KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Vẹn nguyên màu Huế
(Ngày đăng: 31/12/2014   Lượt xem: 356)
Câu chuyện linh vật ngoại lai và sự phôi pha bản sắc Việt năm qua có lẽ là đề tài nóng nhất, khiến những người trong giới mỹ thuật không khỏi chạnh lòng. Nhưng TS Phan Thanh Bình- Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế lại không mấy bi quan về điều đó. Ông cho rằng, màu Huế vẫn vẹn nguyên trong đời sống hôm nay, bởi từ năm 1996 - trường đã mở ngành đào tạo mới là Mỹ thuật ứng dụng. Và từ cái nôi này, hàng trăm nhà thiết kế mỹ thuật đã định hình tên tuổi, cũng như vô vàn sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng của họ đã hòa nhịp cùng cuộc sống.


Huế mộng mơ
 Âu cũng là nhờ những giá trị của mỹ thuật thời Nguyễn ở Huế và mỹ thuật dân gian phong phú về tiết điệu, đề tài, kiểu thức trang trí vẫn được lưu giữ khá phong phú, đa đạng. Nhờ đó, đã đáp ứng gần như đầy đủ nhu cầu nghiên cứu học tập vốn cổ của sinh viên các ngành mỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang và thiết kế nội thất. Có lẽ vì thế mà trong một bài viết về kiến trúc Huế”, họa sĩ Nguyễn Quân đã cảm nhận về màu sắc của những sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng bày biện trong các công trình kiến trúc Huế rất sinh động. Đó là những bát, đĩa pháp lam, đồ sứ Huế tinh xảo đến cầu kỳ, những hàng cột rất mảnh khảnh và các mái ngói màu vàng, xanh, sắc đỏ... Tôi còn ấn tượng về một bức thảm thêu màu nâu, đỏ, vàng, trầm ấm, tinh vi và khúc triết.
Ở Huế còn có nhiều bảo tàng cổ vật, lăng tẩm, quần thể Đại Nội cùng với nhiều phủ đệ xưa vẫn giữ được lối bày biện nội thất với những cổ vật sâu nặng tính truyền thống dân tộc như các bộ tràng kỷ, các bàn thờ sơn son thiếp vàng, các đồ dùng vật dụng bằng pháp lam, chén bát, bầu, lọ, bình cổ… Sinh viên tìm thấy trong những không gian đó mạch nguồn ấm cúng, gần gũi đầy tính nhân văn của một tâm hồn Việt.
Theo ông Bình, trong định hướng đào tạo Mỹ thuật ứng dụng việc khai thác vốn cổ dân tộc trong mỹ thuật triều Nguyễn được quan tâm đặc biệt. Nhất là đối với sinh viên các ngành thời trang, thiết kế nội thất và thiết kế đồ họa… Tuỳ theo đặc thù ngôn ngữ design trong từng chuyên ngành mà nội dung này được lồng ghép, xen kẽ với chủ đề ứng dụng hiện đại khác với những nguyên tắc như thiết kế thời trang luôn có bài thiết kế trang phục truyền thống, trang phục các dân tộc trong chương trình học. Thiết kế đồ họa có cả một mảng chủ đề cho nhiều đồ án là thiết kế các sản phẩm quảng bá văn hoá như tem, poster, tranh cổ động, tạp chí, sách, lịch với các chủ đề đưa ra thường là sự kiện văn hoá, quảng bá du lịch, giới thiệu vốn cổ, danh lam thắng cảnh, làng nghề… Thiết kế nội thất có đồ án làm về bảo tàng, các chủ đề thường xoay quanh bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, bảo tàng Cổ Vật, bảo tàng trang phục triều Nguyễn, bảo tàng nhạc cụ dân tộc, bảo tàng Văn hoá lúa nước, bảo tàng Văn hoá Chăm… Ngoài ra, có một số đồ án thiết kế nội thất nhà hàng, khách sạn cũng lấy ý tưởng và cảm xúc từ văn hoá truyền thống Huế nói riêng để đưa vào các không gian chức năng.
Thống kê từ năm 2000 đến năm 2014 cho thấy, đã có hơn 50% sinh viên các khóa tốt nghiệp các ngành mỹ thuật ứng dụng chọn chủ đề tốt nghiệp từ văn hóa truyền thống, trong đó văn hóa Huế với những hoa văn cấu trúc chuyên đề rồng, phụng, hoa văn hoa lá chiếm tỷ lệ rất cao. Có khá nhiều đồ án đã gắn kết được với thực tiễn cuộc sống như hoa văn trên bộ tráp đựng lễ vật tân hôn của sinh viên Mai Quốc Thành với màu son đỏ truyền thống ấm cúng, sâu nặng tính truyền thống  Huế xưa.
Nhiều họa tiết mỹ thuật cổ thời Nguyễn đã được đưa vào trong trang trí thiết kế của áo dài trong các Festival Huế và nhiều họa tiết rồng, phụng trở thành tiết điệu trang trí chủ đạo trong quảng bá hình ảnh Huế. Bình diện văn hóa dân gian Huế nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng là rất rộng như: Tranh dân gian làng Sình; tranh trướng liễn làng Chuồn; tranh gương-tranh kính dân gian Huế, nghệ thuật tạo dáng và trang trí diều, trang trí nón bài thơ… Tất cả chúng đều có thể là những đối tượng, những sản phẩm của sự tương tác du lịch ở Huế mà rất cần có sự tham gia trang trí thiết kế của ngành mỹ thuật ứng dụng. Chẳng hạn, bộ lịch diều Huế của sinh viên Tống Phương Uyên sử dụng hình ảnh quen thuộc của diều dân gian Huế để mở rộng ngôn ngữ ở tính trang trí hoa văn và sắc màu rực rỡ, từ đó tạo nên bộ lịch diều xứ Huế độc đáo, đặc trưng và có những giá trị hiện đại, mới mẻ trong đó.
Hay từ tranh dân gian làng Sình, sinh viên Đặng Thiên Hà đã cho công chúng và du khách nhận ra một khía cạnh khác mang tính tâm linh đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian Huế, và nhận ra nét độc đáo khác lạ của văn hóa Huế. Đó là biến thể thiết kế tem và lịch từ 12 con giáp trong tranh dân gian làng Sình với những sắc màu mang âm hưởng Tết nhiều hơn là từ nguyên thể sắc âm màu trầm của loại tranh cúng thế mạng đã tồn tại hơn 400 năm. Cũng tương tự vậy, bộ tranh thiết kế mới về lễ hội làng Sình của sinh viên Trần Sông Lam theo đặt hàng của ban tổ chức Festival Huế 2010, đã góp phần mở rộng hơn ngôn ngữ biểu đạt và tính biểu cảm thẩm mỹ của dòng tranh dân gian này.

Một hình thức khác là thiết kế quảng bá cho ngành du lịch như thiết kế quảng bá về tuyến du lịch, quần thể lăng Kiên Thái Vương, Tự Đức, Đồng Khánh và đồi Vọng Cảnh của sinh viên Phan Khánh Trang đã tạo sự bất ngờ thú vị cho sự triển khai thử nghiệm của tuyến du lịch này cho một số công ty du lịch lữ hành. Bước đầu, trong các hoạt động đối ngoại của trường đã đưa khá nhiều khách là nghệ sĩ quốc tế đi theo tuyến nghiên cứu này và rất thành công. Hiệu quả rõ nhất trong đồ án thiết kế của sinh viên Phan Khánh Trang là đã tạo nên cảm giác hoài cổ, một ý thức về sự đồng vọng giữa quá khứ và hiện tại, qua những hình ảnh sương khói bí ẩn đầy gợi mở, lung linh hấp dẫn của một tour tham quan mới lạ trên một nền không gian cũ gần gũi, lắng đọng.
Hoặc như trong nghệ thuật thiết kế thời trang, sinh viên có nhiều cách để tiếp cận phản ánh và sáng tạo như lấy các hoa văn mô típ cổ trong mỹ thuật thời Nguyễn để cách điệu, biến thể trên các phục trang mới hay áo dài truyền thống; nghiên cứu phỏng tác các bộ phục trang cung đình còn lại, từ đó cải biến, chuyển đổi để làm cho nó mang một sắc thái mới. Xu hướng này thường rất được hoan nghênh tại các kỳ Festival Huế, các cuộc thi thiết kế thời trang ở khu vực và thế giới. Kết quả là đã từng có những sinh viên đưa các hoa văn trong trang trí truyền thống Huế và thiết kế mới ở áo dài đã giành được các giải thưởng cao trong nước và quốc tế như bộ áo dài của sinh viên Phan Quan Tân đã được trao giải Tài năng Trẻ châu Á năm  2011 ở Nhật Bản là một minh chứng.
Hiện nay, yếu tố nghệ thuật truyền thống trong mỹ thuật ứng dụng ngày càng được coi trọng, một phần bởi xuất phát từ những nhu cầu thực tế trong xã hội. Chẳng hạn chỉ riêng việc quảng bá cho các làng nghề ở Huế nhờ thiết kế logo, thiết kế brochure, poste, các trang thông tin… đã rất được các làng nghề quan tâm và một số thiết kế của sinh viên cho các đối tượng này đã được sử dụng lâu dài ở Huế. Poster của sinh viên Phạm Diệu Linh về mặt nạ tuồng Huế là một đóng góp rất thực tế cho việc quảng bá nghệ thuật tuồng ở Huế. Chính poste này đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các dịp Festival văn hoá ở Huế và liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc. Khách du lịch đến Huế cũng rất ấn tượng với một mẫu Poster về nghề làm nón truyền thống Huế của sinh viên Lê Thị Hảo.
Minh chứng bằng những sản phẩm ứng dụng sáng tạo được "ra lò” từ một môi trường đào tạo cử nhân mỹ thuật tương lai, TS Phan Thanh Bình khẳng định, chỉ khi nào đứng vững trên giá trị truyền thống dân tộc thì việc đào tạo và học mỹ thuật ứng dụng mới đạt được những kết quả tốt nhất. Vì nó không chỉ tạo nên những kỹ năng mới, sự hình thành bản chất nghề nghiệp vững chắc mà còn tạo nên ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, mà nếu thiếu nó thì nhà thiết kế tương lai khó mà đứng vững được trong đời sống nghệ thuật hôm nay.
                                                                               Theo : daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.895
Tổng truy cập: