KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Hoài niệm... đất
(Ngày đăng: 16/05/2016   Lượt xem: 282)


Trong phòng làm việc của mình, những vật được tôi trân quý nhất là chiếc đèn bằng đất, những bát đĩa và bình lọ đựng son phấn cách đây hơn 400 năm được vớt lên từ các tàu chìm ở Cù Lao Chàm, những cái tĩn bằng gốm dùng đựng mắm cá mòi từ Phan Thiết chở đi khắp Đông Dương đã gần 100 tuổi. Mới đây, tôi lại sưu tầm được viên ngói lợp từ một biệt thự cổ trên đỉnh Bà Nà của xưởng ngói DinhLieu et Fils sản xuất tại ThanhHa Faifo cách đây cả thế kỷ...

                    Nhà lá mái, phên đất của Nguyễn Thượng Hỷ tự dựng tại Mỹ Sơn.Ảnh: T.Đ.T

Nhìn những vật ấy tôi luôn cảm thấy những dấu tay, những giọt mồ hôi cần lao của con người vẫn còn thấm đẫm trong đó. Lửa trong tim họ và lửa của những lò nung đã biến những thớ đất quê hương thành những vật dụng...

1. Ở nước ta, kết quả các nghiên cứu khảo cổ học từ thời đồ đồng đến đồ sắt cho thấy, hầu hết các sản phẩm gốm được hình thành bằng bàn xoay một cách khá thành thạo gồm dụng cụ ăn uống, trang sức, công cụ lao động và cả gốm mỹ thuật với các hoa văn hình họa tinh xảo, gắn liền với đời sống của văn minh lúa nước.

Trong suốt bốn thế kỷ, từ nhà Lý sang nhà Trần, đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ. Quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm, chất liệu... đều được mở rộng. Sự phát triển của kỹ thuật và trình độ thẩm mỹ cao đã tạo nên sản phẩm gốm thời kỳ này có ba loại nổi tiếng là gốm men trắng ngà chạm đắp nổi, gốm hoa nâu, gốm men ngọc...

Từ thế kỷ 14 trở đi,  nhiều làng gốm như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Hàm Rồng, Mỹ Thiện, Phú Vinh... đã cho thấy tài năng của những người thợ. Tài liệu nghiên cứu về nghề gốm cho biết nhiều quốc gia đã nhập gốm từ Việt Nam, đặc biệt thợ giỏi của Nhật Bản còn bắt chước gốm của Việt Nam. Gốm xuất hiện trong những di chỉ được khai quật thuộc các thời kỳ văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, Hạ Long ở phía Bắc hay Sa Huỳnh, Chămpa, Óc Eo ở phía Nam. Rồi ta thấy đất đã hóa thân vào các vật dụng trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun...

Theo tài liệu giới thiệu Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà của Ty Văn hóa Hà Bắc hay tài liệu Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng của Viện Mỹ thuật thì: Vào khoảng thời Lý - Trần có người đỗ Thái học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc) và Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương) khi đi sứ về nước, ba ông đã lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề gốm sứ cho dân làng. Ba ông về sau được triều đình phong là Khởi nghệ tiên triết. Hầu hết những di sản văn hóa cổ của nước ta đều có mặt gạch Bát Tràng, từ Văn Miếu, đền Cổ Loa, đền Gióng đến các cung điện lăng tẩm của Huế... và các vùng nông thôn miền Bắc thì đình, chùa và các nhà khá giả đều xây gạch Bát Tràng.

Ở Quảng Nam, vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, dân làng gốm Thanh Hà (Hội An) đều tập trung về miếu Nam Diêu, xây dựng vào năm Tự Đức thứ 21 (1868), để giỗ tổ nghề. Theo lịch sử, cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỷ 15.

2. Tôi có anh bạn họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ không chỉ mê nghệ thuật Chămpa mà còn bị ám ảnh bởi những ngôi nhà, những tấm phên (vách) bằng đất trong suốt quá trình nghiên cứu của anh.

Nếu những viên gạch Chăm hấp dẫn Hỷ với những chạm khắc bậc thầy trên đất nung, thì Pierre Gourou (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) với các nghiên cứu về nhà của người Việt từ Thanh Hóa đến Bình Định đã gợi cho anh một giấc mơ, bảo vệ những ngôi nhà cổ, những tấm phên đất và những ngôi nhà lá mái, một bằng chứng xây dựng thân thiện với môi trường của tổ tiên chúng ta...

Trong suốt mấy chục năm qua, Nguyễn Thượng Hỷ đã lặn lội khắp miền Trung, từ miền núi, đồng bằng và ra đến các đảo để không chỉ tìm ra những điểm khác nhau của ngôi nhà ở mỗi vùng như Pierre Gourou, mà còn chứng minh rằng có một loại nhà ở đã tồn tại từ lâu ở Quảng Trị, có hai tầng mái và giống với các mái nhà từ tận Bình Định đến Phú Yên ra đến đảo Lý Sơn và nhiều ngôi nhà của người Chăm ở Ninh Thuận mà trước đó Gourou chỉ mô tả thoáng qua. Anh cho biết có thể gọi chung đó là nhà Lá Mái. Nhà Lá Mái ở miền Trung gồm có các loại nhà: có thể là nhà Rội/Rọi (cột chôn xuống đất), nhà thượng Rường hạ Rội (thường có cột ở giữa) hoặc nhà Rường phổ biến (cột kê trên đá tán/đá tảng), nhưng đặc biệt là nhà có hai tầng mái (mái dưới hay trần đắp bằng đất trên sàn bằng tre hoặc gỗ, tầng trên là khung đỡ bằng tre lợp tranh hoặc lá). Nhiều loại nhà kể trên có niên đại từ những năm 40 của thế kỷ 20 trở về trước ở khắp nơi, có cái đã có tuổi thọ đến 120 năm.

Mái nhà có hai lớp mái, mái đầu tiên được làm bằng đất sét nện để khô và mái thứ hai được lợp bằng tranh được đỡ bằng những phên tre đan thô sơ, rồi được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc 40 cen ti mét. Tương tự ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngoài trần đan bằng tre còn xuất hiện trần bằng những tấm gỗ ghép lại để đỡ lớp đất bên trên. Kiểu kiến trúc này khá phổ biến ở vùng Cửa Tùng, ở phía Bắc sông Gianh được gọi là “mái xông”, hay là trần bích (bích có nghĩa là tường). Tùy theo từng vùng có tên gọi khác nhau như Mái xông ở Quảng Trị, nhà Bỏ đất ở Quảng Nam, nhà Đắp ở Lý Sơn và nhà Lá Mái ở Bình Định, Phú Yên. Gần đây, nhiều nhà đã thay mái lợp lá, tranh bằng ngói, tôn; nhưng mái dưới bằng đất vẫn được giữ lại...

Hỷ khẳng định, loại mái đất trộn rơm đã khắc phục cái bất lợi của thiên nhiên, khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới cũng như phòng tránh những dông sét thường xảy ra ở vùng gần núi, có thể gây ra hỏa hoạn cho những ngôi nhà này bất cứ lúc nào. Tính ưu việt của loại nhà Lá Mái còn là nguồn nguyên liệu được khai thác tại chỗ mà không làm ảnh hưởng môi trường sống chung quanh.

3. Cách đây hơn 20 năm, khi người quản lý của Bảo tàng Maizuru (Nhật) đến Quảng Nam - Đà Nẵng và đặt vấn đề xin... 10 viên gạch Chăm từ di tích Mỹ Sơn về trưng bày ở bảo tàng của họ, tôi mới biết thêm có rất nhiều bảo tàng ở Nhật Bản liên quan đến đất nung và gạch ngói.

Vài dịp đến vùng Tây Bắc Thái Lan, chúng tôi cũng đã đến thăm bức tường thành cổ bằng gạch có niên đại hơn 600 năm ở giữa lòng thành phố ChiangMai hiện đại, hay bức tường gạch bao quanh di sản văn hóa thế giới Sukhothai vẫn được giữ gìn cẩn trọng từ thời vua đầu tiên Phokhun Si Intharathit đã sáng lập ra triều đại Phra Ruang, mới thấy người ta đã quý trọng lịch sử như thế nào...

Ngoài ra, với hơn 8.000 tượng đất nung gồm quân lính và ngựa được khai quật ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An từ năm 1974 sau gần 20 thế kỷ cho thấy kỹ thuật biến đất thành những tác phẩm nghệ thuật ở châu Á cũng đã có từ rất sớm. Khai quật khảo cổ Tây An cho thấy vào thời ấy, bên cạnh chính sách “phần thư khanh nho” tàn bạo của họ Tần, thì sự khéo léo trong nghệ thuật của cư dân Bách Việt mà y đánh chiếm và cai trị đã để lại dấu ấn từ những siêu phẩm đất mà ngày nay chúng ta có thể chiêm nghiệm lại...

4. Mỗi lần gặp Hỷ tôi đều nghe anh say sưa nói về những ngôi nhà đất ấy. Giấc mơ của anh là chúng cần được giữ gìn trước nguy cơ đô thị hóa đang phi mã như hiện nay. Giọng anh càng nhiệt thành bao nhiêu tôi càng thấy thấp thoáng đâu đó một âm hưởng chua chát, như sự thua cuộc. Bất chợt tôi nhớ đến lời của một nghệ nhân già làm gốm ở Thanh Hà (Hội An) khi làng nghề ngày càng gặp khó. Lời thô mộc nhưng sâu sắc: “Người và đất sao sống xa nhau được, bởi vậy chúng tôi vẫn chết sống cùng với đất, với cái bàn chuốt, với cái lò nung này...”.

                                                                     Theo thesaigontimes.vn






Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.519.037
Tổng truy cập: