TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Đặc sắc trang phục của người đàn ông Ê Đê trong lễ hội.
(Ngày đăng: 08/09/2014   Lượt xem: 1344)
Langngnghevietnam.vn - Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống đã tạo nên nhiều màu sắc trang phục của đồng bào các dân tộc trong lễ hội khi những tấm vải công nghiệp chưa xâm nhập vào cuộc sống thực tại. Không những thế đây là tiêu chí thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ, đồng thời chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ. Không sặc rỡ như trang phục của một số dân tộc ở miền núi phía Bắc, trang phục của dân tộc Êđê lấy màu đen (hoặc màu chàm sẫm), đỏ làm màu chủ đạo. Họa tiết, hoa văn đậm chất thiên nhiên của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Phụ nữ mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Bằng cả tấm lòng, sự khéo léo, người phụ nữ Êđê bao thế hệ vẫn sáng tạo, hoàn thiện và lưu truyền bộ trang phục truyền thống đặc sắc của nam giới (người cha, người chồng, anh em và những người con trai) để tham gia các lễ hội mà buôn làng tổ chức.

Có lẽ đây là một trong những trang phục đẹp và hoàn chỉnh nhất trong những bộ trang phục truyền thống dành cho nam giới của một số dân tộc sinh sống tại khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Dù có phân biệt thành nhiều loại trang phục khác nhau: Trang phục của tù trưởng, trang phục thầy cúng, trang phục thầy xử kiện, trang phục ngày thường, trang phục lao động,… nhưng có lẽ đẹp nhất và ai cũng có (ít nhất một bộ) là trang phục dành cho lễ hội.


Trang phục truyền thống của người đàn ông Êđê (ảnh: internet)

Tất cả những bộ trang phục trên, dù có những điểm phân biệt khác nhau nhưng đều được chế tác theo một thể thức đã hình thành lâu đời, gồm áo và khố; áo là loại áo chui đầu, tay xỏ; khố được mặc theo lối choàng quấn. Nếu như nét chủ đạo của bộ trang phục phụ nữ Êđê là vẻ đẹp nền nẽ, kín đáo, hơi khiêm nhường nhưng không hề đơn điệu mà mang đầy nét nữ tính, duyên dáng ở bố cục hoa văn, sự phối hợp giữa chiếc áo ngắn với chiếc M’yêng rộng và rất dài thì với bộ trang phục lễ hội của người đàn ông, những phụ nữ đã dành hết cả sự tài khéo, sáng tạo để nó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.

Với chiếc áo nữ, khổ vải được gấp đôi theo chiều ngang tạo nên một kiểu áo kín đáo, cổ mở theo chiều ngang, rất độc đáo và nữ tính. Còn với áo cho người đàn ông, khổ vải được gấp đôi theo chiều dọc, cổ khoét tròn và mở một phần ngực áo, thân sau dài hơn thân trước kết hợp cùng tua áo để phủ kín phần hông.

Màu đỏ rất được ưa chuộng của người Êđê, màu đỏ biểu hiện là huyết của các linh vật hiến sinh, màu lửa trong lễ hội, đồng thời tượng trưng cho sự tái sinh, sức mạnh tinh thần, lòng nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng, là sức mạnh chung của cộng đồng, màu của linh thiêng để dâng cúng cho các Yàng. Ở đây màu đỏ được sử dụng tối đa nhằm tạo vẻ nam tính nhưng cũng rất biết tiết chế ở mức độ vừa phải. Những đường viền đỏ thật tươi nơi cổ áo, tay áo và nẹp gấu thân trước đủ làm nổi màu nền đen trầm của áo. Một mảng màu đỏ táo bạo ấn tượng được xử lý rất khéo léo bằng việc kết những dải màu đỏ tạo thành hình đôi cánh chim đại bàng dang cánh đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu đối với chiếc áo truyền thống của người đàn ông Êđê. Nếu như hình tượng chim đại bàng dang cánh trước ngực đã tạo vẻ hấp dẫn nam tính cho chiếc áo thì dải hoa văn kte ở gấu áo thân sau lại làm cho chiếc áo trở nên sang trọng, hấp dẫn hơn. Hình các cột goong và cột kút được cách điệu tinh tế, đẹp mắt với màu vàng trên nền đỏ. Một hàng hột cây Ktơr dŏ hình răng chuột sáng bóng màu ngà kết bên dưới, cùng với những tua áo vui mắt làm tôn lên vẻ đẹp của dải hoa văn kte và tăng thêm vẻ sang quý cho chiếc áo.

Để ráp thân trước với thân sau, người phụ nữ Êđê không dùng đường may thông thường mà dùng một dải màu đỏ nối thân trước với thân sau, nhằm tách hai dải hoa dệt ở đường biên và cũng để tôn chúng lên bằng dải đỏ này. Để tăng thêm vẻ quý phái, người ta đính những hạt kte hình bông mai bông cúc bằng kim loại. Đường may nối hai tay áo, người phụ nữ Êđê cũng không sử dụng đường may thường, mà kết thành một đường chân rết bằng nhiều đoạn chỉ màu giống như một đường hoa văn đầy tính mỹ thuật.

Chiếc khố dành cho lễ hội thường được dệt rộng và rất dài (từ năm đến bảy mét). Hai đầu khố được gia công dải kte cùng với tua dài rất đẹp. Hai đường biên là những sọc đỏ xen trắng, trên đó là những họa tiết hạt cây, răng thú màu trắng hoặc màu vàng.

Với bộ trang phục truyền thống áo, khố phối hợp dành cho người đàn ông mặc mùa lễ hội cho thấy người phụ nữ Êđê thực sự có tài trong việc thiết kế tạo mẫu. Họ đã tạo ra một kiểu trang phục độc đáo, rực rỡ sinh động mà vẫn mang nét khỏe khoắn cương nghị, lịch lãm phô bày được những nét vạm vỡ, sự rắn chắc cơ bắp của người đàn ông Êđê trong mùa lễ hội.

Trang phục chứa đựng những giá trị tinh thần và mang bản sắc riêng, là niềm tự hào của mỗi dân tộc, là đặc điểm để phân biệt giữa các nhóm cộng đồng với nhau. Ngày nay, người Êđê được tiếp thu những kiến thức của nền văn minh mới, cách ăn mặc đã hiện đại hơn. Tuy nhiên, dù xã hội phát triển tới đâu, thì người Êđê luôn có ý thức duy trì bảo lưu nét văn hoá truyền thống, trong các dịp lễ hội, trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên,… đồng bào vẫn mang trên mình bộ trang phục truyền thống. Đây là yếu tố văn hóa cần được quan tâm gìn giữ và bảo tồn trước nguy cơ xâm lấn của các sản phẩm công nghiệp hiện đại.

                                                                                              Bài: Thanh Hải


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.510.915
Tổng truy cập: