TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Thanh lịch trang phục của người Hà Nội xưa
(Ngày đăng: 21/12/2012   Lượt xem: 1111)

Người Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng mặc đẹp, cái đẹp thể hiện ở sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã. Chẳng thế mà dân gian vẫn truyền tụng câu “Ăn Bắc mặc Kinh” như một cách để tán dương cái sự mặc đẹp ấy.

trang-phuc.jpg
Trang phục của người Hà Nội xưa

Và người Hà Nội rất tự hào với sự vinh danh ấy, đặc biệt là những cô gái của 36 phố phường thuở xưa. Theo thời gian, có người còn bám trụ lại căn nhà hương hỏa, có người đã tản mát đến các khu phố mới. Nhưng dù ở đâu thì họ vẫn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu văn hóa mặc đất Kinh Kỳ mà họ luôn tự hào là đẹp và trang nhã nhất...

Là người Hà Nội gốc, bà Lê Kim Ninh ở phố Hàng Than luôn cảm thấy rất tự hào về nét thanh lịch của người Tràng An. Bà bảo người Hà Nội có văn hóa mặc rất đặc trưng. Họ mặc đẹp, cái đẹp của sự nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt. Nét văn hóa đặc trưng này luôn được họ gìn giữ ngay cả trong thời chiến tranh thiếu thốn, những năm bao cấp khó khăn hay trước cơn lốc của thời kỳ mở cửa. Mỗi thời kỳ lại có những trang phục riêng nhưng tất cả đều tuân theo “mẫu số chung”: đó là sự thanh lịch.

Bà Ninh nhớ lại, trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản như gia đình bà cứ bước ra đường, dù chỉ là đi chợ cũng mặc áo dài. Thậm chí ở những gia đình buôn bán luôn có khách ra vào thì người phụ nữ trong gia đình đó cả khi ở nhà cũng mặc áo dài. Ngày lễ tết lại có những chiếc áo riêng, đẹp và sang trọng hơn. Phụ nữ lao động thì mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, những phụ nữ lớn tuổi trong các gia đình tư sản trước kia phải khó khăn lắm mới làm quen được với chiếc áo sơ mi thay cho áo tân thời. Còn những người trẻ và hăng hái như bà thì dễ dàng hòa nhập hơn. Cởi bỏ chiếc áo dài duyên dáng, cô giáo Ninh trẻ trung khoác áo sơ mi lên lớp với đám học trò. Bà Ninh nhẩm tính, chiếc áo dài đã gần như vắng bóng suốt một thời gian khó của đất nước từ những năm 60 cho đến tận cuối những năm 80 của thế kỉ trước. Nhưng chỉ là “gần như” thôi chứ nó không hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của dân Thủ đô.

Năm 1964, giữa bom đạn ác liệt, cô giáo Ninh vẫn quyết tâm thực hiện cái ao ước được bước chân về nhà chồng với chiếc áo dài tha thướt. Mặc áo dài trong ngày cưới đã trở thành truyền thống của gia đình bà. Năm 2000, khi chiếc váy cưới của phương Tây đã phổ biến từ thành thị đến tận nông thôn thì con gái bà vẫn xúng xính áo dài về nhà chồng. Nhớ tiếc chiếc áo dài là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ Hà Nội những năm tháng đó không chỉ bởi họ từng một thời gắn bó bóng hình với nó mà còn bởi áo dài là biểu tượng cho nét dịu dàng thanh lịch của con gái Hà Nội. Bà còn nhớ, trong những năm tháng khó khăn gian khổ của cả nước ấy, thỉnh thoảng gia đình bà và mấy gia đình bạn bè, họ hàng thân thiết lại tổ chức gặp mặt ăn uống. Đồ ăn chẳng có gì nhưng những người đàn ông vẫn đóng bộ rất trang trọng với sơ mi quần âu, còn các bà sau khi nấu bếp xong là diện áo dài rồi mới vào bàn.

Thời gian khổ ấy, người dân Hà Nội cũng phải sống xô bồ hơn, cái ăn cái mặc cũng phải qua quýt hơn. Nhưng những gia đình như gia đình bà Ninh vẫn cố gắng giữ những nề nếp căn bản. Ví như trong việc mặc, dù khó khăn đến mấy thì bà vẫn luôn phải có một bộ gọi là lễ phục bên cạnh thường phục để mặc trong những dịp lễ tết. Bà quan niệm chữ đẹp trong việc mặc đầu tiên là phải phù hợp, phù hợp với hoàn cảnh, với vóc dáng, với tính chất công việc, với lứa tuổi. Người ăn mặc đẹp và lịch sự chính là tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình.

May thay, sức mạnh ghê gớm của cơn lốc thời hội nhập đã chưa xóa đi tất cả. Vẫn còn đó các thế hệ nơi Hà Nội 36 phố phường nối tiếp nhau giữ hồn túy đất Thăng Long văn hiến. Con cháu bà Ninh vẫn hòa nhập với thời cuộc với các loại váy áo phương Tây trẻ trung, hiện đại nhưng cũng không rời xa nét Tràng An thanh lịch. Nơi mỗi vạt áo của những người con đất Thủ đô ấy dường như ta vẫn thấy hồn Thăng Long vương vất.

Theo CôngThương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.498.644
Tổng truy cập: