KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
An Giang: Ngắm không chán những cổng chùa quê xa xưa, huyền ảo
(Ngày đăng: 13/10/2018   Lượt xem: 523)

Nhiều du khách phương xa tìm đến xứ Bảy Núi (An Giang) để thăm thú cảnh đẹp trời ban. Đi qua mấy ngôi chùa Khmer nằm nghiêng nghiêng bên núi, nhìn cổng chùa “trơ gan cùng tuế nguyệt”, họ nghĩ ngay đến những cánh cổng thời gian. Lối ví von ấy chẳng hề quá đáng chút nào, khi thời gian đã kỳ công tô điểm cho cổng chùa một sự huyền ảo, xa xưa nhưng vẫn gần gũi với con người.

 Theo các nhà nghiên cứu, chùa Khmer được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào với những đặc điểm kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Họ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để quyên góp những gì mình có được cho chùa, góp công, góp của xây dựng chùa ngày càng khang trang.

Để rồi, ngôi chùa trở thành điểm đến linh thiêng của mỗi người dân. Họ đến chùa sinh hoạt, cầu nguyện, vui chơi, trút cạn tâm tư mình vào cõi Phật. Bước chân từ chùa trở về nhà luôn nhẹ bẫng, bình yên.

 an giang: ngam khong chan nhung cong chua que xa xua, huyen ao hinh anh 1

                                                     Cổng chùa Tuôl Pra Sath nổi bật giữa cánh đồng

Và, họ dồn nhiều tinh hoa, khéo léo vào kiến trúc chùa. Riêng phần cổng, tường rào chùa đã rất kỳ công, đặc sắc. Nhà nghiên cứu Trần Bảo Ngọc khẳng định: cổng, tường rào là thành phần không thể thiếu của một ngôi chùa. Cổng thường 3 loại. Loại thứ nhất làm bằng khung gỗ, có mặt bằng hình chữ T, tạo thành 2 lối đi 2 bên, có đặt ghế ngồi. Bộ mái gồm có 2-3 nếp giao nhau hình chữ thập. Trên nóc chỗ giao nhau có tháp nhọn và được trang trí theo lối truyền thống như ở ngôi chánh điện.

Loại cổng chùa thứ 2, xây dựng bằng vật liệu bê-tông cốt thép. Mặt bằng hình chữ nhật hoặc vuông, trên đỉnh mái có các tháp dạng Angkor nhiều tầng và được trang trí rắn thần Nagar. Loại thứ 3, đơn giản hơn 2 loại trên và mang dáng dấp 1 cổng tam quan của người Việt. Dạng này có kết cấu bằng bê-tông cốt thép, đặc biệt trên tấm đan bê-tông có 3 tháp kiểu Angkor.

 an giang: ngam khong chan nhung cong chua que xa xua, huyen ao hinh anh 2

                                           Cổng chùa Pnôm Pi như cánh cổng làng.

Dù ở dạng nào thì kết cấu cổng tam quan của chùa Khmer vẫn toát lên tư tưởng triết lý Phật giáo. Đó là 3 nguyên tắc tư duy của trí tuệ. Tam quan (thật ra là tam quán) bao gồm: không quan, mang ý nghĩa lối nhìn về bản thể, uyên nguyên; giả quan: lối nhìn về quy luật vô thường; trung quan: cách nhìn thấu suốt đạt chân lý là Phật pháp.

Đồng thời, trong kiến trúc nhiều ngôi chùa cổ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer Nam Bộ, hình ảnh cầu vồng và rắn Nagar tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi "Niết bàn". Các phù điêu Nagar được tin rằng có thể trừ tà, tránh hỏa hoạn và bảo vệ đạo Phật. Hình dạng uốn lượn của rắn Nagar thường được gọi là “cầu Nagar”, tượng trưng cho cầu vồng nối liền thiên giới và hạ giới.

Trong một chuyến công tác tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang), tôi có dịp quan sát kỹ hơn những “cánh cổng thời gian” này. Có nhiều cổng ghi rõ thời điểm xây dựng, cũng ngót nghét mấy chục năm trước. Có cổng đã bị gió sương bào mòn, phủ trên mình một màu đen rêu phong, không còn ai nhớ rõ được xây dựng năm nào.

Các sư sãi, à cha trò chuyện với chúng tôi đều bày tỏ sự tiếc nuối, khi chưa kịp ghi chép lại lịch sử của chùa, của những giai đoạn thăng trầm, trùng tu, tôn tạo các kiến trúc liên quan. Điều thú vị nhất là đôi khi cổng chùa nằm cách xa khuôn viên chùa, gần như trở nên độc lập với chùa.

Ở ấp Pnôm Pi, chiếc cổng tam quan nằm ngay đầu đường, cạnh bên nhà thala, khách đi đường có thể nhầm tưởng đó là… cổng làng. Đi tới vài trăm mét nữa, chùa Pnôm Pi mới thật sự hiện ra, vàng sáng cả 1 đoạn đường.

Lý giải cho sự “xa cách” này, sư cả Chau Sóc Chanh cho biết: “Từ cổng chùa trở về sau, toàn bộ là đất của chùa. Sau này đường mở rộng, nâng cấp lên, cắt ngang mặt tiền chùa, nên cổng nằm ngoài kia, mà chánh điện chùa nằm ở đây. Gần 30 năm nay, cổng chùa vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa phải trùng tu, sửa chữa lại lần nào”.

Quả thật, cổng chùa vẫn còn giữ được màu vàng đặc trưng, các hoa văn chạm trổ tuy giản đơn nhưng sắc nét, sinh động.

 an giang: ngam khong chan nhung cong chua que xa xua, huyen ao hinh anh 3

                                               Một “cánh cổng thời gian” đã bị xuống cấp.

Gây ấn tượng với chúng tôi nhất là cổng chùa Tuôl Pra Sath. Được xây dựng từ năm 1993 (ghi chú trên cổng), cổng vẫn giữ được gần như vẹn nguyên màu sắc tươi sáng, những nét vẽ hoa văn, bức tranh Phật, từng phần điêu khắc tỉ mỉ trên cột, nóc cổng. Phía trước cổng là 2 rắn thần Nagar canh giữ.

Chiếc cổng hiện hữu nổi bật giữa trời xanh ngăn ngắt, đồng lúa và núi non trùng điệp. Bước qua cánh cổng là con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc quanh co, xuyên qua ruộng lúa mơn mởn. Con đường như dài vô tận, mang đến trải nghiệm thật khó quên cho khách vãng lai. Ở cuối đường, ngôi chùa nhỏ ẩn hiện giữa cây xanh. Nói như các sư sãi, à cha, “chùa nghèo lắm, chưa có điều kiện cất, sửa lại". Nhưng cổng và con đường đi vào chùa là niềm tự hào của họ.

Bước qua những “cánh cổng thời gian” ấy, một thế giới rất khác được mở ra trong tầm mắt. Đó là sự giao hòa mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa đạo và đời, giữa xưa và nay. Ở nơi đó, dấu vết tiền nhân để lại khắc ghi vào trời đất, tư tiếng vọng của quá khứ gửi vào bình yên mai sau…
                                                                                    Theo: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.472.043
Tổng truy cập: