KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Origami - Khám phá điều kì diệu của giấy
(Ngày đăng: 30/08/2012   Lượt xem: 1344)
Nhắc tới nghệ thuật gấp giấy Origami là nhắc tới một trong những môn nghệ thuật đòi hỏi tính nhẫn nại khá cao bởi để có được một tác phẩm ưng ý, các nghệ nhân Origami đều phải mất khá nhiều thời gian và công sức . Mỗi tác phẩm Origami ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn ẩn chứa những giá trị riêng về văn hóa, xã hội hay đời sống tinh thần . Điều đặc biệt nhất khiến người ta mê mẩn Origami chính là sự đơn giản nhưng lại cực kỳ độc đáo. Chỉ cần một tờ giấy và sự kiên nhẫn mày mò là bạn đã có thể tạo ra một chú cún nhỏ cho đến loài hà mã… . Có thể nói không ngoa rằng với Origami, cả thế giới nhỏ xinh  sẽ nằm trong đôi bàn tay của bạn . 


Với mỗi người quan tâm tới môn nghệ thuât này , họ đều đã quen thuộc với hai khái niệm: bản phác thảo (design) và bản hướng dẫn (diagram) . Một người gấp giấy chỉ cần tốn vài phút làm theo các bước trong  bản hướng dẫn là sẽ có được tác phẩm mà mình thích. Thế nhưng, mỗi nghệ nhân lại phải tốn hàng tuần có khi là hàng tháng để tạo ra được một bản thiết kế ưng ý . Chẳng hạn như nghệ nhân gấp giấy nổi tiếng người Pháp Eric Joisel đã phải mất tới 6 năm để hoàn thành mô hình con tê tê bằng giấy .
 
Lịch sử phát triển của Origami
 
Quá trình phát triển của Origami gắn bó chặt chẽ với quá trình ra đời và phát triển của giấy viết. Khi người Trung Quốc phát minh ra giấy viết vào những năm 105 sau công nguyên,  giấy viết khi đó quả thật là món hàng xa xỉ và các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của nghệ thuật gấp giấy ở giai đoạn này.
 
Vào thế kỷ thứ 6, các nhà sư đã mang giấy từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Cũng giống như ở Trung Quốc, người Nhật khi đó chỉ sử dụng giấy trong các dịp lễ quan trọng.
 
Mãi tới những năm 1660, người Nhật mới sử dụng giấy như một công cụ giải trí. Và tận 20 năm sau đó, vào năm 1680 lần đầu tiên hình ảnh những cánh bướm giấy rập rờn mới được nhắc đến trong một bài thơ tiếng Nhật. Đến năm 1797,  Akisato Rito đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về gấp giấy nghệ thuật có tựa đề “Sembazuru Orikata” (Xếp ngàn cánh hạc). Nhưng phải tới thế kỷ 19, thuật ngữ “gấp giấy” mới trở nên phổ biến khắp quốc đảo này.
 
Cerberus một mồ hình huyền thoại.
 
Còn ở phương Tây, nghệ thuật xếp giấy lại nở rộ vào những năm 700 sau công nguyên, một phần cũng nhờ vào “con đường tơ lụa” nổi tiếng giữa Trung Quốc và châu Âu. Tây Ban Nha là một trong những nước đầu tiên du nhập môn nghệ thuật mới mẻ này, đồng thời cũng là nước cho ra đời rất nhiều tác phẩm độc đáo.
 
Quốc đảo của nghệ thuật gấp giấy
 
Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của các nước châu Âu trong quá trình phát triển của nghệ thuật gấp giấy nhưng Nhật Bản mới là nước đóng vai trò quan trọng nhất đưa môn nghệ thuật này tới đỉnh cao.
 
Vào những năm 1800, các tác gia Nhật Bản đã xuất bản hàng loạt tập sách về nghệ thuật gấp giấy. Đồng thời, môn gấp giấy cũng được đưa vào chương trình học ở cả Nhật và các nước châu Âu. Tuy nhiên, các tác phẩm trong thời gian này vẫn mang  dáng dấp đặc trưng của các mẫu gấp truyền thống.

 Origami gắn liền với cái tên của nghệ nhân Akira Yosizawa. Trong các phòng triển lãm Origami nổi tiếng trên thế giới, ta có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của cố nghệ sĩ tài ba.  Ông  đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho  nghệ thuật gấp giấy. Vào năm 1930, nghệ nhân Nhật Bản này đã xây dựng hệ thống ký tự và biểu tượng được sử dụng trong các sách hướng dẫn nhằm hỗ trợ việc phân tích cách gấp các mô hình phức tạp. Đến năm 1950, ông đã xuất bản những tập sách giới thiệu chi tiết cách gấp các mẫu vật truyền thống và cập nhật cả những thiết kế mới được sáng tạo. Osizawa cũng chính là cha đẻ của nghệ thuật sử dụng giấy ướt trong các tác phẩm xếp giấy. Giấy ướt được làm ẩm từng phần hoặc toàn bộ, sau đó sẽ mềm ra như đất sét để người gấp có thể dễ dàng sáng tạo mô hình theo ý mình.
 
  
Những quy tắc cơ bản không được vi phạm trong Origami
 
Nét đặc biệt của nghệ thuật Origami là ở chỗ người gấp chỉ sử dụng duy nhất một tờ giấý, mà không hề sử dụng thêm keo hay hồ dán. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người gấp phải thật sự khéo léo và tỉ mẩn. Họ có thể sáng tạo ra nhiều cách gấp để tạo nên nhiều mẫu vật đa dạng.

Hầu hết các mẫu gấp phức tạp đều dựa trên những mẫu cơ bản sau đó được sáng tạo thêm. Bốn mẫu cơ bản trong gấp giấy gồm có: gấp diều, gấp cá, gấp chim và gấp ếch.
 
Gấp động vật và hình khối đa diện là lựa chọn phổ biến của rất nhiều người để rồi từ đó thiên biến vạn hóa ra rất nhiều hình mẫu. Dựa trên những bản hướng dẫn chi tiết mà mỗi người lại có thể thay đổi cách gấp theo sở thích của riêng mình.
 
 
Người chơi nghệ thuật Origami còn phải tuân thủ quy tắc Thuần khiết (Pureland), tức là khi gấp một mẫu vật, bạn chỉ được chọn đúng một loại Origami. Người chơi không được phép kết hợp các loại Origami khác nhau khi gấp một mẫu vật. Vi phạm quy tắc này tức là chúng ta đã bước ra ngoài ranh giới nghệ thuật xếp giấy Origami.
  
Các loại Origami
 
Lịch sử phát triển lâu đời của nghệ thuật Origami đã hình thành nhiều loại Origami với những đặc thù riêng. Mỗi người tham gia môn nghệ thuật này có thể chỉ cần tuân theo các quy tắc của một loại nhất định. Tuy vậy, cũng không hiếm người đam mê gấp giấy nên đã  tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc của tất cả các lọai Origami.
 
Trong bài này, người viết chỉ xin đề cập tới một số loại Origami phổ biến.
 
Origami ghép (Modular Origami) là loại Origami truyền thống. Một mẫu vật sẽ được gấp thành nhiều bản giống nhau sau đó các bản này được ghép lại thành một mẫu vật lớn có cấu tạo phức tạp hơn. Ở loại Origami này, người gấp giấy không phải tuân thủ quy tắc chỉ được sử dụng duy nhất một tờ giấy. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ một quy tắc quan trọng khác, đó là không được sử dụng hồ dán hay băng keo. Thay vào đó, họ được phép sử dụng một vết cắt để ghép các mẫu vật nhỏ lại thành khối.

Origami cử động (Action Origami) là loại Origami tạo ra các mẫu vật có thể cử động được dưới sự điều khiển của con người. Ví dụ như con chim có thể vỗ cánh hay con ếch có thể bật về phía trước khi ta ấn vào chân sau của nó. Pháo giấy cũng là một ví dụ phổ biến, hẳn nhiều người đã từng chơi pháo giấy và đập cho pháo nổ.
 
Origami trang sức (Jewelry Origami) tạo ra các mẫu vật có thể mang được trên người. Còn người chơi Origami thực phẩm (Food Origami) lại sử dụng hoa quả hoặc tảo biển để tạo ra các mẫu vật.
 
 
Các nhân viên công sở còn có một loại Origami nữa, đó là Origami giấy nhớ (sticky note Origami). Đúng như tên gọi của nó, các mẫu vật của loại origami này được làm từ giấy nhớ, dù đôi khi mẫu vật tạo ra có kích cỡ khá nhỏ.

Một số nghệ nhân lại thích loại Origami hoa văn trang trí nổi (Origami tessellations). Gọi như vậy là vì bề mặt loại giấy mà các nghệ nhân này sử dụng khá mịn và được gấp thành những họa tiết nổi rất phong phú và lại mắt, tất nhiên đây là một trong các loại Origami đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.

  Giấy gấp Origami
 
Người chơi Origami chỉ cần một tờ giấy có thể gấp được là đủ  điều kiện để bắt tay vào việc tạo mẫu vật. Tuy nhiên, loại giấy được nhiều người ưa dùng là giấy kami, được sản xuất chuyên dùng cho môn nghệ thuật này. Giấy kami mỏng, dai, dễ gấp và đặc biệt là dù có bị gấp đi gấp lại nhiều lần thì loại giấy này vẫn giữ được độ bền và dai.
 
 
Giấy kami có một mặt trắng và một mặt in hình họa tiết. Kích cỡ gồm nhiều loại, loại phổ biến nhất có diện tích khoảng 15,2 cm2.
 
Bạn cũng có rất nhiều lựa chọn khác khi tìm mua giấy để chơi Origami. Tuy nhiên, giá cả của loại giấy không quyết định nhiều tới giá trị mẫu vật tạo ra. Nhiều nghệ nhân còn sử dụng giấy vệ sinh để tạo ra các mẫu vật.
 
Origami mang lại khá nhiều lợi ích trong đời sống hàng ngày. Nhiều nhà tâm lý học đã sử dụng Origami như một phương pháp vật lý trị liệu về tinh thần . Nhiều giáo viên còn sử dụng Origami để giảng giải cho học sinh về hình học không gian. Đăc biệt, Origami còn là nguồn giải trí thú vị. Hẳn ai cũng cảm thấy sảng khoái khi chiêm ngưỡng những mẫu vật mà mình tạo ra.
 
Hiện nay, Origami cũng được khá nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích . Trong thời gian tới, hy vọng Origami sẽ phát triển rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng Việt Nam như một hình thức giải trí sáng tạo lành mạnh.
 Tham khảo:Howstuffworks
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.471.070
Tổng truy cập: