Chùa Keo cũng thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do quá trình hình thành và phát triển lịch sử làng xã, chùa thờ tự theo nghi thức “tiền Phật, hậu Thánh”, tức gian trước thờ Phật, gian sau thờ Thánh và những người có công với dân làng.
Trải qua gần 400 năm với bao thăng trầm, biến động của lịch sử và nhiều lần tu bổ, song chùa Keo hiện vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu.
Theo văn bia còn lưu, công trình gồm 21 dãy, 154 gian lớn nhỏ. Hiện tại chùa Keo còn tồn nguyên 16 tòa, 126 gian. Ngoài các kiến trúc chính, chùa Keo còn một số kiến trúc phụ trợ, như khu Tăng xá, nhà khách, trụ sở Ban Quản lý Di tích. Đặc biệt, chùa còn là nơi hiện đang lưu giữ và 197 di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa (từ thế kỷ thứ 17 đến nay), được tạo tác từ nhiều loại chất liệu: gỗ, đá, đồng.
Công trình kiến trúc đặc biệt của chùa Keo là gác chuông, một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Ngoài ra, chùa Keo còn là nơi lưu giữ bảo vật quốc gia – Hương án chùa Keo, là hiện vật gốc độc bản, mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, có hình thức độc đáo. Chùa theo kiến trúc cổ kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, bên trong là chữ Công, bên ngoài là chữ Quốc - lối kiến trúc phổ biến của dinh thự, đền chùa miếu mạo thời vua Lê Trung Hưng năm 1632.
Những nét đặc sắc trong công trình kiến trúc chùa Keo
Chùa có hai tam quan, bên ngoài là một tòa kiểu chữ nhất mái cong không xây tường bao. Tam quan nội có vẻ đẹp bình dị, lại gần thì rất xinh xắn do tỉ lệ cân đối.
Hai bên tam quan còn có hai cửa ngách xây bằng gạch. Cánh cửa tam quan nội là cánh cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Chủ đề chính là hai con rồng, trang trí lửa hóa long, sóng nước và vân mây sinh động làm cho tấm gỗ như gấm. Sau tam quan nội là đến một bãi rộng, rồi đến tiền đường.
Tòa trung đường lại theo lối không có mái đao mà hai đầu hồi lại có giá kèo hai tầng (gọi là giá roi). Những chống chéo ở đây có lẽ làm cho hệ bảy hiên vuông góc đỡ cứng. Chú ý là ngày xưa dùng đinh sắt có mũ hình bông hoa thị (những cái đinh đóng ván gỗ diềm đầu hồi). Những cái chống chéo rất công phu, và những tầng tầng lớp lớp khối gỗ kê lên nhau cho thấy dựng được cái mái này là cả một nghệ thuật. Vì những khối gỗ khá to, chứ không chẻ nhỏ như mái của Tàu. Nhìn lại gần mới thấy những song cửa cũng không vuông đơn thuần: ở đoạn giữa, chúng được bào vát lượn góc cho nhỏ lại.
Gác chuông chùa Keo được xem như điểm nhấn của quần thể, đóng lại không gian chung. Những kết cấu gỗ chồng rường dưới mái có ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng ở đây các đầu dư thưa hơn, tạo thành các cụm. Độ cong của mái đao vẫn là kiểu Việt Nam, cong nhờ tầu mái và ở phần giữa vẫn dốc đều chứ không cong toàn bộ như hai nước kia. Tháng 12 năm 2007, tháp chuông Chùa Keo được Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.
Những đầu dư vươn ra cũng tranh thủ uốn cong, làm cho các góc giao nhau như bông hoa nở. Nhưng gác chuông chùa Keo với độ cao của nó thì chưa có chùa nào gây ấn tượng bằng. Thêm nữa, trang trí chạm khắc gỗ rất hoa mỹ mà không sơn phết khiến kiến trúc này tựa như một công trình điêu khắc từ một khối thô mộc – những ai hâm mộ kiến trúc thô mộc và biểu hiện sẽ kết loại này.
Chuông đồng tại chùa Keo. Ảnh: st
Những bức tượng tại chùa Keo. Ảnh: st