KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Cần cái bắt tay giữa điêu khắc và kiến trúc
(Ngày đăng: 29/02/2016   Lượt xem: 342)

Điêu khắc "bít cửa" trong không gian đô thị.

Không gian đô thị, kiến trúc, cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị đó. Trong khi kiến trúc, cảnh quan được quan tâm đúng mực thì điêu khắc lại gần như bị lãng quên khi chính nó tạo nên những dấu ấn cho du khách khi đặt chân đến một thành phố.

Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng: "Lịch sử nghệ thuật Việt Nam phần chính là điêu khắc, thế mà sau hai ngàn năm, điêu khắc hiện đại lại trở nên lép vế so với hội họa và ít tính chuyên nghiệp hơn. Những tượng đài vô bổ, chiếm rất nhiều không gian và tiền bạc, nhưng không ai đến đó, không nhận ra là tượng của ai, lẫn bức tượng nặn ông này là Quang Trung hay Lê Lợi".

Có thể liệt kê ra hàng loạt tác phẩm điêu khắc ở TP Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa sử dụng đúng mục đích hoặc bị đánh giá thấp về chất lượng nghệ thuật, không xứng tầm, chưa đạt hiệu quả thị giác. Bức phù điêu: "Hà Nội - Mùa đông năm 1946" nằm giữa vỉa hè chợ Đồng Xuân cản trở lối đi của người dân. Bỏ nhiều công sức xây dựng nhưng tượng đài Quang Trung lại quá khu biệt, ít thu hút. Tượng đài: "Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh" bong tróc và bị bãi trông xe bủa vây… Các tượng xây trước năm 1975 của TP Hồ Chí Minh như Phan Đình Phùng, Trần Nguyên Hãn, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo… hầu hết đều đã xuống cấp, gây đổ vỡ nguy hiểm cho người đi đường. So với không gian là nút giao thông với lưu lượng xe cộ dày đặc, các tòa nhà cao tầng bọc tứ phía với các pano, bảng quảng cáo xanh đỏ thì các bức tượng đều lọt thỏm trong cảnh quan hỗn độn ấy. Các tác phẩm điêu khắc mới ít ỏi để bổ sung vào không gian cần thiết. Nhà điêu khắc, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên cho rằng TP HCM chưa có các phẩm điêu khắc tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh, dấu ấn văn hóa sâu sắc với du khách, xứng tầm phát triển của thành phố.


Tượng Phù Đổng Thiên Vương nằm ở trung tâm quận 1, TP HCM không ăn nhập với cảnh quan.

Mảng điêu khắc các tượng đài danh nhân văn hóa, lịch sử vẫn chiếm số lượng áp đảo so với mảng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt mảng điêu khắc đương đại rất thiếu vắng. Khi các tượng đài về danh nhân văn hóa, lịch sử góp phần giáo dục lòng yêu nước, tìm hiểu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông thì những tượng đài điêu khắc đương đại lại tiệm cận nhiều hơn đến đời sống hiện đại, suy tư về nhân tình thế thái, giúp khả năng sáng tạo của người làm nghề tự do bay bổng, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, cái hay, cái đẹp của người dân đô thị. Tuy nhiên, do đây vẫn là mảng miếng còn mới mẻ với nghệ sĩ và xa lạ với công chúng nên số lượng các tác phẩm còn khiêm tốn. Chất lượng tác phẩm lại tỉ lệ thuận với số lượng. Ngoài các tác phẩm chưa đột phá, không khó để bắt gặp rất nhiều tác phẩm mà tên một nẻo, nội dung một đằng với các tạo hình vô cùng rối rắm khiến người xem không thể hiểu nổi ngụ ý của tác giả. Cũng tương tự như tượng đài danh nhân, nhiều tác phẩm điêu khắc đương đại không đạt chất lượng chuyên môn và chỉ khiến cảnh quan đô thị thêm hỗn loạn. Có cảm tưởng như tác phẩm được gia công vội vã và trưng bày cho có.

Sẽ thật hiếm hoi khi 28 tác phẩm điêu khắc đương đại của 18 tác giả tại triển lãm điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội lần 3 vừa diễn ra đầu tháng 12, đồng đều về chất lượng cũng như vươn tới nghệ thuật thị giác, điêu khắc ý niệm của mỹ thuật đương đại. Nhiều tác phẩm để lại ấn tượng như: "Nhật thực" của Trần Trọng Tri, "Chân dung" của Trần Văn An, "Kết hợp 10" của Phạm Bảo Sơn…

Nhà phê bình Nguyễn Quân từng nhận định: "Nghệ thuật điêu khắc ở Sài Gòn gần với sự diễn giải lãng mạn, tính design trong không gian đô thị, các nghệ sỹ Hà Nội lại có vẻ tìm đến sự tinh tế và cô độc của hình khối. Đáng tiếc là trong cái đô thị này, đã có không gian chính trị, không gian thương mại, nhưng còn thiếu không gian văn hóa". Bởi sau các cuộc triển lãm như trên, các tác phẩm gần như bị xếp xó vì không kiếm được không gian trưng bày. Nghe có vẻ mâu thuẫn khi rất nhiều công viên, đường phố, bờ sông, khuôn viên công cộng đang thiếu vắng các tác phẩm điêu khắc. Nhà điêu khắc Đào Châu Hải lý giải: "Quan hệ giữa điêu khắc, kiến trúc, cảnh quan đô thị đang vô cùng lỏng lẻo nếu không muốn nói là gần như điêu khắc đã bị "bít cửa" trong mối quan hệ này".


     Tượng "Hà Nội - Mùa đông năm 1946" nằm trên vỉa hè chợ Đồng Xuân, gây cản trở đi lại.

Chính mối quan hệ lỏng lẻo này nên khi quy hoạch, xây dựng người ta chỉ quan tâm đến kiến trúc và cảnh quan mà quên mất điểm nhấn của đô thị là điêu khắc. Có những tác phẩm có kích thước lớn, hoành tráng thì việc tìm kiếm không gian xứng tầm là vấn đề nan giải. Nếu tìm được chỗ trưng bày cho tác phẩm, thì ít ai quan tâm về kiến trúc, cảnh quan xung quanh có phù hợp hay không. Nên tượng dễ bị xâm lấn, hiệu quả thị giác không cao khi tầm nhìn bị hạn chế hoặc để mặc cho cỏ dại mọc rêu phong, tệ hơn là làm nơi xả rác cho những người dân vô ý thức.

Không thể xây dựng ồ ạt kiểu lấp chỗ trống.

Tại Hội thảo: "Quy hoạch hệ thống tượng đài trên thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức vừa qua, ông Trần Gia Lượng, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội đánh giá số lượng 34 tượng đài của Hà Nội là khá khiêm tốn, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế và truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô. Do đó, 15 năm tới, thành phố sẽ xây mới thêm 35 tượng đài, phân bổ đều ở tất cả quận, huyện, và các cửa ô.

Như trên đã nói, rất nhiều tượng đài của Hà Nội hiện đang xuống cấp, bị xâm chiếm hoặc công trình xây dựng làm mất mỹ quan. Nhưng xây mới ồ ạt tượng đài theo kiểu lấp chỗ trống ở các khắp các quận, huyện trong thời gian tới không được các nhà chuyên môn ủng hộ. Các tượng đài cũ, trong đó có nhiều tượng đài mới xây là bài học nhãn tiền cho việc xây dựng tượng đài không có tính toán, quy hoạch, tạo nên những tác phẩm có giá trị kém hoặc không phù hợp với cảnh quan, khiến tượng đài không phát huy vai trò của mình gây lãng phí công sức, tiền của. Ý kiến khác cho rằng thay vì xây mới, TP Hà Nội nên giải quyết các vấn đề tồn tại của tượng đài cũ như di dời, tu bổ tượng đài, chỉnh trang cảnh quan, giải quyết triệt để nạn xâm phạm tượng đài…

Trong khi đó, tại TP HCM, vấn đề bổ sung các tác phẩm điêu khắc mới, di dời các tượng điêu khắc cũ cũng vấp nhiều ý kiến chưa đồng tình. Theo đó, nhiều người cho rằng các tượng đài xây trước 1975 chứa đựng nhiều kỉ niệm của thành phố, nó như chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử, gắn bó với người dân nên việc đập bỏ hoặc di dời như tước đi những ký ức về một thành phố. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM cho biết: "Để giữ lại hình ảnh đã gắn liền với Sài Gòn một thời, giới chuyên môn dự định sẽ xây dựng những bức tượng mới đẹp hơn, cùng chủ đề để thay thế tượng cũ. Về quy mô, chất liệu cũng như vị trí đặt tượng thì tùy thuộc vào sự quy hoạch hay mở rộng giao thông của thành phố. Riêng các tượng đài có chất lượng quá xấu thì cần có chủ trương lưu giữ hợp lý".

Rõ ràng để xây dựng một tượng đài mới hoặc có ý định di dời tượng đài cũ, ngoài việc phải có đề án quy hoạch tượng đài gắn với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị một cách cụ thể, tiến hành từng bước thì những cơ quan chuyên trách nên tìm hiểu tâm tư và mong muốn của người dân như một nguồn tham khảo. Đặc biệt, điều này càng quan trọng với mảng điêu khắc đương đại có nhiều trường phái mới mẻ mang tính nghệ thuật cao vốn được coi là một sân chơi hẹp, khá kén công chúng. Và để một tượng đài đạt về "chất" trong không gian đô thị, không hẩm hiu phơi nắng phơi mưa thì cần có sự bắt tay chặt chẽ giữa điêu khắc và kiến trúc. Nói như cố Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung: Một tượng đài thành công nằm ở 25% khối hình tượng đài, 25% ở chất liệu điêu khắc và 50% ở cái… mênh mang bao quanh!

                                                                                    Theo cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.508.828
Tổng truy cập: