KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Chiếc ngà voi hóa thạch và nghi lễ độc đáo giữa đại ngàn
(Ngày đăng: 19/01/2015   Lượt xem: 343)
Từ ngàn xưa, người làng tin rằng “Yang Plút” (chiếc ngà voi hóa thạch) có sức mạnh thần kỳ, bảo vệ bà con trước mọi xâm hại từ tạo hóa và kẻ xấu. “Yang Plút” được thờ phụng tại nơi trịnh trọng trong nhà rông truyền thống. Hàng năm, người ta tổ chức lễ hội, giết trâu, giết lợn, gà… để dâng lên “Yang Plút”. Xung quanh vị thần bảo hộ còn là vô số giai thoại, lời nguyền kỳ lạ, kẻ nào dám mạo phạm vùng đất thiêng sẽ chịu sự trừng phạt.

Bí ẩn “Yang Plút”

Những tộc người bản xứ và nền văn hóa đặc trưng nơi đại ngàn Tây Nguyên đã tạo nên vô số câu chuyện lạ lùng thu hút sự khám phá của bất cứ ai. Ngồi bên ché rượu cần ấm đượm, PV được các già làng nơi đây kể cho nghe biết bao câu chuyện thú vị về vùng đất và con người bản xứ. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến giai thoại về chiếc ngà voi hóa thạch được người làng tôn thờ như “Yang” (trời). Đó là “Yang Plút” vị thần bảo hộ của người làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum.

 Năm sâu trong những cánh rừng già nguyên sinh, từ lâu làng Le vốn được biết đến là nơi phát tích của rất nhiều tập tục kì lạ. Chuyện họ lập nhà rông thờ “Yang Plút” cũng xuất phát từ lâu đời. Đến các bô lão lớn tuổi nhất chẳng ai nhớ nổi vùng đất thiêng nơi “Yang Plút” ngự có từ lúc nào. Chỉ biết rằng tổ tiên người Rơ Mâm từ ngàn xưa đã có niềm tin bất diệt vào “Yang Plút”. Họ tin rằng “Yàng” đã bảo vệ cho buôn làng khỏi bệnh tật, thú dữ. Đã mang mưa thuận gió hòa, nương rẫy tốt tươi cho cuộc sống ấm no hơn. Thế nên, tổ tiên người Rơ Mâm truyền lại nghi thức truyền thống thờ tự thần bảo hộ cho con cháu đời sau. Từ đó, “Yang Plút” luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người Rơ Mâm bản địa.

 Để mục sở thị vật báu linh thiêng (linh vật) quý giá của làng Le ngay khi đặt chân đến huyện Sa Thầy, chúng tôi gấp gáp hỏi thăm đường về ngôi làng huyền thoại xứ đại ngàn. Từ trung tâm huyện Sa Thầy, sau hơn 3g đồng hồ vật lộn với quãng đường độc đạo hơn 50km lởm chởm đá, uốn lượn quanh triền đồi trùng điệp chúng tôi đến được trụ sở UBND xã Mô Rai. Nói về làng Le, ông H’Rách Láo (Chủ tịch UBND xã Mô Rai) cho biết: “Làng Le, hiện tại có 119 hộ với 459 nhân khẩu sinh sống. Bà con trong làng hầu hết là người đồng bào dân tộc Rơ Mâm. Dân làng vốn có tục lệ tôn thờ, sùng bái “Yang Plút” là có thật, hiện tại vẫn đang diễn ra phổ biến. Vừa qua, phía chính quyền xã trích kinh phí kết hợp với đóng góp của dân làng cất riêng cho “Yang Plút” một ngôi nhà rông nhỏ. Hiện tại “Yang Plút” được long trọng rước về thờ cúng tại căn nhà rông này”.  

Tuy nhiên, ngay với người Rơ Mâm, “Yang Plút” vẫn là một điều gì đó bí ẩn. Để giải mã “Yang Plút”, chúng tôi tìm gặp ông A. Giỏi (SN 1957 trưởng làng Le) người được giao trọng trách đảm bảo sự bình yên cho “thần bảo hộ”. Trò chuyện với PV, không giấu được sự tự hào, ông A Giỏi luôn háo hức khoe về sức mạnh, văn hóa của làng Le, của “Yang Plút”. Thế nhưng, khi chúng tôi có ý đề cập muốn được diện kiến thần “Yang Plút” ông Giỏi cắt lời: “PV muốn tận mắt nhìn thấy “Yang Plút” phải chờ đến dịp cúng lúa mới vào năm sau. Giờ bất di bất dịch không một ai có thể nhìn thấy “Yang” được”. Nếu ai đó dám mạo phạm xông vào, “Yang Plút” bắt tội cả làng gặp tai họa”.

Theo đó, vào dịp lễ hội mừng lúa mới diễn ra (từ ngày 29-31/10 hàng năm) đồng bào người Rơ Mâm mới có dịp gặp mặt “thần bảo hộ”. Khi đó, Sở VT-TT&DL tỉnh Kon Tum kết hợp với chính quyền địa phương mổ trâu, bò cúng tế để được tận mắt chứng kiến “Yang Plút”. Bất kể ngày hay đêm, dinh thự của “Yang Plút” luôn được người làng thay nhau trông coi “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Ngay cả người làng, muốn được diện kiến “Yang Plút” phải chuẩn bị lễ vật chu đáo từ nhiều tháng trước. Đúng dịp lễ hiến tế, dân làng phải tập trung đông đủ làm lễ, cung phụng “Yang” 1 năm/lần. Những kẻ “ngoại đạo” hay muốn phá bỏ lời nguyền Yang Plút, chắc chắn sẽ bị trừng phạt và gặp tai họa về sau.

Ông A. Giỏi ( trưởng làng) chỉ cho PV nhà rông nơi thờ Yang Plút.      Ảnh: H.Hùng

Tri ân thần bảo hộ

Nhớ về giai thoại “Yang Plút”, ông A Giỏi vẻ mặt suy tư kể: “Yang Plút, xuất hiện chính xác thời gian nào không ai biết rõ. Từ lúc tôi sinh ra, lớn lên làng đã có tục lệ thờ cúng, sùng bái “Yang Plút””. Theo ông Giỏi, từ bé ông được ông, bà kể lại rằng: Ngày xưa, thời rừng núi hoang vu, thú dữ hoành hành. Lúc đó, trong làng nổi lên một người thợ săn bách phát, bách trúng. Nhiều thú dữ chết dưới tay ông. Một hôm, người thợ săn dắt chó đi, trong đầu ông vang vọng giọng nói một người nào đó sai khiến ông đi suốt ba ngày ba đêm vào tận bên trong rừng sâu.

Đúng nơi hoang vu không dấu chân người, bất chợt con chó của người thợ săn đi vòng quanh bụi rậm sủa liên hồi không ngớt. Thấy lạ, người thợ săn đi tới vạch bụi cây quan sát thấy một ngà voi nằm lăn lóc bên cạnh phiến đá. Nghĩ không có gì lạ ông tiếp tục dắt chó đi, đi mãi nhưng cuối cùng lại quay về chỗ phiến đá có ngà voi lúc ban đầu. Lần này, con chó của người thợ săn sủa ngày một lớn hơn và nhất quyết không chịu rời đi. Điều người thợ săn thấy lạ, khi ông đưa tay nhấc chiếc ngà voi lên tuyệt nhiên con chó im bặt.

Khi ông đặt xuống, quay lưng đi con chó lại sủa dữ dội. Sau phút đắn đo, người thợ săn liền cầm theo chiếc ngà voi ra giấu ở bìa rừng. Khi về nhà, vừa chợp mắt người thợ săn mơ thấy “Yang Plút” báo mộng. Trong mộng “Yang” bảo: “ Tao đã chọn làng Le làm nơi sinh sống. Về làng, tao sẽ che chở bảo vệ, ban mưa thuận, gió hòa cho dân làng làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, muốn rước tao về làng phải mổ trâu, mổ bò, heo gà… cúng tế”. Người thợ săn tỉnh dậy mồ hôi nhễ nhãi thao thức cho tới khi trời sáng.

Sáng sớm, khi gà rừng vừa mới gáy, người thợ săn đem câu chuyện lạ trên kể với dân làng. Sau nhiều ngày dân làng tổ chức họp bàn, cuối cùng các bô lão quyết định làm lễ linh đình rước “Yang Plút” về thờ cúng trong nhà rông truyền thống. Cùng thời gian này, trong làng không ai được làm phiền, quấy rầy “Yang Plút” nghỉ ngơi. Từ ngày  có “Yang  Plút” làng Le làm ăn khá lên trông thấy. Cũng từ đó, hàng năm để biết ơn sự che chở của “Yang Plút”, cứ vào dịp lễ mừng lúa mới  trong năm, người làng tổ chức mổ trâu bò, heo gà cúng tế cho “Yang” mãi trường tồn.

 Ông Giỏi cho biết thêm: “Vào thời điểm, những năm tháng chiến tranh ác liệt bom đạn lửa cháy thiêu trụi cả làng, bà con trong làng phải dìu dắt nhau trốn vào trong những hang đá. Thế nhưng, tuyệt nhiên ngôi nhà rông thờ “Yang Plút” vẫn hiên ngang bất khuất tồn tại giữa biển lửa chiến tranh. Từ đó về sau, cả làng càng tin tưởng hơn đó chính là nhờ “Yang Plút”.“Yang Plút” sở hữu một sức mạnh vô biên, bất diệt bảo vệ người làng Le sống sót, sinh tồn.

 Điều đặc biệt hơn, khi chiến tranh tạm lắng xuống, người làng phát hiện trong nơi thờ cúng “Yang Plút” từ đâu xuất hiện thêm một cọc (cọc dùng buộc trâu), một cây chọc tỉa (cây chọc tỉa dùng trong mùa màng của đồng bào ngày xưa), vài hòn đá  (người làng gọi con cái Yang Plút). Đây cũng chính là lý do mà bao đời này bà con làng Le chỉ nuôi trâu (không nuôi bò, dê) là để nhớ ơn “Yang Plút”.

Cùng thời điểm có mặt tại nhà trưởng làng, ông A Ren ( SN 1955) người trực tiếp thực hiện nghi lễ tắm huyết cho “Yang Plút” chia sẻ: “Càng ngày kích cỡ của “Yang Plút” càng lớn, con cái theo đó sinh ra ngày một nhiều hơn. Hôm thực hiện nghĩ lễ cúng lúa mới, tận tay tôi vào nhà rông trịnh trọng mang “Yang Plút” ra tắm huyết đếm được tổng cộng “Yang” có 30 con (mỗi con là một hòn đá bằng nắm tay) nằm chen chúc. Mỗi hòn đá được cho là con “Yang Plút” đều có chất liệu rất đặc biệt khác lạ so với những hòn đá bình thường.

Hàng năm, chỉ có một dịp duy nhất vào ngày cúng tế, bà con mới được chiêm ngưỡng, ngắm nghía “Yang Plút” ngoài ra bất khả xâm phạm. Thế nhưng, đến nay trong làng không ai giải thích được những đứa con của “Yang Plút”, những vật dụng tượng trưng sự sinh tồn của làng từ đâu mà xuất hiện cùng Yang trong nhà rông vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Những câu chuyện giai thoại, lời nguyền về Yang Plút cứ thế được bà con truyền tai nhau, nó góp phần tô đẹp thêm nét linh thiêng của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

                                                                  Theo : phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.784
Tổng truy cập: