KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
(14)- Độc đáo ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực
(Ngày đăng: 06/04/2021   Lượt xem: 180)

Nằm cách trung tâm huyện Tiên Yên gần 30km, trên triền núi cao thoai thoải, xã Đại Dực là nơi cư trú của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Không giống với phương cách sống du canh, du cư của nhiều dân tộc thiểu số khác, cộng đồng người dân tộc Sán Chỉ luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm nương, trồng ngô, trồng lúa. Từ quan niệm đó đã hình thành nên nét đặc trưng trong văn hoá kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Sán Chỉ.

Nằm nép mình bên những sườn đồi xanh ngút ngàn, giữa rất nhiều ngôi nhà mái bằng đủ sắc màu, mái đỏ nằm chen chúc nhau là thấp thoáng vài ba ngôi nhà sàn bình dị của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Nếp nhà sàn – nơi chứa đựng ký ức là một minh chứng rõ nét về sức sống lâu bền văn hoá của dân tộc Sán Chỉ. Qua nhiều thế hệ, ngôi nhà sàn vẫn là người bạn gắn bó thân thiết với nhiều cộng đồng dân tộc.

Tuy cùng chung một nguồn gốc ra đời, nhưng mỗi dân tộc lại có những sáng tạo trong kiến trúc ngôi nhà sàn của mình, phù hợp với nét phong tục tập quán riêng.

Được biết, xã Đại Dực hiện có hơn 300 hộ dân là người Sán Chỉ, chỉ còn lại 8 ngôi nhà sàn truyền thống, số còn lại đã bị phá dỡ và xây mới thành nhà hiện đại.

Ảnh 1 Ngôi nhà của ông Nình A Liềng được xây dựng từ 1969, là kiểu nhà ở đặc trưng ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhà thường được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Viên úp nằm che
Toàn cảnh ngôi nhà của ông Nình A Liềng được xây dựng từ năm 1969, ở xã Đại Dực (Tiên Yên).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngôi nhà hai mái vững chãi là kiểu nhà ở đặc trưng của người Sán Chỉ ở Đại Dực. Nhà thường được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Mỗi ngôi nhà là một không gian văn hoá rất đặc biệt và những nét đẹp của người Sán Chỉ được lưu giữ dưới những nếp nhà sàn này.

Ngôi nhà của ông Nình A Liềng ở xã Đại Dực là một trong các ngôi nhà truyền thống của đồng bào Sán Chỉ còn lại ở Đại Dực. Có tuổi thọ khoảng 40 năm, ngôi nhà của ông Liềng chủ yếu được làm từ gỗ, bao gồm từ khung cột, vách ngăn, kèo. Sàn nhà cao hơn mặt đất chừng 0,3m - 0,5m. Gian chính giữa dùng để tiếp khách và ngăn thành nhiều phòng ngủ. Tiếp sau các phòng ngủ, bếp được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và đồ dùng được làm bằng tre nứa. Ngoài khu nhà chính, ngôi nhà còn có hai chái nhà hai bên hồi nhà.

Ông Liềng cho biết ngôi nhà này được làm từ năm 1969. Ngày đó, ông phải đi kiếm gỗ, đá cuội, gạch, ngói để xây. Ở đây không còn nhiều nếp nhà như thế này. Họ xây dựng nhà mới hiện đại hết rồi. Nhưng ông muốn giữ lại, để cho con cháu biết được cái gốc tích của dân tộc Sán Chỉ.

Với kỹ thuật khéo léo của người thợ xưa, ngôi nhà sàn truyền thống ở đây rất ít dùng đến đinh, sắt mà chỉ dùng kỹ thuật kèo, cột với mộng gỗ, tạo thành ngôi nhà vô cùng chắc chắn.

Qua nghiên cứu, nhà sàn người Sán Chỉ thường có chiều cao từ 5- 7 m, nếu là nhà 3 gian thì phải có 4 vì cột, mỗi vì có từ 5 - 7 hoặc 9 cột, cột được đẽo, xẻ từ các loại cây gỗ to, chắc như nghiến, lim, táu… Chiều sâu nhà trung bình từ 5 - 9 hàng cột, mỗi hàng cột cách nhau 2,5 - 3m. Các thanh gỗ được nối với nhau bằng các chốt đầu vì kèo vì cột và được làm bằng gỗ ở trong rừng. Sau đó mang về ngâm bùn nước ao khoảng 1-3 năm, phơi khô rồi mới làm cột nhà. Chính vì vậy dù trải qua bao năm tháng nhưng những chiếc cột vẫn vững chãi và nhờ có khói bụi bếp củi bám vào nên không có mối mọt.

Một góc bên trong ngôi nhà của ông Liềng.
Một góc bên trong ngôi nhà của ông Liềng.

Người Sán Chỉ thường có những kiêng kỵ liên quan đến ngôi nhà sàn. Những kiêng kỵ đó vừa mang tính tâm linh nhưng cũng rất khoa học, rất đúng về quan hệ đạo đức xã hội. Trong việc chọn cây làm nhà, người Sán Chỉ luôn kiêng sử dụng các loại cây cụt ngọn, cây sâu gốc, cây có tổ kiến, nhất là chọn cây làm cột cái và chọn cây để chẻ lạt buộc dui mè lợp mái. Điều này được lý giải rằng, cây cụt ngọn, sâu gốc là cây yếu, gỗ không tốt khi làm nhà sẽ không bền  lâu, khó chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt.

Hiện nay, cuộc sống ngày một đổi thay. Tại các vùng núi cao, những nếp nhà sàn truyền thống được thay thế dần bằng những ngôi nhà mái bằng được xây kiên cố theo kiến trúc mới. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như vật liệu gỗ làm nhà ngày một khan hiếm, ngày càng có ít những người thợ biết làm nhà sàn, quỹ đất ngày càng ít... Dù còn nhiều khó khăn trong việc bảo tồn nhưng thực tế tại các làng, bản, số lượng nhà sàn truyền thống vẫn tồn tại theo ước nguyện của nhiều gia đình như một minh chứng cho nét văn hóa đặc sắc trường tồn của đồng bào dân tộc nơi đây.

                                            Theo: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.464.481
Tổng truy cập: