KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Chân đèn gốm thời Mạc nhiều ngôn ngữ tạo hình
(Ngày đăng: 14/08/2012   Lượt xem: 1120)
Nhắc đến đỉnh cao của một thời kỳ gốm Việt Nam không thể không nói đến gốm Mạc với giai đoạn phát triển văn hóa làng xã rực rỡ, giai đoạn mà thợ gốm hội tụ đầy đủ yếu tố cho sự thăng hoa cảm xúc sáng tạo, để làm ra những chân đèn gốm kiểu dáng mới, nghệ thuật và kỹ thuật trang trí theo lối riêng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế

Chân đèn có đế hình nón cụt, niên hiệu Đoan Thái 4 (1588)

Theo tư liệu trong sách Mỹ thuật thời Mạc của nhóm tác giả Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (Viện Mỹ thuật) ghi: “Lư hương, chân đèn gốm là loại gốm sử dụng rộng rãi ở thời Mạc. Cho đến nay trong các đình chùa, đền miếu cổ vẫn còn nhiều gốm cổ thời Mạc. Riêng chùa Bối Khê ở Hà Tây vẫn còn 5 chân đèn gốm thời Mạc, thì có ba cái ghi rõ làm tại Bát Tràng...”. Như vậy, có thể thấy chân đèn gốm đã được người dân thời Mạc sử dụng và coi là bộ đồ thờ. Những khát vọng của con người được thể hiện qua hoa văn trang trí trên chân đèn, đó là hình ảnh các vật linh, họa tiết hoa lá và hoa văn hình học cùng phối hợp hòa quyện vào nhau giống như những tiếng nói phát ra từ tâm hồn, lòng thành kính của con người đến với thế giới thần linh. Kiểu dáng của chân đèn gốm thời Mạc dạng hình con tiện gỗ, nhìn một cách khái quát thì hầu hết chân đèn đều thanh thoát, cân đối, cao trung bình 60cm. Dựa vào chân đế người ta chia làm đèn gốm thời Mạc hai loại: chân đèn có đế hình bát úp và chân đèn có đế hình nón cụt. Theo cấp độ tăng dần về thời gian thì càng về khoảng nửa cuối của triều đại, kiểu dáng chân đèn dần hoàn mỹ, kích thước lớn, độ tạo dáng cũng mạnh mẽ, khỏe khắn và nhịp nhàng hơn

Về nghệ thuật trang trí, họa tiết trên chân đèn gốm thời Mạc được quy về ba nhóm họa tiết chính là họa tiết linh vật, họa tiết hoa lá và hoa văn hình học. Chữ cũng được đưa vào làm họa tiết trang trí. Các nhóm họa tiết này được nghệ nhân phân chia theo từng phần để trang trí, theo hệ thống từ dưới lên trên. Phần chân đế thường là các dạng hoa văn hình học, phần thân dưới là họa tiết hoa lá, tiếp đến thân trên là họa tiết linh vật. Việc phân tầng họa tiết chỉ mang tính đại khái, nhưng qua đó chứng tỏ thợ gốm đã có ý thức cụ thể, rõ ràng trong việc làm gốm hơi có xu hướng công nghệ mang tính chuyên môn hóa cao, mỗi người chịu trách nhiệm ở từng phần hay công đoạn làm việc

Điểm độc đáo khác nữa về nghệ thuật trang trí trên chân đèn gốm thời Mạc là chữ viết. Đồ gốm trước thời Mạc hầu như không có kiểu dạng thức trang trí này, chỉ thuần túy trang trí linh vật hay hoa lá, còn sau thời Mạc cũng rất ít, họa chăng chỉ là những câu thơ chúc tụng hay ca ngợi. Chữ khắc trên chân đèn gốm thời Mạc là tên riêng, địa chỉ... cụ thể rõ ràng. Việc khắc chữ vào chân đèn không chỉ là mảng họa tiết làm cho bố cục chặt chẽ, mà nó còn là những minh chứng cụ thể nhất để khẳng định giá trị nghệ thuật của thời nhà Mạc, có giá trị về mặt tư liệu hiện vật để gửi đến các nhà nghiên cứu khảo cổ học ngành gốm của nước ta ngày nay trong việc giám định cổ vật thời kỳ này.

Các nghệ nhân thời Mạc không chỉ có đôi bàn tay khéo léo mà còn có đầu óc tư duy thẩm mỹ cao, có con mắt nhìn nhận quan sát sự việc tinh tế, khi tìm ra lối đi mới: kỹ thuật đắp nổi trên sản phẩm bằng hai thủ pháp là in khuôn và đắp trực tiếp. Việc đưa kỹ thuật này vào thể hiện trên chân đèn gốm là bước đột phá về công nghệ trong nghề gốm. Với việc dùng khuôn in để nhân bản thành nhiều sản phẩm đã giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất lao động, chất lượng tốt. Nhưng điều quan trọng hơn cả, dùng khuôn in làm cho sản phẩm được in với nhiều chi tiết nhỏ sẽ hiện lên một cách rõ nét, tinh vi. Việc đắp trực tiếp lên sản phẩm tốn nhiều thời gian hơn nhưng nó bộc lộ được cảm xúc cũng như cá tính của người thợ... Nhìn chung, kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi và vẽ là ba phương pháp thể hiện chính của thợ gốm thời Mạc, có chân đèn họ chỉ sử dụng hai kỹ thuật, nhưng thường họ kết hợp cả ba thủ pháp này.  

Bên cạnh kiểu dáng, kỹ thuật thể hiện và nghệ thuật trang trí trên chân đèn gốm thời Mạc, không thể thiếu vắng sự góp mặt của màu men. Bởi men góp phần tạo ra sắc độ đậm nhạt trên gốm, làm cho sản phẩm có sự truyền cảm mạnh mẽ hơn. Có thể nói, trước thời Mạc có dòng men nâu, men ngọc nổi tiếng thời Lý - Trần, men lam thời hậu Lê, đến thời Mạc lại trên tinh thần kế thừa những sản phẩm của thời trước để lại, các nghệ nhân đã chế tạo ra một dòng men mới mang tên “men tam sắc”. Men tam sắc là sự tổng hợp của ba màu men: trắng ngà, xanh lá cây và nâu đỏ. Các màu men được sử dụng theo phương thức: men trắng ngà tráng lên toàn bộ sản phẩm, còn men xanh lá cây và men nâu đỏ thì tô điểm vào các phần họa tiết trang trí vẽ, khắc chìm hay đắp nổi. Khi nung, các men chảy nhòe, tạo lên độ đậm nhạt cho sản phẩm...

Tóm lại, chân đèn gốm thời Mạc là tác phẩm nghệ thuật khá hoàn chỉnh hội tụ nhiều yếu tố của ngôn ngữ tạo hình như hội họa (vẽ), đồ họa (khắc chìm), điêu khắc (đắp nổi) và màu sắc, tất cả được phối hợp với nhau một cách khéo léo và tinh tế. Chúng kết tụ tinh hoa từ bàn tay, khối óc của tổ tiên, thể hiện qua kỹ thuật chế tác và nghệ thuật tạo tác, với một phong cách riêng về kiểu dáng, họa tiết trang trí và kỹ thuật thể hiện, cho ra đời những tác phẩm gốm vượt qua thăng trầm của thời gian, làm rung động người xem mọi thế hệ.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.738.569
Tổng truy cập: