TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Chọn Quốc phục: Chê áo dài thì hãy chọn cái khác đi!
(Ngày đăng: 02/04/2013   Lượt xem: 797)
"Tôi chỉ đưa ra yêu cầu: đẹp, chắt lọc được tinh hoa văn hóa dân tộc, phải phù hợp với cuộc sống đương đại, đạt đến đỉnh cao của văn minh, văn hóa của Việt Nam"... ThS Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ Thuật và Nhiếp Ảnh trả lời câu hỏi về tiêu chí chọn Lễ phục.
 
PV: - Sắp tới, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh sẽ tổ chức thi thiết kế Lễ phục Nhà nước nhằm lựa chọn trang phục đại diện cho văn hóa, đất nước VN. Xin bà cho biết, tiêu chí cho cuộc thi thiết kế lễ phục này? Ai sẽ chấm và chấm như thế nào, thưa bà?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: - Cho đến nay vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể. Chúng tôi không tự đặt ra được tiêu chí mà tổng hợp tất cả các ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà lịch sử, các nhà thiết kế mỹ thuật, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nhà nghiên cứu chuyên sâu khác. 
 
Nó cần phải có lớp lang, trình tự cho nên các tiêu chí, yêu cầu phải được đưa ra dựa trên ý kiến tổng hợp của hội thảo 3 miền. Bây giờ nói tiêu chí thì chưa phải lúc, Bộ Văn hóa cũng chỉ đưa ra yêu cầu.
 
Mục tiêu của việc tổ chức thi thiết kết là lựa một bộ trang phục đẹp để đại diện cho đất nước. Đó là sự chắt lọc những tinh hoa văn hóa của các thời kỳ và đến thời đại ngày nay chúng ta có một bộ trang phục như vậy.
 
Áo dài
                   Áo dài được nhiều người lựa chọn làm quốc phục

Về vấn đề chọn như thế nào, chúng tôi dự kiến sẽ có, thứ nhất là ban chỉ đạo (quan chức, lãnh đạo bộ, ban ngành liên quan), ban tư vấn gồm các nhà chuyên môn như GS Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền…. và nhiều nhà tư vấn khác đều có tiếng tăm và có nghiên cứu chuyên sâu, Ban Tổ chức là những người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo trực tiếp là Bộ Văn hóa.

Dự kiến, giữa tháng 5 tới chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi, hiện đang trong tiến trình hội thảo tập hợp tư liệu, đưa ra yêu cầu của Bộ Văn hóa trong hội thảo. 
 
PV: - Cùng với việc lựa chọn lễ phục, trước đó Bộ VHTTDL cũng tổ chức hội thảo để tìm ra Quốc phục cho nước nhà. Vậy Quốc phục và lễ phục khác nhau như thế nào, thưa bà?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: - Trước hết phải nói mục đích của bộ lễ phục là dành cho các buổi lễ trọng thể của Nhà nước, đây là một nhu cầu bức thiết và là nhu cầu có thực từ trong cuộc sống. 
 
Đất nước sau hội nhập đòi hỏi rất nhiều điều kiện để thích ứng. Ví dụ như Việt Nam từng tổ chức các cuộc họp cấp cao của quốc tế tại Việt Nam, mở đầu là ASEAN SUMIT 6, tiếp theo là ASEM 5, APEC..., vì thế đặt ra một nhu cầu Việt Nam cần có một bộ trang phục thể hiện cái riêng của Việt Nam, bản sắc của Việt Nam.
 
Năm 1998, Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao cũng đề xuất và may thử kiểu như bộ bantic như Indonesia, với chất liệu đũi may lên mặc thấy không đạt yêu cầu cho nên đã bỏ đi. Những năm sau cũng đặt ra vấn đề này, nhưng chủ yếu là do bên văn hóa ngoại giao, các nhà thiết kế đưa ra. Trong thực tế, rõ ràng nó còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của một bộ quốc phục.
 
Đứng trước tất cả các yêu cầu ấy, mục đích đề ra khi lựa chọn lễ phục trước hết là để cho tất cả các lễ trọng thể của Nhà nước. Đối tượng sử dụng trước hết là các nhà lãnh đạo Việt Nam tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế. Lễ phục không dành cho một lễ hội bình thường mà là lễ trọng ở tính trang nghiêm, trang trọng, văn minh. Nó phải phù hợp với xu hướng thời đại này, phải đáp ứng công năng của sử dụng, tiện lợi và tóm lại là phải đẹp.
 
Để lựa chọn được lễ phục là cả một quãng đường dài và vô cùng khó khăn mà như các nhà nghiên cứu có nói nếu như thấy đẹp thì dùng, còn chưa được vẫn phải tìm. Ít ra, nếu không được cũng sẽ có một bộ thiết kế đẹp cho xã hội. Chúng tôi bây giờ vẫn đang ở bước hội thảo, xin ý kiến, lắng nghe để tìm ra ý kiến chung nhất. 
 
Tất cả những thứ trước kia làm là chưa bài bản, chưa tạo được sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, lịch sử, lãnh đạo nên cần phải có một lộ trình đi mạch lạc như vậy thì tôi tin cũng có thể làm được. Trước hết chúng tôi muốn tìm trên diện hẹp, nhưng nếu lễ phục trở thành cái mà toàn dân mong muốn, hưởng ứng thì sẽ trở thành quốc phục.
 
PV: - Trước đó, Quốc phục được đưa ra trong hội thảo với yêu cầu ráo riết cần chọn, nhiều lần bàn và Bộ VH-TT&DL hạ quyết tâm: “Sẽ làm triệt để để tìm ra bộ quốc phục Việt Nam”. Nhưng thưa bà, tại sao cho đến nay vẫn loay hoay mãi chưa có kết quả? Phải chăng, đó là nguyên nhân của sự vô trách nhiệm như một số ý kiến đã nêu?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: - Tôi lấy ví dụ, trước kia áo dài chưa trở thành biểu tượng riêng cho phụ nữ Việt Nam bây giờ. Mọi người dùng, mọi người thấy đẹp và hưởng ứng thì nó trở thành biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. 
 
Bây giờ cái khó là tìm cho nam giới, cái việc chúng tôi đang làm cũng vậy cũng là làm thế nào để cho khi nam giới mặc đẹp và được nhiều người hưởng ứng thì sẽ trở thành biểu tượng của nam giới. Đơn giản vậy thôi.
 
Theo tôi, ý kiến vô trách nhiệm là chưa xác đáng. Bởi vì họ không làm. Khi làm mới hiểu thế nào là trách nhiệm, thế nào là vô trách nhiệm. Nếu vô trách nhiệm thì giờ này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã buông xuôi rồi. Đó là những công việc có trách nhiệm, có nghiên cứu cả một quá trình để tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành lãnh đạo. Bởi vì đưa ra một vấn đề chung nhất của xã hội phải tạo được sự đồng thuận. Thủ tướng vừa rồi cũng ra văn bản cũng chỉ định, chỉ đạo quốc hoa cũng phải để cho người dân đồng ý, suy tôn và quốc phục cũng thế thôi.
 
Cho nên việc chúng tôi đi tìm sự đồng thuận của tất cả mọi người, của các cấp lãnh đạo là không dễ.
 
PV: - Như trên đã nói, hiện vẫn chưa có tiêu chí chọn lễ phục hay quốc phục. Vậy tại sao áo dài luôn được nhắc đến gần như là quốc phục, thưa bà?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: -  Áo dài được coi là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, đương nhiên nó sẽ được chọn trở thành quốc phục. Nhưng được chọn áo dài phải như thế nào? Vẫn phải có quy chuẩn như: không được quá hở hang, không quá ôm sát vào người, tạo được sự sang trọng, lịch lãm.
 
Trong tư duy, nhận thức không chỉ riêng tôi, trong tất cả những người phụ nữ và kể cả nam giới, hoặc trên quốc tế, người ta nhìn thấy Việt Nam là áo dài. Nhưng chiếc áo dài ấy phải được họa sỹ thiết kế lại.
Bây giờ tôi thấy nhiều người mặc áo dài hở lườn nhiều quá, nó không lịch sự.
 
Áo dài phải được điều chỉnh nhưng mặc như thế nào là do dân chúng, chúng tôi chỉ quy định mặc trong những buổi lễ trang trọng của Nhà nước. Ngoài đời thì nó được biến tấu muôn hình vạn trạng.
 
PV: - Nhiều người cũng muốn chọn áo dài là Quốc phục, nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng chỉ có những người dễ tính, ít hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc thì mới thích thú bởi áo dài mới xuất hiện và nó không phải là của người Việt Nam mà chỉ là sản phẩm của văn hóa đô thị. Quan điểm của bà như thế nào?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: Vậy thì hãy để các vị chọn đi, đưa ra các luận cứ để thuyết phục, phải chọn như thế nào thì chính những người phản biện đó phải đưa ra được chọn cái gì? Tại sao họ không mặc áo the, khăn đóng đi? Tại sao hàng ngày không đi guốc mộc mà lộc cộc cầm ba toong đi khắp nơi nơi? 
 
Bây giờ phải đặt ngược câu hỏi phản bác, những người đưa ra ý kiến trái chiều họ cho đề xuất đi. Chọn cái gì, đưa ra ai mặc, không phải cứ thấy ý kiến phản bác là phải điều chỉnh.
 
Tất cả những người nói áo dài không đại diện cho Việt Nam vì mới xuất hiện ở thế kỷ 20, bây giờ thế kỷ 21 rồi, tại sao họ vẫn mặc của thế kỷ 20? Tại sao đàn ông không mặc khăn đóng áo dài? Vì chắc không thấy đẹp, không thấy phù hợp với sinh hoạt hàng ngày.
 
PV: - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar trước đó đã chia sẻ trên báo chí rằng, Kimono là trang phục truyền thống của Nhật giống áo dài Việt Nam. Khi tiếp khách họ không bắt buộc mặc nên không gọi là quốc phục. Vậy tại sao Việt Nam lại đi tìm quốc phục làm gì? Chúng ta có 54 dân tộc, phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đừng công thức hóa. Chính cái này mới là nguy hiểm vì nó sẽ mất đi sự đa dạng của văn hóa bởi chúng ta quy định áo dài là quốc phục vậy trang phục truyền thống của 53 dân tộc khác thì thế nào? Bà nghĩ sao về điều này?
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: -  Kimono họ hoàn toàn được mặc trong các buổi lễ trọng. Nói như vậy rất là khó. Tại sao Nhật Bản họ lại chọn Kimono trong khi người ta có rất nhiều các dân tộc khác nữa. Trong một tập thể, trong một xã hội có tổ chức thiểu số phải phục tùng đa số. Hơn nữa, chúng tôi lại có sự tham khảo của tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc. 
 
Nếu không đồng ý, hãy đề xuất đi, bởi vì không dễ gì một đất nước lại có sự đồng thuận về văn hóa. Ở Mỹ có một sự phát triển kinh tế rất cao, nhưng văn hóa đa dạng, đi học, học sinh có thể nằm bò gác chân lên bàn. Ở xã hội Việt Nam có chấp nhận không? Đấy là sự khác biệt lớn.
 
Ở Mỹ không có Bộ Văn hóa, nhưng ở Pháp lại có. Một người Pháp đi sang Mỹ thấy họ nói to ở nơi công cộng, ở trong tàu điện ngầm, người ta không chịu nổi. Đấy là sự khác biệt về văn hóa. 
 
Hiểu thế nào là văn hóa đa dạng, hiểu thế nào là thống nhất trong sự tập trung đó là hai mặt của vấn đề. Tất cả những cái đó nếu như hiểu về văn hóa. 
 
Chưa kể, nhìn có thể thấy như vậy nhưng tinh tế vẫn thấy có những đường nét, hoa văn đặc trưng của dân tộc này, dân tộc khác nếu nó hay trong bộ quốc phục. Hà Nội bây giờ gạn đục khơi trong nó là cái lắng đọng của tất cả những cái tinh tế các vùng miền về đây thì tương tự bộ lễ phục cũng vậy, nó phải chắt lọc tất cả sự tinh tế của các tộc khác.
 
PV: - Hết Quốc hoa rồi Quốc tửu, Quốc vật được đưa ra bàn thảo, lựa chọn. Nhưng xem ra, sau cái sự được tôn vinh rầm rộ ấy là rơi tõm vào quên lãng và nay đến lượt Quốc phục loay hoay đề cử gần chục năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra được kết quả. Liệu rằng chọn được Quốc phục rồi nó có đi vào vết xe đổ như các cuộc bầu chọn trước đó? 
 
Bà Đoàn Thị Thu Hương: - Hiện nay chúng tôi đang tìm. Trước đó chúng tôi chưa kêu gọi tất cả các ban ngành vào cuộc. Nếu tất cả các ban ngành cùng vào cuộc tìm được sự thống nhất thì chả vấn đề gì cả. Tạo sự đồng thuận của tất cả mọi người là cái đích của chúng tôi. 

PV: - Xin cảm ơn bà!
 
                                                                                           Theo: Phụ Nữ To day

                                                                                  

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.492.174
Tổng truy cập: