TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Thiếu không gian văn hóa: Trang phục truyền thống cũng lạc lõng…
(Ngày đăng: 25/11/2013   Lượt xem: 532)
Có một nghịch lý đang tồn tại là khi các nhà thiết kế thời trang đưa sắc màu thổ cẩm vào các bộ sưu tập trình diễn, mang thổ cẩm Việt Nam ra nước ngoài, thì chất liệu thời trang cũng như những mẫu thiết kế ấy rất "ăn điểm”. Nhưng ở không ít vùng đồng bào dân tộc ít người hiện nay, trang phục truyền thống của họ đã dần được… "Kinh hóa”… Đây là một trong những lý do khiến bản sắc văn hóa của đồng bào dần mai một.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Lô Lô
Khó tìm trang phục nguyên bản  

Trong khuôn khổ Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2013, vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã được tổ chức riêng thành một hội thảo chuyên đề. 

Tại hội thảo, các ý kiến đều tập trung đi tìm nguyên nhân dẫn đến những mai một bản sắc văn hóa của đồng bào thông qua góc nhìn trang phục. Qua các thời kỳ lịch sử, mỗi dân tộc đều có những bộ y phục độc đáo chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Nhưng một thực tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ là các dân tộc thiểu số đang tiếp thu cách ăn mặc của người Kinh, nhất là ở các vùng đô thị.

Dẫu vậy, các chuyên gia văn hóa cũng chỉ ra rằng: Sự tiếp thu mang tính một chiều, nguyên xi của đồng bào đã ít nhiều nảy sinh tâm lý tự ti, thậm chí coi thường giá trị văn hóa trang phục dân tộc mình. Tâm lý ấy từ lớp người trung niên đã "lây” sang các thế hệ sau, khiến lớp trẻ giờ đây cũng rất ngại mặc các trang phục dân tộc truyền thống của dân tộc mình. Các phân tích ở góc độ hẹp hơn cũng cho thấy: Do thiếu nguồn nguyên liệu, tốn nhiều thời gian để làm ra một bộ trang phục, quan trọng hơn là sự không tiện dụng trong sản xuất, sinh hoạt… khiến trang phục truyền thống đang dần xa rời đời sống người dân tộc thiểu số. Cộng thêm trong phát triển văn hóa vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để khuyến khích đồng bào bảo tồn, phát huy giá trị trang phục dân tộc mình. 

Từ những chuyến đi điền dã ở các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Đông Bắc Tổ quốc, PGS. TS Đoàn Thị Tình (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc) cho biết: Ở vùng sâu, vùng xa, những người cao tuổi vẫn giữ được những nét cổ truyền trên trang phục nhưng hầu hết các trang phục đã hư rách, phai màu do được truyền lại từ nhiều đời. Còn tại các bản làng gần thị trấn, thành phố thì khó mà tìm được những bộ áo váy nguyên gốc, cũng như chủ nhân am hiểu giá trị lao động nghệ thuật của nó.

Còn đâu môi trường văn hóađặc trưng

Gắn bó với công tác văn hóa dân tộc lâu năm, ông Vi Hồng Nhân - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc miền núi, Bộ VHTT&DL nhận định: Khi môi trường và không gian văn hóa thay đổi quá nhiều, quá nhanh cũng làm cho trang phục và nhiều thành tố văn hóa của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, nhà ở, phong tục… không còn không gian thích hợp và chưa đủ bản lĩnh để tồn tại, phát huy. Muốn bảo tồn, phát huy những thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống có nhiều cách, trong đó rất quan trọng là cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Môi trường, không gian văn hóa ấy là gì? Là những lễ hội truyền thống của từng cộng đồng; là những "Ngày văn hóa” của riêng từng dân tộc hoặc các dân tộc; là các hội mang tính xã hội - nghề nghiệp với các câu lạc bộ thường xuyên giao lưu trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau…

Theo ông Nhân, việc bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số không phải việc nói rồi để đấy, mà là việc cần làm ngay. Bảo tồn có nhiều cách: Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện là cần và cũng đã khó; Bảo tồn trong cuộc sống là bảo tồn có phát huy, phát triển còn khó hơn, nhưng việc làm đó đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc. 

Dẫu vậy, cũng có những quan điểm cho rằng: Bảo tồn và phát triển không thể tách rời, nghĩa là trang phục của đồng bào dân tộc cũng cần phải cải biên. Về vấn đề này, PGS. TS Đoàn Thị Tình phân tích: Việc cải tiến, cách tân phải phù hợp với giới trẻ mặc thường nhật khi tham gia công tác xã hội hoặc đến công sở, trường học… Các nhà thiết kế có thể ứng dụng chất liệu, hoa văn thổ cẩm truyền thống vào trang phục hiện đại. Bởi hiện trong chương trình đào tạo của các khoa thiết kế thời trang đều có phần nghiên cứu sáng tác, lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống và đồ trang sức của các dân tộc. Nhiều bộ sưu tập đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cả về "phom” dáng lẫn chất liệu. Tuy nhiên, giá thành các sản phẩm còn cao, cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.  

Vì vậy, PGS Đoàn Thị Tình đưa giải pháp: "Để bảo tồn, trước hết cần nâng cao nhận thức yêu cái đẹp, tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các làng, bản có thể xây dựng quy ước việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ tết, ngày hội… Song song với đó cần khuyến khích khôi phục phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức”.


Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL), có 2 đối tượng cần hướng đến trong việc bảo tồn trang phục truyền thống là phụ nữ và học sinh - sinh viên. Bởi phụ nữ nắm vai trò quan trọng trong việc chăm lo ăn mặc cho gia đình. Mặt khác chính họ là những người dệt đan, thuê thùa, may vá tạo ra các trang phục truyền thống của dân tộc, ắt họ sẽ hiểu đâu là giá trị nguyên gốc của trang phục dân tộc mình…
                                                                                                  Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.519.110
Tổng truy cập: