KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Nhọc nhằn mưu sinh nghề cào ốc, hến ven sông
(Ngày đăng: 29/08/2018   Lượt xem: 266)

Cuộc sống bám sông nước tưởng như chỉ xuất hiện tại những vùng ven biển, ven sông, thế nhưng ngay tại Thủ đô, hàng trăm hộ dân vẫn lấy công việc cào ốc, hến ven các con sông để mưu sinh. Cái nghề đã gắn bó với họ từ vài chục năm, nhiều hộ xây nhà, nuôi con ăn học nhờ chính những mẻ quăng, cào nhưng thậm chí nhiều người cũng gặp hiểm nguy từ chính công việc đó. Dù biết là vất vả, nguy hiểm luôn rình rập nhưng mỗi ngày người dân nơi đây vẫn phải bám riết với nghề vì miếng cơm manh áo.

Nghề “cào” lên cuộc sống

Trong khi nhiều dòng sông khác ở Hà Nội đã nhuốm màu ô nhiễm thì nước sông Bùi vẫn trong xanh, lắm cua, nhiều hến để các hộ dân sống ven sông được hưởng lợi. Với hành trang là chiếc cào sắt đơn sơ cứ thế họ đi dọc triền sông Bùi kiếm cá, tôm, trai, hến,... vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa buôn bán, trang trải cuộc sống.

Một người có thâm niên 25 năm trong nghề cào hến chia sẻ nghề cào ốc, hến cũng như nhiều nghề khác, cũng có ngọt bùi, có đắng cay. Ngày nào cũng vậy, công việc của người cào hến ven sông Bùi bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 3 - 4 giờ chiều thậm chí có thể muộn hơn. Theo chân những người cào ốc, hến trong một ngày mới có thể thấu hiểu được sự vất vả, những hiểm nguy của cái nghề mà người trong nghề vốn hay gọi là “bạc mệnh” này.

nhoc nhan muu sinh nghe cao oc hen ven song
Những phụ nữ theo nghề cào hến phải dầm mình xuống nước cả ngày, bất kể mùa đông hay mùa hè

Theo những người dân nơi đây, ốc, hến có quanh năm, nhưng rộ mùa chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tháng 3, sông cạn nước hơn, con hến qua một mùa mưa cũng sinh sôi nảy nở nhiều và đó là dịp để người làm nghề nhộn nhịp một mùa hến mới. Tuy sông Bùi không quá nhiều hến như các dòng sông khác nhưng với một ngày vất vả ngâm mình dưới lòng sông, người dân nơi đây vẫn thu hoạch được vài chục cân ốc, hến, chai,... có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.

Nghề cào hến đòi hỏi người làm nghề phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình hàng giờ dưới nước, chịu được sức nắng của những buổi trưa hè. Hến nằm sâu dưới đáy sông nên công việc cào hến khá vất vả, để có thể vào nghề, yêu cầu đầu tiên với người làm nghề là phải thạo bơi lội và chịu lạnh giỏi. Dụng cụ làm nghề của họ rất đơn giản, chỉ một chiếc cào bằng sắt (có cán cầm dài khoảng 50 cm) được nối với một sợi dây trạc dài khoảng hơn 10 mét, đầu dây còn lại buộc vào người kèm theo một chậu nhựa (hoặc nhôm) để đựng hến.

Để bắt được những con hến nằm sâu dưới lòng đất, người thợ cào phải ngâm mình dưới nước, đôi tay nắm chắc cán cào, dùng lực ghì mạnh xuống đáy sông, cùng nhịp đôi chân lùi về phía sau. Rồi sau đó gồng mình đứng dậy từ từ kéo chiếc cào từ đáy sâu cùng nhiều bùn, cát và rác thải lên lập lờ mặt nước, không nghỉ tay họ nhanh nhẹn, thuần thục sóc lên sóc xuống, đãi, lọc lấy những con ốc, hến. Với những thao tác như vậy, không ai bảo ai họ miệt mài với những mẻ quăng, cào.

Trầm mình trong dòng nước, chị Nguyễn Thị Thuận (xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội) có 20 năm trong nghề cho biết: “Chúng tôi không làm miết ở một dòng sông mà thường đi nhiều nơi khác nhau, thậm chí sang cả những huyện, tỉnh khác. Cái nghề này vất vả, cơ cực lắm, nhưng vẫn phải làm, không làm thì không có tiền lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tất cả vì miếng cơm manh áo”.

Những nỗi lo khi nguồn hến cạn dần

Sau mỗi buổi cào, khi mang hến về, mỗi gia đình tụ tập sàng sẩy cho sạch đất, sỏi, rong rêu rồi lọc phân loại ốc, hến, chai thành những loại riêng. Công việc này tưởng đơn giản, nhưng tốn nhiều thời gian và công sức do lượng bùn bám trên vỏ hến chắc, phải vừa sàng, vừa rửa mới đủ sạch. Nghề cào hến đem đến thu nhập cho các hộ gia đình trên địa bàn sông Bùi, có những hộ giàu lên nhờ cào hến nhưng làm nghề này đồng nghĩa là đánh cược với thủy thần. Cả ngày dầm mình dưới nước, những buổi nắng hè, hay đông lạnh, công việc cào hến luôn chứa nỗi ám ảnh với người làm nghề.

Theo chị Trần Thị Nguyệt (Chương Mỹ, Hà Nội), chịu khó cào mỗi ngày cũng được khoảng đôi trăm tiền ốc, hến, cua, chai,... Mỗi mùa có những nỗi vất vả riêng, mùa đông tuy lạnh nhưng là thời điểm nghề cào hến dễ kiếm ăn nhất, bởi khi ấy nước sông cạn nên dễ làm. Điều sợ nhất với người theo nghề này là lội nước giẫm phải vỏ hến, vỏ ốc chết nó găm vào chân, tay tứa máu ra. Hôm sau xuống nước chỗ vết thương ấy xót không chịu được. Nhiều người về nhà chỗ vết thương ấy mưng mủ, tấy đỏ phải nghỉ ở nhà cả một thời gian dài.

Anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi) đã có thâm niên cào hến từ lúc đôi mươi chia sẻ: “Lội nước lâu, bị chuột rút là điều đáng sợ nhất đối với người làm nghề cào hến. Rồi những bệnh ngoài da khi phải ngâm cả thân mình dưới sông vài tiếng đồng hồ, trong làng đã có nhiều người, phải bỏ nghề vì các bệnh về xương khớp. Những người phụ nữ làm công việc này quá vất vả nhưng vì không có thu nhập nên họ vẫn kéo nhau đi làm, chúng tôi khỏe mạnh còn đỡ, chứ nhìn những chị phụ nữ lội dưới sông thấy cùng cực lắm”.

Theo người dân trong vùng, cào hến ngày nay vốn không dễ dàng như trước, phải đi xa mới có hến mang về bởi dòng sông đang dần ô nhiễm cùng với đó nhiều người cào, nguồn hến bị cạn kiệt. Nhiều năm về trước, số lượng người theo nghề cào hến nhiều, ven dòng sông người cào luôn đông vui như trẩy hội nhưng mấy năm nay lượng ốc, hến giảm, đa phần con trai chuyển sang nghề thợ xây hoặc đi làm công nhân, chỉ còn lại số ít những người phụ nữ vẫn miệt mài với những mẻ quăng, cào. Điều đáng nói, những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề cào hến chỉ một số ít biết bơi, bởi vậy rủi ro sông nước luôn rình rập quanh họ.

Ông Nguyễn Văn Liên (người từng có nhiều năm lăn lội với nghề) chia sẻ: “Trước kia tôi đã từng có mấy chục năm bám sông mưu sinh, giờ có tuổi, các con không cho tôi làm nữa. Ngày xưa chúng tôi cào ốc, hến dễ hơn bây giờ, có ngày nhiều được vài chục cân ốc, cua, hến đủ loại. Giờ có khi muốn cào ít hến về nấu ăn cho đỡ nhớ cũng khó hơn nhiều. Nguồn ốc, hến khan hiếm rồi nhiều hộ dân cũng phải bỏ nghề đi tìm cho mình những công việc khác”.
                                                                            Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.473.646
Tổng truy cập: