KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
(ID)- Kỳ bí dao găm kris Indonesia
(Ngày đăng: 26/03/2024   Lượt xem: 66)

Kris là tên gọi trong tiếng Java, Indonesia dạng dao găm hay kiếm ngắn có lưỡi dài 10 cm - 70 cm, gồm hai loại lưỡi thẳng và lưỡi hình rắn uốn. Cán làm bằng gỗ hay sừng, bao làm bằng gỗ bọc kim loại. Người làm ra kris là những thợ có tay nghề cao, hơn nữa còn có hiểu biết về văn học, lịch sử và các cách phù phép. Kris vừa là lễ khí vừa là vũ khí, nhưng chủ yếu là lễ khí với tính biểu tượng cao và sức mạnh tâm linh huyền bí.

Một biểu tượng văn hóa

Kris gắn bó với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo của người Indonesia như đạo thờ cúng tổ tiên, đạo đồng bóng, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo cũng như với các biểu tượng văn hóa truyền thống khác của Indonesia như rối bóng ( wayang), nghệ thuật vẽ sáp ong (batik), võ pencat silat, hoa nhài (quốc hoa), múa sư tử barong Bali... Nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một niềm tự hào quốc gia của cả Indonesia và Malaysia. Năm 2005, UNESCO đã công nhận kris là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại.
Từ trái sang phải: Dao găm cán hình người Đông Sơn; Kris Dayak cán có hình đầu chim hồng hoàng, một loài chim vật tổ thời Đông Sơn; Kris Java với đốc bao có hình con thuyền đưa tổ tiên người Java tới vùng quần đảo, cán có hình thần Semar, vị thần bảo hộ của họ.

 

Từ trái sang phải: Dao găm cán hình người Đông Sơn; Kris Dayak cán có hình đầu chim hồng hoàng, một loài chim vật tổ thời Đông Sơn; Kris Java với đốc bao có hình con thuyền đưa tổ tiên người Java tới vùng quần đảo, cán có hình thần Semar, vị thần bảo hộ của họ.

Về nguồn gốc của kris, hiện có 2 quan điểm cơ bản:

Một số học giả, chủ yếu dựa vào tư liệu khảo cổ và sử học của Indonesia cho rằng kris có gốc Ấn Độ xuất hiện ở Java vào thế kỷ VIII rồi lan tỏa tới Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan từ cuối thế kỷ XV.

Một số học giả khác, với cái nhìn sâu và xa hơn, cho rằng kris có gốc từ dạng dao găm hay kiếm ngắn cán hình người hay động vật trong văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Sự ra đời của kris gắn với những nhóm dân Đông Sơn di tản tới Indonesia tị nạn từ thế kỷ 1 trước Công nguyên (TCN). Họ chính là chủ nhân của 84 chiếc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Indonesia cho đến nay cũng như của nhiều dấu tích Đông Sơn khác trong văn hóa của các tộc ít người ở quần đảo này như Toraja, Minangkabao, Dayak …

Có thể thấy những kris Dayak, Java cổ với lưỡi thẳng và cán thể hiện cách điệu con chim vật tổ hay các vị thần rất gần gũi với các con dao găm hay kiếm ngắn cán có hình người hay thú Đông Sơn. Một số kris có cán có hình người với tư thế tay tương tự hình người trên cán dao Đông Sơn. Các hoa văn chữ X và hình trái tim cách điệu trên bao của một kris Dayak có gốc từ hoa văn tương tự trên ngói Cổ Loa, tấm đồng đính trang phục Đông Sơn và trên đốc kiếm Bá Thước.

Một lễ khí thần bí

Giống như dao găm cán hình người - thú Đông Sơn, kris trước hết là một lễ khí hay một vật thiêng có sức mạnh ma thuật thần bí. Thường những kris làm lễ khí được điêu khắc tinh mỹ và trang trí với đá quý và vàng bạc.

Người ta tin rằng tượng các vị anh hùng, tổ tiên, thần linh trên cán kris có thể truyền sức mạnh, lòng tự tin và tinh thần dũng cảm cho người mang kris. Từ đó, kris là một biểu tượng cho quyền thế, chí anh hùng và tính thượng võ, một vật báu gia truyền trên lễ phục của cả nam và nữ giới Java.

Xưa, một vị vua ban tặng kris cho các quan tướng để thể hiện lòng tin của mình đối với họ. Ngược lại, một viên tướng trong lễ tuyên thệ lòng trung thành với vua, tay cầm kris và nói: “Nếu thần phản bội, thần sẽ bị hành quyết bởi chiếc kris này”.

Trong lễ cưới, chú rể phải đeo ở lưng một chiếc kris xung quanh kết hoa nhài như biểu tượng cho một người chồng phải ứng xử tử tế với vợ. Sau lễ cưới, bố vợ thường tặng kris cho con rể để chúc phúc và cầu may. Vì thế, xưa một người đàn ông Java thường có 3 kris: một từ bố mình, một từ bố vợ và một tự mình đặt làm.

Kris có cả vía tốt và vía xấu. Các kris có vía tốt được dùng trong các lễ cầu phúc, cầu mùa của một làng.

Người Java tin rằng, kris thiêng bởi nó được tạo nên bởi các yếu tố cơ bản của tự nhiên như Đất, Lửa, Gió, Nước. Theo Phật giáo, đó là 4 nguyên tố cơ bản tạo nên vạn vật gọi là Tứ Đại. Bốn nguyên tố đó gắn với quá trình chế tác kris: lưỡi làm từ kim loại và được tôi rèn từ lửa, gió và nước, cán làm bằng gỗ lấy từ đất…

Tiếp đó, hợp kim thép-sắt-nickel của lưỡi kris lại được ví với tính thống nhất giữa 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahman (Thần Sáng tạo), Visnu ( Thần Bảo vệ) và Shiva (Thần Hủy diệt).

Người Bali lại tin kris thiêng bởi lưỡi kris có hình thần rắn nước naga, loại lưỡi thẳng thể hiện thần đang ngủ, loại lưỡi hình sóng thể hiện thần đang chuyển động. Kris càng thiêng nếu hợp kim có chứa nọc độc rắn.

Số lượng “sóng” trên lưỡi kris luôn là số lẻ, số của sự sống, ít nhất là 3, nhiều nhất là 29, tương ứng với vị thế và nhân cách của người chủ cùng sức mạnh tâm linh của kris.

Một vũ khí thông dụng

Xưa, với các chiến binh, lao là vũ khí chính, kris là vũ khí phụ nhưng rất hiệu quả trong cận chiến. Có thời ở Java, kris là vũ khí tự vệ được đeo bên mình hàng ngày khi ra đường của nam giới từ 12 đến 80 tuổi. Trong môn võ pencak silat ra đời ở Indonesia vào những năm đầu Công nguyên, kris là một trong những vũ khí thông dụng. Tuy nhiên, với tâm thức ưa chuộng sự hòa hợp, không khuyến khích bạo lực, người Java, Bali chỉ đeo kris sau lưng, ngụ ý bạo lực là biện pháp cuối cùng.

Dạng kris cổ nhất và hơn nửa số kris thời sau này có lưỡi thẳng. Nhưng dạng kris nổi tiếng nhất là dạng có lưỡi hình sóng, được coi là dạng lưỡi nguy hiểm hơn bởi tạo ra vết thương rộng hơn, khiến đối thủ mất nhiều máu và chết nhanh hơn.

Nhiều nơi ở Indonesia xưa dùng kris để hành hình tội nhân. Tại Java, người nào bị xử tử hình bằng cách dùng kris đâm thẳng vào tim được coi là vinh dự.

Vào thế kỷ 16, súng đạn từ phương Tây mang tới Indonesia đã làm cho việc dùng kris suy giảm. Ở một số nơi, chính quyền thực dân còn ra lệnh cấm mang kris. Năm 1830, sự kiện vị hoàng tử lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của người Java bị bắt và phải trao kris của mình cho chính quyền thực dân Hà Lan đã đánh dấu chấm hết cho việc dùng kris làm vũ khí chiến đấu ở đây. Từ đó, kris chỉ tồn tại như bảo vật gia truyền và lễ khí.

Tính kỳ bí của kris

Mang nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, lại được trao truyền, mua bán rộng rãi, tính thần bí của kris cũng sinh sôi nảy nở theo trí tưởng tượng và óc mê tín của dân gian bao đời.

Người Java có nhiều truyền thuyết và huyền thoại về các nhân vật lịch sử với những kris có sức mạnh huyền bí. Họ có thể giết một người nào đó từ xa, hoặc bằng cách chỉ kris về phía người đó, hoặc bằng cách đâm vào dấu chân của người đó. Kris của họ có thể rời khỏi bao, bay đi giết đối thủ rồi lại bay về chỗ cũ. Lại có những kris có thể làm ngừng mưa, tắt bão, dập lửa hay làm lành vết thương...

Người Java tin rằng, chỉ những người thợ đạo cao đức cả mới làm được những kris thiêng và đẹp. Họ phải ăn chay, không ngủ vài ngày đêm liền, nhập thiền và tiến hành những nghi lễ nhập thần phức tạp. Khi làm xong còn phải làm lễ cúng thần kris hàng tháng thì kris mới mang vía mạnh và tốt.

Trong điệu múa sư tử nổi tiếng của người Bali có màn múa kris, khi xuất thần, các vũ công tự đâm kris vào ngực mình mà không hề bị thương tích. Tuy nhiên, vào tháng 2/2021, một vũ công 16 tuổi đã chết do đâm kris trúng tim. Người ở đây tin kris sẽ hết linh và trở nên nguy hiểm với những ai không biết dùng và tôn trọng chúng.

Tại Indonesia, kris đã xuất hiện cách đây hơn 2.000 năm và có hàng trăm năm lan tỏa, phát sáng. Quả thực, trong văn hóa cổ truyền Đông Nam Á, hiếm có sản phẩm nào vừa có tính thông dụng vừa có tính biểu tượng phong phú, kỳ bí như vậy.

Nói đến kris, các nhà văn hóa Indonesia thường nhắc tới ông Ketut Mudra - người thuộc thế hệ thứ 9 trong một gia tộc có truyền thống rèn kiếm. Dù nắm giữ trong tay những bí quyết chế tạo loại vũ khí truyền thống này, thế nhưng Ketut Mudra chỉ bắt tay vào rèn kiếm từ năm 2000, khi ông đã bước sang tuổi 50. Ông Ketut Mudra cho biết, Ketut là một dòng tộc được xếp vào nhóm Pande Besi - là những thợ rèn cao cấp được phép chế tạo kris. Làng Kusamba, quê hương của ông, từng là trung tâm sản xuất kris cho toàn bộ khu vực huyện Klungkung của đảo Bali.

Nghệ nhân Ketut Mudra rèn kiếm kris.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến Kusamba vào năm 1849, Klungkung đã nằm dưới ách cai trị của người Hà Lan. Để ngăn ngừa các cuộc nổi dậy của người dân bản địa, toàn bộ lò rèn tại Kusamba đã bị phá bỏ. Trong một thời gian dài, gia đình Ketut phải bí mật chế tạo kris…

Năm 1987, một cơ duyên đã đưa ông Ketut Mudra đến miền Trung Java. Tại đây, ông đã tìm lại được cách rèn ra thanh kiếm thiêng. Từ đó đến nay, Ketut Mudra ngày ngày làm việc tại lò rèn, hướng dẫn tỉ mỉ cho con trai Komang Oka với quyết tâm duy trì nghề truyền thống cho thế hệ sau.

                                      Theo:  cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.477.058
Tổng truy cập: