KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
(29-33) - Giữ nghề truyền thống Hà Nội: Lưu giữ giá trị truyền thống và hiện đại
(Ngày đăng: 18/08/2019   Lượt xem: 241)

Với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm năm, làng nghề tạo lên một bản sắc văn hóa của Hà Nội. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, làng nghề truyền thống ngày mai một. Một số nghề mất đi, không ít nghề đang phải tìm những hướng đi mới.


Bài 1: Nhiều nghệ nhân chật vật giữ nghề


Với quá trình đô thị hóa, nhiều nghề truyền thống mai một, nhiều nghề cũng phải thay đổi tìm hướng đi riêng để tồn tại.


Sự hoài niệm


Là kinh đô xưa nên Hà Nội trước kia có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng có nghề giấy dó khu vực Bưởi – Cầu Giấy. Bản thân địa danh Cầu Giấy cũng nhắc đến một vùng trước đây sản xuất giấy mà nổi tiếng là giấy dó. Nghề làm giấy cũng đi vào câu ca dao “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. 

Mô hình làng nghề giấy dó tại phường Bưởi (Tây Hồ)


Một nghề gắn bó với người dân cả trăm năm nhưng với nhiều người dân vùng Bưởi – Nghĩa Đô, nghề này đã trở thành dĩ vãng từ khoảng 30 năm nay.  Bà Phùng Thị Ring, làng Đông Xá, phường Bưởi (62 tuổi) vẫn nhớ những động tác seo giấy phải dẻo tay để chao đi chao lại trong bể bột dó và trên liềm seo (là tấm mành nhỏ) để tạo nên tờ giấy dó mỏng. Còn ông Hà Nam làng Hồ, phường Bưởi (65 tuổi) vẫn nhớ những lần phải giã nhuyễn vỏ dó và âm thanh đó vẫn in đậm với những người lớn tuổi. 


Hiện cả vùng Bưởi - Nghĩa Đô còn gần 200 người từng làm giấy dó và nay cũng tầm 60-80 tuổi. Ông Nguyễn Phương Khánh, Ban Mặt trận tổ quốc tổ Đông Xã, phường Bưởi cho hay: Hiện phường Bưởi có mô hình về làm giấy dó tại tại khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ phường Bưởi (phố Trích Sài, quận Tây Hồ). Còn lại không còn nhà nào làm giấy dó nữa do nghề này cần nhiều nước, dễ gây ô nhiễm môi trường nếu như không có công nghệ xử lý tốt. 

 

Trình diễn seo giấy dó tại Ban quản lý phố cổ Hà Nội.


Trong khi đó, đỉnh cao của làm giấy dó là giấy sắc phong hiện cả vùng Bưởi – Nghĩa Đô chỉ còn lại nghệ nhân Lại Phú Thạch còn làm. “Loại giấy này không còn làm từ năm 1945, khi triều đình phong kiến không còn nữa. Nhưng gia đình vẫn còn đồ nghề và lưu lại kỹ thuật sản xuất. Vài năm trở lại đây, một số dòng họ, đền chùa tìm đến hỏi mua để phục hồi các giấy sắc phong, tôi cũng đã làm lại. Do làm đơn lẻ nên giá đắt tới 4-5 triệu đồng/tấm nhưng họ vẫn đặt mua. Hiện cơ sở làm giấy sắc phong được đặt địa điểm khác gần Chèm. Còn tại Nghĩa Đô chỉ còn nhà thờ tổ họ Lại và một số dụng cụ trước kia từng làm nghề giấy dó, giấy sắc phong”, ông Thạch chia sẻ 


“Tôi rất mong có biện pháp giữ lại kỹ thuật truyền thống làm giấy dó, trong đó có làm giấy sắc phong. Với cá nhân tôi, nghề này giờ không còn là nghề có thể mưu sinh. Nghề này được cha tôi truyền lại và mày mò làm lại để giữ lại nghề truyền thống. Còn đến đời con cháu thì không ai theo vì không đảm bảo cuộc sống”, ông Thạch tâm sự trong nuối tiếc.


Là nhà nghiên cứu về giấy dó, họa sĩ Đào Ngọc Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng chia sẻ: Cũng như một số nghề truyền thống khác của người Việt xưa, nghề làm giấy dó đã có nhiều thế kỷ hưng thịnh trước khi bị mai một do sự phát triển của đô thị và kinh tế xã hội chung. Được đánh giá là một trong những loại giấy bền nhất thế giới, có thể lên đến 600 đến 700 năm, trong khi giấy dó của Nhật Bản hay Trung Quốc chỉ có độ bền từ 400 đến 500 năm dù điều kiện bảo quản của họ tốt hơn ta. Chất liệu giấy tốt là vậy nhưng nay mai một và ít người biết đến.


Thực tế trên một số tuyến phố cổ Hà Nội vẫn có cửa hàng bán giấy dó từ làng nghề Bắc Ninh. “Một số cơ quan nghiên cứu, dòng họ, nghệ sĩ vẫn có người đặt hàng sản xuất nghệ nhân Lại Phú Thạch cho thấy thị trường vẫn có nhu cầu. Đây là cơ sở hy vọng khôi phục lại nghề truyền thống giấy dó”, bà Trần Thúy Lan, Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.


Không chỉ giấy dó, trước sức ép đô thị hóa và thị hiếu thay đổi, nhiều làng nghề truyền thống trước đây giờ không còn. Câu ca dao về các nghề truyền thống của Hà Nội như: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn" giờ chỉ còn lại sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn tồn tại. Còn hầu hết những sản phẩm nghề truyền thống trong câu ca dao xưa đều không còn xuất hiện trên thị trường hoặc chỉ còn vài người theo nghề.


Day dứt giữ nghề truyền thống


Không chỉ các làng nghề mai một, trong 36 phố “hàng” tại khu phố cổ Hà Nội ngày này, nghề truyền thống cũng dần mai một. Dạo quanh một vòng phố cổ Hà Nội có thể thấy một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Thuốc Bắc, Hàng Bạc... Một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, Hàng Đào chủ yếu bán quần áo, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện với nhiều cửa hàng lưu niệm, quán xá phục vụ du lịch…. “Những người làm nghề truyền thống trong phố cổ vẫn còn nhưng chủ yếu là người lớn tuổi”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người đam mê về nghề phố cổ nhận định.


Một trong những con phố luôn tấp nập du khách qua lại đều quanh năm là phố Hàng Bạc với nhiều cửa hàng buôn bán vàng bạc. Những người lớn tuổi trên phố Hàng Bạc vẫn kể lại hình ảnh về cách làm nghề truyền thống với  những ông thợ bạc, thợ dát vàng ngồi trước cái bễ, vừa kéo bễ vừa cầm búa đập, dát những vòng tay,những chiếc lắc kỷ niệm. Trước đây, người của làng của phố ra Hàng Bạc đánh bộ xà tích, đặt làm đôi khuyên, đôi hoa tai vàng, cái vòng cổ, sợ dây chuyền…Thợ, thường cũng là chủ hiệu, sẵn lò, đe, đồ nghề đấy mà kéo bễ, đập dát ngay cho khách ngồi đợi… Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ tinh xảo kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất kinh kỳ. Họ xuất thân từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở Bắc Việt Nam: làng Châu Khê, (Hải Dương), làng Định Công (Hà Nội) và làng Đồng Sâm (Thái Bình).


Tuy nhiên, số người còn làm thủ công truyền thống tinh xảo chỉ còn vài người. Như nghệ nhân Nguyễn Chí Thành , 69 tuổi (Hàng Bạc) vẫn kiên trì theo đuổi nghề kim hoàn gia truyền của dòng họ. Ông Thành là người làng Đình Công, làng tổ nghề kim hoàn. Nhiều thế hệ trong gia đình ông đã sống ở phố Hàng Bạc hơn một thế kỷ và đã theo đuổi nghề chạm bạc đến ông là đời thứ tư. “Làm thợ nghề này không mang lại cho người ta sự giàu sang nhưng đam mê ngấm vào máu, nhất là khi chạm những hoạt tiết tinh xảo. Để làm được một sản phẩm nhẫn bạc, người chế tác phải trải qua các công đoạn cơ bản như: Chia bạc ra để làm ổ, làm hoa, họa tiết, sau đó cuối cùng mới làm phần thân và ghép các chi tiết. Cái tài của người thợ là phải tính toán lượng nguyên liệu hợp lý để vừa đủ”.


Dọc tuyến phố Hàng Bạc, dù rất nhiều cửa hàng bày bán những sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc như đều được làm bằng máy móc, hay còn gọi là mỹ nghệ công nghiệp với mặt hàng tương đối giống nhau. Còn những người làm thủ công như nghệ nhân Nguyễn Chí Thành bằng thủ công đếm được trên đầu ngón tay.


Trong khi đó, vào dịp trung thu, bên cạnh những mặt hàng trung thu “lấp lánh” có nguồn gốc Trung Quốc dọc tuyến phố Hàng Mã, mặt nạ bằng giấy bồi của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa – Đăng Hương Lan vẫn được nhiều người nhắc đến. Dịp này, ngôi nhà số 73 Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan tất bật hơn để tạo ra những chiếc mặt nạ trung thu bằng giấy bồi quen thuộc với trẻ thơi. “Dịp gần tết Trung thu, tôi và vợ vẫn mang những mặt nạ giấy bồi bán ở góc giao Hàng Lực với Hàng Mã, nơi tổ chức chợ trung thu phố cổ với mong muốn giữ lại nét truyền thống của Hà Nội xưa”, ông Hòa chia sẻ.


Trước đây, có tới cả chục nhà trong khu phố làm mặt nạ giấy bồi. Vào dịp Trung thu, khắp phố phường Hà Nội bày bán mặt nạ với nhiều hình thù và rất đắt khách. Hơn chục năm lại đây, đồ chơi trung thu ngày càng đa dạng, hiện đại lấn át đồ chơi truyền thống. “Do đó,  mặt nạ giấy đã dần xa lạ với trẻ em. Không bán được hàng, nhiều người vì thế mà bỏ nghề, riêng vợ chồng tôi vẫn bám trụ vì coi như là nghiệp chứ không vì kiếm tiền. Muốn có sản phẩm đẹp phải làm rất kỳ công. Một thời gian khi báo chí thông tin mặt nạ nhựa có chất độc, nhiều người quay lại mặt hàng truyền thống, lái buôn thấy đắt khách lại làm bắt chước với giá rẻ”, bà Lan chia sẻ.


Mặt nạ trung thu muốn hấp dẫn trẻ em phải  đáp ứng được độ mịn, độ bóng, khi ghép giấy phải sao cho không được nhăn và khuôn phải đẹp. Đồng thời phải có sự đa dạng về các khuôn mẫu, như vậy mới có thể thu hút được người mua, nhất là khâu trang trí vẽ sao cho có hồn, thần thái.


Hiện nhu cầu của trẻ em quay về sử dụng các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống nhiều hơn so với trước đây. Mỗi mùa trung thu về, gia đình nghệ nhân Hòa được khoảng 3000 chiếc mặt nạ với gần 30 khuôn mẫu với các hình thù con vật khác nhau. Dù là người cuối cùng trong khu phố cổ làm nghề này, ông Hòa, bà Hương vẫn luôn mong muốn có những người tiếp tục giữ nghề truyền thống. 


Các nghề truyền thống khác trong phố cổ Hà Nội như tranh Hàng Trống, khuôn bánh trung thu, đèn kéo quân, tàu thủy sắt… cũng trong tình trạng tương tự. Những nghệ nhân, người thợ thủ công vẫn làm nghề khi có yêu cầu với mong muốn giữ nghề truyền thống bởi một tình yêu, giữ lại nét riêng của Hà Nội nhưng trong sự “cô đơn”. Không ít nghệ nhân cũng ý thức được sự chuyển mình với mẫu mã cải tiến hơn để phù hợp với thị hiếu, để sản phẩm được nhiều người biết đến nhưng vì nhiều lý do nghề truyền thống  không “nuôi” được nghệ nhân.

(Còn nữa)
                                                       Theo: vanhien.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.470.673
Tổng truy cập: