KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Khúc biến tấu từ tre
(Ngày đăng: 19/12/2014   Lượt xem: 389)

Qua bàn tay khéo léo cùng những ý tưởng sáng tạo độc đáo, chàng trai 9x Huỳnh Phước Đức ở xứ dừa Thanh Tam Đông xã Cẩm Thanh- TP Hội An (Quảng Nam) đã cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ tre.

Học xong năm thứ 4 Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đức quyết định “gác” lại năm cuối để đeo đuổi đam mê làm các sản phẩm mỹ nghệ từ tre. Đức tâm sự: “Em tính rồi, nếu học tiếp năm cuối để cầm tấm bằng kỹ sư chế tạo máy chí ít cũng phải tốn khoảng 60 triệu đồng. Em quyết định bảo lưu kết quả dành số tiền đó đầu tư làm các sản phẩm mỹ nghệ từ tre”. Đấy là một ý tưởng khá táo bạo với một chàng trai trẻ, nhưng hẳn nó hoàn toàn có cơ sở và được gia đình ủng hộ. Thực tế thì ý tưởng làm sản phẩm từ tre đến với Đức từ khi cậu học lớp 8. Quê của Đức nổi tiếng với những vạt dừa nước mênh mông nơi hạ nguồn sông Thu Bồn.

Nhiều người đã sử dụng dừa để làm các lều chòi phục vụ du lịch hay các quán cà-phê, nhà hàng kiểu cách. Tất nhiên, để làm các công trình này ngoài lá dừa cần phải có tre, và ba của Đức cũng là thợ chuyên làm các công trình như thế. Lớp 8, đi theo ba, Đức đã nhặt nhạnh những đọt tre thừa rồi tỉ mẩn cắt gọt làm nên mô hình nhà tre khá độc đáo. Cậu đem ra một cửa hàng mỹ nghệ ở Hội An chào hàng và được mua với giá 250 ngàn đồng. Kết quả “ngọt ngào” ấy là sự động viên rất lớn để thổi bùng và củng cố thêm đam mê biến tre thành các sản phẩm du lịch độc đáo của cậu.

Đức và chiếc đàn guita làm từ tre.

Khi học cấp 3 và cả khi ra Đà Nẵng thuê trọ học Đại học thì đam mê từ tre của Đức không hề gián đoạn. Sau giờ lên lớp, Đức lại miệt mài cắt gọt, phòng trọ của cậu ngổn ngang những đọt tre, luôn ồn ào bởi tiếng cưa xẻ. Không dừng ở việc làm mô hình nhà tre để trưng bày, Đức suy nghĩ và bắt đầu những khúc “biến tấu” từ tre một cách đầy cảm hứng nhưng lại thiết thực với nhu cầu cuộc sống. Đức làm vỏ đồng hồ bằng tre với nét khắc, gọt rất tinh xảo, công phu. Cậu cũng làm các loại vỏ điện thoại từ tre phong cách và tinh tế. Những sản phẩm ấy được sinh viên háo hức đón nhận, “ra lò” cái nào là các bạn sinh viên “rinh” hết cái đó.

Có bữa, các bạn sinh viên cùng dãy trọ “hú hồn” với Đức khi cậu mua chiếc điện thoại đập hộp về rồi tháo tung chỉ để làm thí nghiệm cho một mẫu vỏ điện thoại mới. Không ngừng sáng tạo để làm ra các sản phẩm đầy phong cách, ngẫu hứng, như ngôn ngữ của sinh viên là “hàng độc”, đó là tiêu chí mà Đức lựa chọn. Chàng trai 9x tâm sự, điều quan trọng nhất khi làm các sản phẩm này là phải kiên trì. Chẳng hạn như cây đàn guita bằng tre mà Đức chế tạo thành công phải mất 3 tháng trời. Để có cây đàn như vậy, Đức phải sử dụng 1.000 miếng tre, độ mỏng, độ dày từng miếng phải rất chỉn chu mới có thể cho âm thanh độc đáo. Giá một cây đàn tre khoảng 7 triệu đồng, nhưng so với công sức mà Đức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.

Những “khúc biến tấu” từ tre không ngừng được Đức thể nghiệm. Cậu bắt đầu với những ý tưởng táo bạo, lạ lẫm hơn từ tre, chẳng hạn làm một chiếc xe máy bằng tre. Với kiến thức học được từ ngành cơ khí chế tạo máy, Đức đã thiết kế thành công xe máy bằng tre, chạy bon bon trên đường làng. Chưa hết, Đức mua hẳn cái tivi mới về rồi tháo vỏ, khoác lên cho nó một lớp áo bằng tre. Nhìn chung, các sản phẩm nhỏ như cây bút tre hay lớn như xe máy bằng tre, tất cả đều in dấu một phong cách rất “độc”. Đức kể, nhờ “biến tấu” từ tre mà cậu đã kiếm tiền mua sắm được các vật dụng trong gia đình, mua được xe máy ngay khi còn học năm 3 đại học. “Trước đây mỗi lần về Hội An em phải đạp xe mất 2 giờ đồng hồ, nhưng tới năm 3 em đã mua được xe máy nên việc di chuyển từ quê ra Đà Nẵng học, làm nghề cũng thuận lợi hơn”- Đức hồ hởi khoe.

Đức miệt mài cắt gọt tạo ra những “khúc biến tấu” từ tre.

Sau đợt nghỉ hè tháng 7 vừa qua Đức đã tạm ngừng học ở ĐH Bách khoa để về nhà mua máy cắt, máy cưa lọng để làm nghề. Dù chỉ giao dịch qua facebook, qua những mối quen biết, nhưng mối hàng của Đức làm đã không xuể vì thế cậu đang xúc tiến để đầu tháng tới mở xưởng, thuê nhân công, chính thức “chơi một canh bạc đàng hoàng” với… tre. “Ở quê em đang phát triển mạnh du lịch cộng đồng, em muốn mở xưởng để du khách tới, tham gia trực tiếp làm các khâu đơn giản để cho ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre. Em nghĩ rằng sự trải nghiệm này sẽ làm khách rất thích thú”- Đức chia sẻ. Bên cạnh đó, chàng trai 9x cũng tính chuyện đem sản phẩm của mình tiếp thị tại các cửa hàng ở Hội An, mở kênh phân phối ở Hà Nội, TPHCM.

Bỏ dở cơ hội trở thành kỹ sư, Đức đã chọn cho mình một hướng đi riêng theo cách của tuổi trẻ đầy quyết tâm, bản lĩnh  và luôn tràn ngập hy vọng.

                                                                             Theo Cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.895
Tổng truy cập: