KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Bí ẩn thành phố vàng El Dorado
(Ngày đăng: 20/02/2013   Lượt xem: 649)

Người châu Âu đã dệt nên huyền thoại về thành phố vàng El Dorado thu hút nhiều nhà thám hiểm không tiếc mạng sống để chứng minh sự tồn tại của nó. Và, sau nhiều nỗ lực kéo dài, mới đây các nhà nghiên cứu khảo cổ khẳng định: thành phố vàng El Dorado chẳng hề tồn tại!

vang 1.jpg

Hình ảnh minh họa về thành phố El Dorado huyền thoại ở Nhà Bảo tàng Museo del Oro ở Bogota.

Thật ra, đối với thổ dân châu Mỹ thì El Dorado không phải là một địa điểm, mà đúng hơn là tên một người thủ lĩnh cực kỳ giàu có được gọi là "người vàng". Tương truyền rằng, người này phủ vàng lên người từ đầu đến chân vào mỗi buổi sáng sớm rồi sau đó rửa sạch lớp vàng trong một hồ thiêng vào chiều tà.

Giấc mơ vàng về El Dorado - thành phố vàng đã mất - đã lôi kéo nhiều nhà thám hiểm không tiếc công sức đi sâu vào những khu rừng nhiệt đới ẩn tàng nhiều nguy hiểm và những vùng núi non ở Nam Mỹ. Nhưng cuối cùng tất cả đều công cốc! Câu chuyện thật đằng sau huyền thoại El Dorado được sáng tỏ dần trong những năm gần đây nhờ sự nghiên cứu phân tích các tài liệu văn thư cổ được giải mã kết hợp với cuộc nghiên cứu khảo cổ mới. Cuối cùng, người ta đã khám phá câu chuyện thật về một nghi lễ chuyển tiếp cổ xưa của người Muisca sống ở miền Trung Colombia từ năm 800 cho đến tận hôm nay.

Các nhà viết sử Tây Ban Nha đến vùng đất mới vào đầu thế kỷ XVI và bắt đầu mô tả nghi lễ này. Một trong những văn bản lịch sử có giá trị nhất thuộc về tác giả Juan Rodriguez Freyle. Cuốn sách của Freyle - "Cuộc chinh phục và khám phá vương quốc mới Granada" xuất bản năm 1636 - cho biết nghi lễ chọn ra "người vàng" mới để kế vị sẽ được tiến hành trong xã hội người Muisca ngay sau khi thủ lĩnh của cộng đồng qua đời.

Thủ lĩnh mới được chọn của cộng đồng - thường là cháu trai của thủ lĩnh quá cố - sẽ phải trải qua tiến trình nghi lễ kéo dài và phần cuối cùng là ngồi lên một chiếc bè nổi trên mặt nước một hồ thiêng - như là hồ Guatavita ở miền Trung Colombia. Người kế vị sẽ lột bỏ hết mọi quần áo đang mặc và phủ bùn trộn với bột vàng lên người. Đứng giữa 4 thầy tế cao cấp nhất được trang điểm bằng lông vũ, vương miện bằng vàng và đồ trang sức đeo khắp thân người, tân thủ lĩnh bắt đầu tung các món đồ bằng vàng, ngọc lục bảo và các vật quý giá khác xuống hồ để cúng tế các thần linh.

vang 2.jpg
2 - Đồ tạo tác bằng vàng dùng để cúng tế thần linh ở Nam Mỹ được các nhà khảo cổ tìm thấy; 3 - Chiếc bè vàng của người Muisca được trưng bày tại Nhà bảo tàng Vàng ở Bogota; 4 - Enrique Gonzalez (trái), hậu duệ hiện nay của người Muisca, và nhà thám hiểm Jago Cooper; 5 - Bản đồ cổ về El Dorado.

Trên bờ hồ đông đảo người tham dự nghi lễ chơi đủ loại nhạc cụ, đốt lửa thắp sáng cả khu vực hồ thiêng không được ánh sáng ban ngày rọi đến này. Ngay trên chiếc bè cũng có 4 đốm lửa cháy bừng tung bụi tro lên trời. Khi chiếc bè trôi đến giữa hồ, thầy tế sẽ vẫy lá cờ để thu hút sự chú ý của đám đông trên bờ. Đây là lúc mọi người tung hô vị thủ lĩnh mới và hò hét bày tỏ lòng trung thành của họ.

Điều thú vị là sự mô tả các sự kiện được xác nhận qua cuộc nghiên cứu khảo cổ hết sức nhọc nhằn. Cuộc nghiên cứu cũng tiết lộ kỹ năng ngoại hạng và mức độ quy mô của việc sản xuất vàng ở Colombia vào thời người châu Âu tìm đến vào năm 1537. Trong xã hội người Muisca, vàng hay bạc và đồng gọi là tumbaga - không có giá trị vật chất như ngày nay mà chỉ là vật kết nối với thần linh cũng như khả năng mang lại sự cân bằng và hài hòa trong cộng đồng Muisca của nó.

Theo giải thích của một hậu duệ người Muisca tên là Enrique Gonzalez, vàng không là biểu tượng cho sự giàu sang tột đỉnh mà chỉ là vật để cúng tế thần linh. Theo nghiên cứu mới đây của nhà khoa học Marcos Martinon-Torres ở Viện Khảo cổ học UCL (Anh), người Muisca mong muốn thần linh duy trì sự cân bằng của vũ trụ và bảo đảm mối quan hệ ổn định giữa họ với môi trường đang sống. Theo nhà khảo cổ học Roberto Lleras Perez - chuyên gia về đồ tạo tác bằng vàng và hệ thống tín ngưỡng của người Muisca, cộng đồng này dành hơn 50% sản vật chế tác bằng vàng của họ để cúng tế các thần linh.

Các nhà khảo cổ học hiện đang cố gắng đấu tranh chống lại nạn cướp bóc đang tăng trước sức hấp dẫn của El Dorado. Cũng giống như những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, những nhà thám hiểm hiện đại tìm kiếm kho báu vẫn tiếp tục lùng sục quá khứ của Nam Mỹ và lấy đi tất cả những đồ tạo tác bằng vàng phát hiện thấy. Điều đó có nghĩa là tuyệt đại đa số những đồ tạo tác bằng vàng thời tiền Colombia đã bị bọn trộm cắp nấu chảy và giá trị của nền văn hóa cổ xưa coi như bị mất vĩnh viễn.

Nhưng có điều may mắn là một số bộ sưu tập đồ tạo tác được gìn giữ tại Nhà Bảo tàng Anh và Nhà Bảo tàng Museo del Oro ở thủ đô Bogota của Colombia giúp mọi người khám phá giá trị tinh thần của người xưa và đặc biệt là kể câu chuyện thật đằng sau huyền thoại thành phố vàng El Dorado

 

Nguồn: ANTĐ

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.473.739
Tổng truy cập: