi nhà của họ, lần này sẽ tân trang tới 60 - 70%. Nếu được gìn giữ và chỉ đun nấu bình thường trong nhà thì khoảng 15 - 20 năm nữa, nhà mới phải sửa lại. Anh Thào Pháng Khày vui vẻ cho biết: “nhà của cha ông để lại, tôi đã trao cho Bảo tàng, chỉ mong sau này con cháu tôi cùng nhiều người khác, trong đó có cả khách nước ngoài cũng được xem và tìm hiểu về nó”. Anh Thào Pháng Khày kiến nghị Bảo tàng làm phim giới thiệu về ngôi nhà, cũng như cuộc sống của người Mông xưa và nay, chiếu tại nhà Mông để giới thiệu đến khách trong và ngoài nước.

                                                                                               Theo: Đại Đoàn Kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.494.778
Tổng truy cập: