TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Nghệ thuật trang trí y phục phụ nữ H’mông Lềnh
(Ngày đăng: 11/10/2012   Lượt xem: 1878)

Hầu hết các nhóm địa phương của người H’mông đều sử dụng vải lanh nhuộm chàm để cắt may y phục. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, phụ nữ H’mông Lềnh (H’mông Hoa) đã tạo ra một ấn tượng, một nét riêng trong nghệ thuật trang trí y phục và sự sáng tạo trong việc thêu những họa tiết để không bị lẫn với trang phục của các dân tộc khác.

ImageHdashx.jpg

Đa dạng trong nghệ thuật trang trí màu sắc

Sự phong phú về nghệ thuật sử dụng màu sắc của người H’mông Lềnh được thể hiện ở mỗi loại y phục khác nhau như y phục thường ngày, y phục mặc khi chết, lễ phục... Phổ màu trang trí trên y phục của người H’mông Lềnh rộng hơn so với các ngành H’mông khác, bên cạnh màu xanh chàm, còn sử dụng đến mức tối đa sắc đỏ, vàng. Màu trắng, đen, da cam, lục, tím đều được sử dụng trang trí các hoạ tiết.

Ở vùng sâu nội địa như ở Sa Pa, Than Uyên, Mù Căng chải, màu sắc Y phục thường ngày chỉ là màu chàm nền nã, trầm lắng. Khăn đội đầu, áo, quần (hoặc váy) đều màu chàm, thắt lưng dù có ghép vài hoa văn cũng vẫn là một màu chàm.

Với bộ lễ phục, nghệ thuật sử dụng màu sắc lại khác hẳn. Màu nền của bộ lễ phục vẫn là màu chàm nhưng lại là thứ màu chàm nhuộm với củ nâu ngả màu tím than và láng bóng bởi được miết sáp ong lăn vải trên đá. Và trên cái nền chàm tím sẫm sáng bóng này, phụ nữ H’mông Lềnh sử dụng nhiều sắc màu tạo nên những hoa văn rực rỡ ở bộ y phục ngày hội.

Trên nền vải chàm tím sẫm gần như đen, trong y phục ngày hội (cả khi chết) người H’mông Lềnh còn đính thêm những tấm vải thêu gam màu nóng chạy dài từ cánh tay phải qua bả vai sang cánh tay trái. Tấm vải này thêu các mô típ hoa văn hình vuông, hình móc câu kép màu đỏ. Nhưng dường như người H’mông ở Sa Pa không muốn màu đỏ cứ rừng rực mãi nên các mô típ hoa văn ghép vài màu đen trắng vẫn đan xen các diềm màu thêu đỏ. Màu đỏ tuy là màu nền của mảng hoa văn nhưng màu đen trắng vẫn đan xen khá dày đặc làm cho màu đỏ chìm đi, giảm cả gam màu đỏ của tấm vải. Nhìn trên tổng thể, cả tấm vải hoa văn dày đặc mô típ đen trắng bị màu đỏ bao bọc đặt trên nền áo chàm sẫm đen tạo ra sắc thái riêng của màu sắc hoa văn H’mông Lềnh Sa Pa.

Thẩm mỹ và màu sắc dịu nhưng vẫn vui mắt không muốn đơn điệu của người H’mông Sa Pa thể hiện cả trên loại áo in sáp ong ở bả vai cánh tay. Hoa văn in sáp ong màu xanh lơ nằm trên nền chàm đen (tím) sẫm tạo thành màu sắc khác, sáng hơn màu nền. Và, dường như để khoảng sáng hoa văn in sáp ong này nổi hơn, bật hẳn lên sắc chàm tối thẫm, người H’mông Lềnh rất coi trọng việc sử dụng màu đỏ làm đường bo. Toàn bộ phần in hoa văn sáp ong đều được bao bọc bởi đường bo màu đỏ. Đỏ ngăn cách hẳn đen của màu nền áo với màu xanh lơ sáp ong của hoạ tiết. Tất nhiên các mô típ hoa văn thêu màu đỏ này có tiết diện nhỏ chỉ nhằm “vực” khoảng sáng nổi bật lên chứ không tạo ra sự rực rỡ.

Cũng với mục đích như vậy ở các điểm tiếp giáp giữa bả vai với ống tay, phụ nữ H’mông Lềnh còn thêu một dải hoa văn màu vàng có đường bo màu trắng. Màu đỏ của hoa văn thêu đan cài với màu xanh lơ của hoa văn in sáp ong cốt để trưng màu sáng, để đẩy màu sáng vượt khỏi nền đen tạo vẻ đẹp hài hoà, không rực rỡ nhưng cũng không đơn điệu trong bộ y phục ngày hội, dễ hoà đồng với màu xanh của từng cây. Nhưng y phục ngày hội, ngày cưới của người H’mông (nhất là y phục phụ nữ) đã có ý thức vượt lên trước sắc màu thiên nhiên, đề cao vẻ đẹp của y phục với những gam màu sáng. Tuy nhiên sự vượt lên này vẫn giữ một khoảng cách nhất định, vẫn là vẻ đẹp hài hoà.

ImageHandler.ashx.jpg

Màu sắc ngày càng rực rỡ

Khác với người H’mông Lềnh Sa Pa và vùng nội địa, người H’mông Lềnh ở biên giới có xu hướng ngày càng vượt khỏi sắc màu thiên nhiên, phải rực rỡ và nổi bật trước không gian núi rừng vùng cao tràn ngập màu lạnh. Quan sát bộ trang phục phụ nữ H’mông Lềnh ở biên giới từ đầu thế kỷ đến nay có 2 quá trình chuyển đổi về màu sắc. Từ đầu thập kỷ 80 ngược về trước, trang phục H’mông Lềnh được thêu thùa nhiều màu sắc nhưng chưa rực rỡ như thời gian gần đây. Các tấm ảnh chụp y phục phụ nữ H’mông Lềnh trong ngày hội ở Bắc Hà, Mường Khương, đầu thế kỷ này, sắc chàm vẫn là sắc màu nền chủ đạo. Phụ nữ H’mông Lềnh vấn khăn chàm sẫm (gần như màu đen), áo chàm sẫm đen có dải hoa văn thêu, ghép vải ở cổ và cổ tay, mặc váy chàm đen thêu hàng hoa văn to màu sáng gần gấu váy. Gấu váy vẫn màu chàm đen. Ngày thường phụ nữ còn mặc tạp dề dài màu chàm đen, xà cạp đen, Bộ y phục ngày hội rực rỡ hơn nhờ tấm khăn đội đầu có thêm một vòng vải thêu hoa văn, mặc tạp dề thêu đỏ vàng và xà cạp trắng.

Trong các ngành H’mông, ngành H’mông Lềnh có y phục giầu màu sắc và rực rỡ hơn cả. Tất nhiên, nghệ thuật sử dụng màu sắc ở mỗi vùng cũng khác nhau. Ở vùng sâu nội địa như Sa Pa, Than Uyên hoặc Mù Căng Chải, Trạm Tấu, y phục ngày hội của phụ nữ H’mông Lềnh được trang trí nhiều băng dải hoa văn đẹp ở vai, cánh tay, thắt lưng, gần gấu váy. Nhưng các hoạ tiết hoa văn này do ít sử dụng tối đa màu đỏ vàng mà thiên màu lơ, lụa, tím nên hoa văn không rực rỡ, ít có cảm giác chói, nóng. Song ở vùng biên giới, cả bộ y phục nữ màu đỏ, vàng gần như thành màu chủ đạo. Bộ y phục càng rực rỡ gây cảm giác dư thừa màu sắc. Mỗi ngành H’mông có sắc thái riêng trong nghệ thuật sử dụng màu sắc trang trí y phục. Đó là nếp sống và bản sắc văn hoá H’mông.

Theo langvietonline

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.048
Tổng truy cập: