TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Trọn lòng với sắc màu thổ cẩm
(Ngày đăng: 26/02/2014   Lượt xem: 433)
Cách dòng Sông Mã hơn cây số, nằm ẩn mình dưới chân núi Trường Sinh, bao đời nay người Mường làng Lương Ngọc, Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa tự hào khi được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, kì bí; cùng sắc màu độc đáo của những tấm thổ cẩm…

Đã từ lâu, dệt thổ cẩm trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc xứ Thanh. Hình ảnh những bà, những mẹ trong bộ váy dân tộc với đôi tay khéo léo đưa thoi miệt mài bên khung cửi… níu giữ bước chân những người đến  từ phương xa. Dệt thổ cẩm trở thành một kho tàng đáng giá, không chỉ là của cải vật chất mà còn mang giá trị tinh thần khó bề đong đếm. Từ xưa, người Thái, Mường có quan niệm, đã là con gái, ngoài chăm chỉ làm nương còn phải biết kéo tơ, dệt vải. Đến tuổi lấy chồng tự tay dệt chăn, áo gối trang hoàng cho hạnh phúc lứa đôi của mình.

Thoăn thoắt bên khung cửi, bà  Bùi Thị Thiếc vẫn nhiệt tình trò chuyện với chúng tôi. Gắn bó với khung cửi và những tấm vải thổ cẩm từ năm 14 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa còn mải mê với những buổi hát Đang, hát Xường giao duyên,  bà đã chăm chỉ lắng nghe mẹ và già làng chỉ dạy những công đoạn dệt thổ cẩm. Từ xe tơ, làm sợi, nhuộm màu… Những khuông vải nhiều màu sắc cứ thấm dần vào tâm hồn. Bà cho biết, để làm ra một sản phẩm thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo.

Bà Bùi Thị Thiếc nâng niu sản phẩm do mình làm ra.

Bà Bùi Thị Thiếc nâng niu sản phẩm do mình làm ra.

Người Mường quan niệm, nền vải màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó; màu đỏ biểu tượng của đam mê, khát vọng; màu xanh là màu của trời đất, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên… Theo bà Thiếc, để dệt được tấm vải rực rỡ sắc màu, phải kì công kiếm các loại lá, củ, quả ở trên rừng để nhuộm cho sợi có màu theo ý muốn. Giờ đây, người dệt thổ cẩm không phải bỏ nhiều công sức như thế nữa, mà chỉ cần mua các loại sợi công nghiệp mang từ xuôi lên, đã nhuộm sẵn màu.

Để dệt một tấm thổ cẩm nhỏ, đơn giản mất ít nhất 3 – 4 ngày. Có những sản phẩm mất tới vài tháng tùy theo độ tinh xảo, cầu kì. Tài năng của người dệt  thể hiện ở chỗ không cần có bản thiết kế, mọi thứ “lập trình” trong đầu kết hợp sự điều khiển của đôi chân và đôi tay sao cho nhuần nhuyễn. Tư thế ngồi rất quan trọng, phải ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Còn về hoa văn tùy theo sở thích của mỗi người mà tự tạo.

Cuộc sống ngày càng phát triển, những sản phẩm may mặc ngày càng phong phú và đa dạng. Đồng bào các dân tộc dần thay những sản phẩm thổ cẩm bằng quần tây, áo sơ mi, giày, mũ được sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp. Những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hằng ngày, thậm chí trong lễ hội. Nhìn những khung cửi bị vứt chỏng chơ, tiếng thoi đưa lách cách và việc trai gái hẹn hò bên khung cửi đã là chuyện xưa, bà Thiếc buồn lo đến một ngày nào đó, phụ nữ Mường ở Cẩm Lương sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống mai một.

Dù ở làng giờ chỉ còn lác đác vài ba khung cửi, bà Thiếc vẫn quyết tâm bám trụ với nghề và sẵn lòng truyền dạy nếu ai đó có đam mê. Bởi với bà: “Những tấm thổ cẩm là linh hồn của Xứ Mường”.
                                                                                              Theo: nguoicaotuoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.519.110
Tổng truy cập: