KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Trúc nơi những mảnh vườn nghệ thuật!
(Ngày đăng: 08/03/2024   Lượt xem: 17)

Ở nước ta cây trúc thân thiết với con người như một người bạn. Ở nhà quê, chỉ cách nay 30, 40 năm cảnh những đứa trẻ mục đồng cưỡi trâu thổi sáo là nét dân dã thường ngày. Thôn quê ở đâu cũng có trúc, thường mọc xen lẫn vào các bụi tre. Lũ trẻ tìm chặt những cây trúc đẹp, ưng ý nhất về cặm cụi gọt lỗ làm sáo. Chẳng cần biết nhạc lý, cứ đưa lên miệng, các ngón tay bấm lỗ rồi thổi cho hơi thoát ra thành tiếng

Bốn biểu tượng “tùng”, “cúc”, “trúc”, “mai” như bốn cây cột chống của ngôi nhà văn hóa Nho học phương Đông. “Tùng” biểu trưng cho bậc đại trượng phu, “trúc” biểu trưng cho người quân tử. Thế nên hầu hết các bậc đại Nho đều hướng tấm lòng thanh sạch của mình về “tùng”, “trúc”, đến mức Tô Đông Pha thốt lên “Khả sử thực vô nhục, bất khả cư vô trúc” (Có thể ăn không có thịt nhưng ở thì không thể thiếu trúc). Cây trúc “tiết cứng” (đốt cứng) lại “hư tâm” (ruột rỗng) nên rất phù hợp với biểu tượng một nhân cách lý tưởng: cứng cỏi, thanh cao, xa với tục lụy, chẳng màng phú quý…

Cụ Nguyễn Trãi đã làm thơ về cây tùng thật khí tiết thì cũng có thơ ca ngợi cây trúc: “Từ thuở hóa rồng càng lạ nữa/ Chúa xuân gẫm càng huyễn thay”. Cụ ca ngợi cây trúc “hóa rồng” sẽ càng làm nó “lạ” thêm. Ý thơ có “mẫu gốc” từ điển tích Phí Trường Phòng đắc đạo trong núi, thầy cho cây gậy trúc để cưỡi gậy mà về. Đến nhà, Trường Phòng vứt gậy ngoài bãi cát, gậy bèn hóa thành rồng mà bay đi. Thì ra đó lại là lời giáo huấn phải cố vượt khó mà học tập giỏi để “đạt đạo” thì sẽ hóa tiên, hóa rồng. Còn là một lời răn phải sống thanh cao như trúc mới có thể hiện thực hóa được lý tưởng… Các cụ ta ngày xưa dạy con cháu “thâm”, sâu sắc mà cũng tinh tế lắm. Ta hiểu thêm vì sao kiến trúc chạm khắc đình chùa có những bức khảm “trúc hóa long” rất sống động.
image003.jpg -1

Rừng trúc.

Hình dáng thanh mảnh mà cứng cáp, vỏ da tươi tắn, trơn bóng, dù gió to, mưa bão, dù nóng, dù lạnh, cây trúc vẫn bình thản, không mấy thay đổi. Có sức sống mãnh liệt, khả năng chịu đựng mọi thời tiết, không bao giờ chịu rạp xuống đất, cho dù có bị đốt cháy thì thân vẫn thẳng… nên trúc tượng trưng cho sức sống dẻo dai, tính cách thẳng thắn, kiên trung, chính trực của bậc quân tử. Thường mọc thành bụi, khóm tựa vào nhau mà cứng cỏi nên trúc còn là biểu tượng cho sự đoàn kết vươn lên.

Ở ta, cuối thời Hậu Lê có cụ Ngô Thế Lân tài cao học rộng yêu cây trúc đến mức lấy tên hiệu là Ái Trúc Trai và trước tác về tiếng trúc với tập “Phong trúc tập” (tập thơ về tiếng gió trong bụi trúc) có những câu thật đáng ngẫm về mối quan hệ biện chứng giữa thời cuộc và con người: “Trúc nhân gió mà thành tiếng, gió nhân trúc mà có hình tích. Bởi thế, gió đến thì trúc kêu, gió đi thì trúc thôi; gió lớn thì kêu lớn, gió nhỏ thì kêu nhỏ, đó là tại gió chứ không phải tại trúc…”.

Ngược về trước, khi nhắc đến Trạng nguyên tài năng Mạc Đĩnh Chi là phải nói đến giai thoại “trúc - tước”. Sách “Việt sử tiêu án” kể ông đi sứ sang Tàu mừng vua Nguyên lên ngôi. Người Nguyên thấy ông thấp bé nên có vẻ xem thường. Chợt thấy có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc, Mạc Đĩnh Chi liền kéo xuống xé nát ra. Người Nguyên hỏi cớ sao, ông giải thích: “Cổ nhân chỉ vẽ mai và tước (chim sẻ), chưa thấy vẽ trúc và tước. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu thế này là đưa tiểu nhân lên trên bậc quân tử, vì đạo lý Thánh triều nên tôi xé đi”. Nghe vậy người Nguyên phục lắm, hết cái ý xem thường.

Hạt nhân của giai thoại là đề cao trí thông minh của Trạng qua đó khẳng định biểu tượng trúc đã ăn sâu vào phong tục cả phương Đông. Ngày nay bộ môn Phong thủy học hiện đại khẳng định trúc là loại cây có “phong thủy” rất tốt bởi hội tụ đủ 5 yếu tố của sự hài hòa về âm dương: là loại cây (mộc); trồng trên đất (thổ); cần nước để sống (thủy); trồng trong chậu cảnh bằng gốm (hỏa); trồng trong chậu cảnh bằng kính (kim). Ngoài ra trúc còn là loại cây thuốc quý. Thế nên ngày nay ở nhiều nước (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật…) trúc được trồng trước nhà hoặc đặt (chậu cây) trong phòng ở vị trí đẹp nhất.

Với hình dáng giàu tính tạo hình lại là một biểu tượng văn hóa, dễ hiểu trúc được đặt vào mảnh đất hội họa để nảy nở ra những hình tượng mới. Nhiều kiệt tác về trúc trong hội họa Trung Hoa được thế giới trầm trồ chiêm ngưỡng. Ở nước này trúc được giới cầm bút vẽ quan tâm đến mức tạo ra một trường phái có tên “Hồ Châu trúc phái”. Phái này tôn Văn Đồng (1018-1079) làm tổ sư. Ông này hiệu Dữ Khả, vốn từng làm quan tại Hồ Châu thời nhà Tống.

Tương truyền, có lần ông vẽ xong, một chú mèo ngỡ là trúc thật bèn chạy đến nằm dưới bức tranh tắm nắng. Tô Đông Pha có làm thơ khen: “Dữ Khả họa trúc thời/ Kiến trúc bất kiến nhân/ Khởi độc bất kiến nhân/ Tháp nhiên di kỳ thân” (Dữ Khả vẽ trúc/ Chỉ thấy trúc chứ không thấy người/ Không chỉ không còn thấy người thôi đâu/ Còn quên hẳn bản thân mình nữa).

Câu chuyện toát lên một ý: người nghệ sĩ phải toàn tâm toàn ý, sống chết, quên mình, nhập thân vào đối tượng nghệ thuật mới có thể lột tả được cái thần sự vật. Nói đến triết học cổ Trung Hoa không thể không nhắc đến “Trúc lâm thất hiền” (Bảy vị hiền nhân trong rừng trúc). Bảy vị nhân tài văn chương ấy là Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm sống thời cuối Ngụy đầu Tấn (thế kỉ III) chán ghét chế độ đen tối đương thời bèn rủ nhau vào ẩn trong rừng trúc đánh đàn, uống rượu, làm thơ, bàn cái đẹp Lão Trang...
untitled-2.jpg -0

Tranh cổ Trung Hoa “Trúc lâm thất hiền”.

Được bứng vào để trồng trong mảnh đất văn học nghệ thuật đã từ rất lâu, trúc trở thành một ẩn dụ cho đấng nam nhi. Nhưng ở nước ta, nhờ được hấp thụ không khí dân chủ, bình đẳng, cây trúc còn là ẩn dụ cho phái nữ. Nhờ sự luyến láy trữ tình của dân ca quan họ Bắc Ninh, trúc biến thành “chị Hai” duyên dáng chân quê: “Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc/ Qua lối nọ như bờ ao/ Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng/ đứng nơi nào qua lối như cũng xinh/ Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc/ Qua lối nọ như bên đình/ Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng/ đứng một mình qua lối như càng xinh”.

Đây lại là một tuyên ngôn mỹ học: đã là cái đẹp chân chính thì ở đâu, trong không gian nào, dù nơi khuất tối lạnh lùng (bờ ao), dù nơi đông đúc ồn ào (bên đình), dù phải đứng một mình, vẫn đẹp, vẫn xinh. Trong văn học viết, “Rừng trúc” (Nguyễn Đình Thi) là một vở kịch đặc sắc đầy tinh thần ẩn dụ. Kiến tạo một bi kịch thời Trần trước nạn xâm lăng của quân Nguyên hùng mạnh, mâu thuẫn trong hoàng tộc lại hết sức căng thẳng đến mức vua (Trần Thái Tông) bỏ ngôi lên rừng trúc Yên Tử nương vào cửa Phật. Đúng lúc đó Thái sư Trần Thủ Độ với phẩm chất của bậc “kinh bang tế thế” đã giải quyết êm thấm các mối hận riêng để tất cả đoàn kết cùng nhau đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Thế là mỗi người đều thành một cây trúc, tất cả hợp thành một “rừng trúc” để lập nên chiến công vô cùng hiển hách.

Ở nước ta cây trúc thân thiết với con người như một người bạn. Ở nhà quê, chỉ cách nay 30, 40 năm cảnh những đứa trẻ mục đồng cưỡi trâu thổi sáo là nét dân dã thường ngày. Thôn quê ở đâu cũng có trúc, thường mọc xen lẫn vào các bụi tre. Lũ trẻ tìm chặt những cây trúc đẹp, ưng ý nhất về cặm cụi gọt lỗ làm sáo. Chẳng cần biết nhạc lý, cứ đưa lên miệng, các ngón tay bấm lỗ rồi thổi cho hơi thoát ra thành tiếng… Có đứa giỏi thổi thành bài, cũng hay. Hay hơn cả là góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn gắn mình với quê hương bản quán… Cây trúc thân thiết hơn cả với đồng bào dân tộc Mông sống trên núi cao.

Với người Mông, cây trúc hiện diện khắp không gian đời sống thực lẫn trong phong tục, tập quán. Trúc để đan thành những chiếc lu cở cho những phụ nữ tảo tần xuống chợ, lên nương. Trúc làm nên những chiếc ghế tròn… Ý nghĩa nhất là để làm những ống khèn, ống sáo cho âm thanh vang vọng, xao xuyến, nói như nhà văn Tô Hoài trong “Vợ chồng A Phủ” là “thiết tha bồi hồi” trong những đêm tình mùa xuân.

Rất lạ, chỉ trúc trên vùng cao Tây Bắc để làm khèn làm sáo thì âm thanh mới có hồn, mới rõ được các cung bậc tình cảm, nói như người Mông ta là “mới gửi được hồn người” vào đó. Phải là những cây trúc già, chắc, thẳng, đều, nhẵn thường mọc bên bờ suối mới làm khèn, làm sáo tốt. Tiếng sáo, tiếng khèn ấy được các chàng trai thổi trong những đêm trăng thì lại càng hay, cứ làm cho hồn người thêm bâng khuâng như nhung nhớ một cái gì.

Đêm trăng sáng vùng cao trong vắt, càng nơi hoang vắng càng trong, càng thánh thiện, như mời như gọi, nếu không ra khỏi nhà để hưởng cái không gian dìu dặt tiếng khèn tiếng sáo như đẩy bầu trời cao thêm làm không gian yêu đương thêm nới rộng, thì rất có lỗi với chính mình. Lúc ấy thấy thật yêu đời, nhất là những ai biết tiếng Mông, hiểu phong tục Mông sẽ hiểu vì sao với người Mông cái sáo, cái khèn lại thiêng liêng đến vậy!

                                              Theo: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.475.457
Tổng truy cập: