KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Làng cổ vật Ađiêu có nguy cơ biến mất
(Ngày đăng: 03/09/2012   Lượt xem: 1711)
(CATP) Người dân thiếu ý thức bảo quản, chính quyền buông lỏng công tác bảo tồn và những đồng tiền, lời đường mật của thương gia đã khiến làng cổ vật Ađiêu (xã Arooih, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) dần biến mất.
Căn nhà sàn của ông Arất Huân - Trưởng thôn Ađiêu trở nên đông đúc khi đồng bào hay tin có “mấy ông người Kinh” lên thăm làng. Vừa chạm mặt chúng tôi, một cụ ông trạc 65 tuổi nói như dò hỏi: “Mấy anh đến mua ché cổ phải không? Ở đây nhiều nhà còn giữ lắm. Mấy con buôn cũng hay đến hỏi mua rồi nhưng chưa bán hết!”. Theo trưởng thôn Arất Huân, từ xa xưa Ađiêu là một trong số ngôi làng giàu có về cổ vật. Hơn 10 năm trước, cả thôn Ađiêu có hàng trăm cổ vật quý như: ché, chum, chiêng cổ... tuổi đời hàng trăm năm được đồng bào gìn giữ cẩn thận. Đó là chưa kể đến nhiều loại ché, chum, chiêng thường khác có tuổi đời trên dưới 30 năm

                                 

 Ông Arất Blươi bên những chiếc ché cổ có tuổi đời hàng trăm năm được trả giá 180 triệu đồng/cái

“Các loại ché cổ ở làng Ađiêu bán mỗi chiếc khoảng vài chục cho đến vài trăm triệu đồng. Ché cổ nhà ông Arất Blươi đã có người trả 180 triệu đồng nhưng ông chưa bán. Đây là những chiếc ché do ông bà, tổ tiên để lại từ hàng chục năm nay rồi. Trước đây, người dân ở làng Ađiêu dù giàu hay nghèo ai cũng đều có ché cổ được cất giữ trong nhà như một “bảo bối” không thể thiếu”, trưởng thôn Ađiêu cho biết thêm.
Làng Ađiêu hầu như nhà nào cũng đều có ché cổ nhiều loại, tuổi đời khác nhau. Theo lời kể của trưởng thôn Ađiêu, gia đình ông Arất Blươi (53 tuổi) sở hữu nhiều ché cổ nhất, hơn 10 chiếc có tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó có sáu chiếc ché cổ với giá bán từ 100 đến 180 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Arất Blươi, những ché cổ còn được ông lưu giữ chỉ là con số hơn một nửa so với những năm trước đây. “Thời buổi bây giờ, khó nhà nào có thể giữ được nguyên vẹn cổ vật trong nhà. Ngày xưa, tộc họ nào có nhiều của cải, ché chiêng cổ sẽ được xem là giàu và có địa vị trong xã hội. Do đó, đồng bào ưa chuộng sắm ché cổ để thể hiện sự giàu có, uy tín của mình. Những cổ vật được đồng bào xếp ngay ngắn trên gác bếp, trên bàn thờ” - ông Blươi bộc bạch  

 
                   

Số cổ vật còn sót lại ở làng Ađiêu, bây giờ không còn nhiều và có nguy cơ biến mất

Nguy cơ biến mất
Hiện số ché cổ ở làng Ađiêu không còn nhiều, chỉ vẻn vẹn hơn 20 cái. Nói về nguyên nhân “biến mất” những cổ vật của làng Ađiêu, trưởng thôn Arất Huân ngậm ngùi: “Do giá trị của mỗi chiếc ché rất cao nên những năm trở lại đây, tiểu thương miền xuôi lên mua ngày một nhiều. Ché được trả giá cao khiến nhiều gia đình lần lượt bán đi một cách không thương tiếc”. Theo trưởng thôn Arất Huân, năm 1994, lần đầu tiên cổ vật làng Ađiêu được bán với giá 30 triệu đồng/cái của nhà ông Hôih Grấy đã vô tình mở ra trào lưu mua bán cổ vật giữa đại ngàn này Và ít tháng sau đó, hộ ông Arất Pếp đã bán đi chiếc ché cổ của nhà mình để xây nhà mới. “Từ đó về sau, nhiều chiếc ché cổ, rồi cả những chiếc chiêng, mâm đồng, nồi đồng... cũng lần lượt theo các tiểu thương miền xuôi, những người chuyên buôn đồ cổ. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người lên hỏi mua ché cổ và ra giá rất cao khiến người dân khó kềm lòng được” - ông Huân nói.

Có tiền, đồng bào đua nhau xây dựng những ngôi nhà khang trang. Chỉ trong thời gian ngắn, số nhà xây tại làng Ađiêu ngày một nhiều; rồi điện lưới được kéo về, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi hẳn; những chiếc tivi, xe máy cũng dần được sắm sửa. Khi cuộc sống thay đổi đồng nghĩa với số lượng cổ vật ở làng ngày một ít dần và đứng trước nguy cơ biến mất.


Ông Alăng Dớp - cán bộ văn hóa xã Arooih, huyện Đông Giang - xác nhận tình trạng mua bán đồ cổ tại làng Ađiêu đã xảy ra từ nhiều năm nay và tiếp tục có nguy cơ tái diễn. “Chúng tôi đã có nhiều đợt đến tận thôn để tuyên truyền, vận động đồng bào không nên bán đồ cổ. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên thỉnh thoảng vẫn có nhiều hộ lén lút bán cổ vật cho thương gia miền xuôi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng trong đồng bào nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán cổ vật, giúp họ có thêm nhận thức trong công tác bảo tồn và lưu giữ cổ vật của ông bà, tổ tiên” - ông Dớp nói.

                                                                                                         Vương Hoàng - Trí Dũng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.471.016
Tổng truy cập: